Thoát khỏi cái ồn ào, náo nhiệt và xô bồ của Hà Nội, chúng tôi đi trên những cung đường cheo leo để tìm đến với Hà Giang. Hà Giang với thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành và khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi mê đắm lòng người bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bởi tình cảm ấm áp của bà con dân tộc nơi đây, bởi men rượu ngô say ngất ngây, bởi sắc hồng mộng mơ của những thung lũng hoa Tam giác mạch. Ai đã từng đến Hà Giang sau khi trở về nhà cũng mang theo đầy niềm thương và nỗi nhớ. Cao nguyên đá Đồng Văn, cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, cũng như nụ cười rạng rỡ của những em bé và cô gái vùng cao luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch nơi cao nguyên đá Hà Giang.
Chúng tôi đến du lịch Hà Giang trong một ngày tháng 10 mát mẻ với tâm trạng đầy háo hức. Nếu miền biển đẹp ngọt ngào quyến rũ như cô gái mười tám, Hà Giang lại mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng như một cô sơn nữ. Và sau chuyến đi này thì chắc chắn một điều là: “Không gì là không thể, miễn là chúng ta đi cùng nhau”.
Nếu đã từng đặt chân đến Hà Giang dù chỉ một lần, hẳn nhiều người đã bị miền đất này quyến rũ, mê hoặc. Những nét đẹp tự nhiên lúc giao mùa, hay cung đường đồi núi xanh tươi, từ đơn sơ đến hùng vĩ, từ hoang dại đến thơ mộng hữu tình, đến đây rồi đều sẽ da diết nhớ thương.
Chúng tôi xuất phát từ thành phố Hà Nội, đi ngược lên phía Đông Bắc với chặng đường khoảng 300 km để tới Hà Giang. Những con đường cheo leo, vắt vẻo tựa sợi chỉ mỏng manh được neo một cách hờ hững qua lưng chừng núi. Nếu Đà Lạt thơ mộng trữ tình với thành phố ngàn hoa, thành phố Hà Nội cổ xưa nồng nàn trong cái rét chuyển mình mùa đổ lá, thì Hà Giang luôn đậm chất cổ điển và hùng vĩ với hàng chục con đèo lớn nhỏ nối tiếp nhau.
Một trong những cảnh đẹp không thể rời mắt khi đến Hà Giang là cổng trời cao nguyên – Quản Bạ. Tới đây để đặt chân đến với cao nguyên đá, để chinh phục cực Bắc Việt Nam và thử cái cảm giác thong dong cùng mây gió. Con đường dẫn đến Cổng Trời Quản Bạ, là một con đường nguy hiểm mà ai đi Hà Giang cũng chùng lòng. Một bên đường là vách núi cao, một bên là vực sâu, chỉ cần lệch tay lái một chút thì có thể rơi xuống vực trong tích tắc.
Đứng từ cổng trời nhìn xuống có thể thu hết vào tầm mắt non nước hữu tình xinh đẹp của cao nguyên. Từ đây, có thể ngắm nhìn những thửa ruộng vàng ươm dưới nắng, ngắm núi Đôi Cô tiên và thưởng thức khung cảnh mê đắm lòng người của thung lũng Quản Bạ. Bình dị, đơn sơ mà nên thơ đến lạ. Sự kỳ vĩ, hoang sơ của núi non trùng điệp hòa quyện với sương khói mỏng manh cùng mây trời bảng lảng vẫn luôn ngự trị trên mảnh đất này cũng đủ làm xao xuyến và thổn thức trái tim của bất kỳ người nào. Cổng trời dốc cao trơn rượt, dừng chân ngắm cảnh bỗng nghe tiếng kèn môi văng vẳng đâu đó trong làn sương mù. Ngắm rừng thông Yên Minh thẳng tắp ngút ngàn vi vu gió lộng rồi phóng tầm mắt qua lớp sương mù tinh khiết lạnh lẽo, bạn sẽ thấy một màu xanh tươi mới và mát lòng. Cái lạnh rùng mình lại như cái cớ cho ấm lòng những cặp đôi. Cầm tay nhau, đi dạo dưới rừng thông đẹp như thế thì hạnh phúc nào sánh kịp.
Đường lên cổng trời lúc thì chót vót giữa đỉnh trời, có lúc lại vắt vẻo và lửng lơ bên sườn núi, cũng có lúc “rơi tõm” xuống giữa hẻm núi sâu với hai bên là vách đá dựng đứng, cao chót vót.
Xe qua khỏi đèo thì đến Quản Bạ. Từ trên đỉnh cao của núi khi xuống đến lũng sâu thì mới thấy cái khác biệt của thế giới trên núi cao kia với chốn lũng sâu ngút ngàn những ruộng bậc thang xanh mướt hay những ruộng cải vàng óng dưới ánh mặt trời. Đặc biệt, giữa khung cảnh rực rỡ sắc màu ấy nổi bật lên nét quyến rũ trông như bộ ngực căng tràn sức sống của núi đôi Quản Bạ. Biển mây bồng bềnh cùng khói sương bảng lảng khiến tất cả như một bức tranh vừa mơ hồ, vừa huyễn hoặc đem lại cho chúng tôi một cảm giác lâng lâng khó tả.
Từ giã Quản Bạ, chúng tôi đến Đồng Văn. “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ”. Âm thầm, lặng lẽ từ đời này qua đời khác, biết bao nhiêu thế hệ đồng bào dân tộc ở Đồng Văn đã “sống cùng đá, hòa mình trong đá”. Giữa “vương quốc đá” ngút ngàn và cằn cỗi ấy, những mầm sống vẫn đâm chồi nảy lộc bằng đôi tay khéo léo của người dân nơi đây. Nhìn những con người đang hàng ngày vắt vẻo ở lưng chừng núi để gieo vào đó mầm xanh hy vọng của hạt ngô, cây lúa khiến chúng tôi không khỏi trào dâng niềm cảm phục đối với cuộc sống lam lũ nhưng vô cùng kiên cường của họ. Người và đá tựa lưng vào nhau mà sống, mà tồn tại như một mối lương duyên thủy chung ngàn đời tại mảnh đất này.
Những cơn gió thổi qua từng thửa ruộng bậc thang, đi ngang qua dòng suối, len lỏi vào tận những cánh rừng, rồi hoà mình vào giai điệu của đất trời. Chuyển thành niềm hạnh phúc đang ánh lên trên những gương mặt mà chúng tôi đi ngang qua. Dù cuộc sống còn vô cùng khó khăn, nhưng đôi mắt của những con người vùng cao thật đẹp, thật cuốn hút, làm chúng tôi xao xuyến mãi không thôi.
Trẻ con ở đây ngây thơ, hồn nhiên như đá núi Đồng Văn. Tâm hồn chúng phẳng lặng, trong trẻo, nguyên sơ như dòng sông Nho Quế. Mỗi lần gặp đoàn xe đi ngang qua, ánh mắt của chúng lại trở nên rạng rỡ. Chúng nhoẻn miệng cười tươi rói, vẫy tay chào những vị khách xa lạ một cách rất đỗi thân thương và trìu mến.
Cơm không đủ no, áo không đủ ấm nhưng các em vẫn hồn nhiên lớn lên như cây cỏ giữa cao nguyên bạt ngàn rừng núi. Hình ảnh những đứa trẻ dân tộc ăn mặc phong phanh và bước đi lầm lũi, chông chênh giữa đại ngàn hoang vu đầy sương gió luôn có sức ám ảnh sâu sắc làm lay động bất cứ trái tim nào.
Rời khỏi phố cổ Đồng Văn để lên đường đi Lũng Cú. Ấn tượng tuyệt vời nhất khi chúng tôi đến chân cột cờ Lũng Cú đó chính là hình ảnh đất trời Hà Giang lại được khoác lên mình màu áo hồng rực rỡ bởi sắc hoa Tam giác mạch. Từ các thung lũng, các triền núi chênh vênh tới những bản làng, nơi đâu cũng nở rộ những bông hoa Tam giác mạch đầy quyến rũ.
Cứ ngỡ trong cái vùng mênh mông đá xám, sự sống sẽ lụi tàn nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp men theo các cung đường là sắc màu của các loại hoa. Lên Hà Giang ta bắt gặp những đồi hoa, thung lũng hoa Tam giác mạch nở rực rỡ như những hạt mưa tím hồng hiện lên ngút tầm mắt, nằm ngang cạnh những con đèo, men theo những cung đường, e ấp bên ngôi nhà đất tường trình của người dân tộc.
Sắc hồng mộng mơ của Tam giác mạch hòa với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây khiến Hà Giang vốn đã đẹp nay càng thêm quyến rũ. Vẻ đẹp lãng mạn ấy như hiện thân cho sự sống, tình yêu và sự hạnh phúc. Những bông hoa Tam giác mạch bé nhỏ gợi sự yểu điệu, mỏng manh, nhưng lại rất kiên cường, có thể sinh trưởng tốt và nở hoa rực rỡ giữa vùng cao nguyên đá hoang sơ và khô cằn. Nó đã trở thành một thứ màu sắc đặc biệt, tô điểm cho vùng núi non thêm đậm chất tình và chất thơ.
Đứng giữa cánh đồng Tam giác mạch, bạn sẽ đắm chìm trong không gian ngập tràn sắc hoa hòa trong mây núi vùng cao. Một sự kết hợp hài hòa giữa sắc trắng xen lẫn hồng tím của những bông hoa Tam giác mạch cùng nền xanh của núi rừng bao la. Vẻ đẹp của bức tranh tuyệt đẹp này có sức cuốn hút kì lạ bao tâm hồn của những người có tâm hồn mộng mơ và yêu cái đẹp.
Đứng trên đỉnh Lũng Cú nhìn xuống, cả một vùng biên cương rộng lớn, bao la của Tổ quốc trải dài tít tắp với núi non trùng điệp, ruộng nương xanh ngắt, bản làng mờ ảo trong sương – một vẻ đẹp làm say đắm lòng những người con đất Việt.
Chia tay Lũng Cú, chúng tôi lại tìm đến Mã Pì Lèng, Mèo Vạc. Những con đường mềm mại như dải lụa uốn khúc quanh co, hết lượn lờ từ hẻm núi này rồi lại treo lửng lơ qua đỉnh dốc nọ. Quả thực, không bút mực nào có thể lột tả được hết sự kỳ vĩ, điệp trùng của núi non, sự mơ hồ huyền ảo của sương khói mây trời cũng như cái thăm thẳm, hun hút của vực sâu muôn trượng. Dưới chân đèo Mã Pì Lèng, ở độ sâu gần ngàn thước là dòng sông Nho Quế, mảnh mai như một dải lụa, ẩn hiện, lặng lẽ trôi như bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian và không gian. Lên Mã Pì Lèng để ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh ngắt một màu, đang thướt tha uốn lượn, tung bay như một áng tóc suôn mềm giữa đại ngàn lộng gió.
Ngày cuối cùng trong chuyến du lịch Hà Giang, chúng tôi thức dậy sớm để đón chợ phiên Đồng Văn. Trời còn mờ mờ khi chúng tôi ra đường. Chỉ cần băng qua đường là đến chợ. Nếu một lần đi chợ Đồng Văn, bạn sẽ cảm nhận được tình người quý giá của người dân nơi đây. Qua vài ba câu chuyện, họ hiểu nhau, quý nhau, cạn hết những chén rượu ngô, cho đến khi liêu xiêu, tựa mình vào lưng chừng núi quên cả đường về. Chợ phiên hôm nay dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng có. Trong không khí nhộn nhịp tươi vui, chúng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe tiếng kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu, vẫn thấy khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc của những đôi lứa gặp lại nhau sau bao ngày xa cách.
Chúng tôi dạo quanh chợ một lúc rồi đi bộ lên khu phố cổ. Trời hơi lạnh và đẫm sương, con đường lên phố mờ nhạt ẩn hiện những nếp nhà đá ngói âm dương. Chúng tôi ghé quán cafe phố cổ mà chúng tôi nghe đã già hơn trăm tuổi. Chúng tôi hít thở mùi sương núi, lòng tĩnh lặng không gợn một chút buồn cố hữu những khi được đứng trước một cảnh đẹp. Sự yên bình của đời sống ở đây giữ cho tâm chúng tôi yên ổn. Đi khỏi đây rồi, tôi không biết mình có chịu đựng được không khi trở lại cái chen chúc của đô thị và cái chật hẹp của lòng người.
Ngoài những cảnh đẹp giới thiệu ở trên, những ngôi nhà của đồng bào Mông cũng là một nét đẹp nơi thung lũng vùng cao này. Những ngôi nhà vững chãi với ngô và đỗ tương phơi khô trên gác mái nằm giữa những dãy núi đá nhấp nhô, bên cửa luôn có cô gái trẻ ngồi dệt vải cũng góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của thung lũng hoa. Những sắc màu rực rỡ, tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ là những điểm khắc sâu vào tâm trí du khách trong mỗi chuyến hành trình đến với Hà Giang của mình.
Ba ngày tuy không dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi thực sự sống cuộc sống của tuổi trẻ với nhau. Không ai dám chắc rằng, cuộc sống như vậy là đủ và sau hành trình này là cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhưng ít nhất, khoảng thời gian ấy cho chúng tôi một ký ức khó có thể phai mờ và rất có thể chúng tôi có thêm chút hương vị tươi mới cho cuộc sống. Và ít nhất, chúng tôi có những cái để kể với nhau, chỉ như vậy cũng đủ làm cuộc sống trở nên đáng yêu, đáng sống hơn.
Trong hành trình ba ngày đi Hà Giang với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và biết bao kỷ niệm ngọt ngào đong đầy yêu thương, chúng tôi dành thời gian ôn lại quãng đường cả hai đã nắm tay nhau đi qua và vẽ tiếp những khoảng trời ước mơ để cùng nhau vươn tới. Thời gian bên nhau chỉ là một cột mốc, còn cảm xúc và những trải nghiệm mới chính là những điều chúng tôi sẽ mãi mang theo trong tim mình. Chúng tôi thầm nghĩ, dù ngày nắng hạn hay bão giông, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn và lòng người khó lường những đổi thay bất trắc. Dù tình yêu chúng mình ngày sau ấm nồng hay quạnh hiu chẳng thể nào biết trước, nhưng hãy bắt đầu bằng hôm nay hạnh phúc, nhé tình yêu!
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, không ai định được, nhưng hành trình làm nên tuổi trẻ là vô giá, những người đồng hành cùng bạn làm nên tuổi trẻ ấy là vô giá, thế nên hành trình tuổi trẻ ấy là cái bạn cần hy sinh, đánh đổi để có được. Đừng ngại ngần khi lên kế hoạch cho những chuyến đi xa cùng với những người thân trong gia đình, những người bạn thân hay một nửa yêu dấu của bạn.
Tạm biệt Hà Giang! Tạm biệt những cao nguyên đá hùng vĩ đứng sừng sững muôn đời! Tạm biệt dòng sông Nho Quế trong xanh, phẳng lặng! Tạm biệt những nếp nhà đơn sơ, giản dị chênh vênh trên sườn núi! Tạm biệt những con người lam lũ mà hồn hậu, chân chất, mộc mạc như cành cây, ngọn cỏ! Chúng tôi lại trở về Hà Nội với những công việc bộn bề, với nhịp sống hối hả của cuộc sống thường nhật. Xin mạn phép được mượn hai câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của thi sĩ Chế Lan Viên để khép lại chặng hành trình đầy cảm xúc trở về miền địa đầu Tổ quốc:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2019
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam