Giao Thuỷ (Nam Định): Lấy hạnh phúc của người dân làm tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới

(ĐHVO). Những mô hình kinh tế nổi bật, những con đường khang trang, sạch, đẹp; những ngôi trường chất lượng, hiện đại; những điểm du lịch hấp dẫn, không gian yên bình, trong lành… là những điểm sáng mà Giao Thuỷ đạt được trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí hạnh phúc của người dân được đặt lên hàng đầu.

Trụ sở Đảng ủy HĐND,UBND xã Giao Phong (Giao Thủy)

Chính quyền chủ động, người dân góp sức

Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội huyện ủy Giao Thủy đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Tỉnh đã đề nghị Trung ương công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Chia sẻ về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tiến tới xây dưng đô thị văn minh, ông Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ cho biết: Chính quyền và người dân Giao Thuỷ đồng lòng quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn sinh học, sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; lấy người dân làm chủ thể thực hiện xây dựng Giao Thủy trở thành trục phát triển kinh tế mới của Tỉnh – một miền quê đáng sống với tiêu chí hạnh phúc được đặt lên hàng đầu.

Nhờ triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Giao Thủy đã thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ; có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ cao; tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đạt nhiều kết quả tích cực; các khâu trong sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh tạo điều kiện hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “Cánh đồng lớn”, mô hình “Nuôi trồng thủy, hải sản tập trung” tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp.

Người dân thu hoạch mật ong, sản phẩm mật ong sú vẹt được nuôi tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Cho đến nay, toàn huyện Giao Thủy có 105 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên. Thu nhập bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 138,57 triệu đồng; thu nhập bình quân trên 1ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 636,07 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ; các cụm, điểm công nghiệp của huyện đi vào hoạt động, mỗi năm tạo ra trên 4.000 việc làm mới cho lao động nông thôn.

Xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, nên ngay từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, các tuyến đường trục xã, trục thôn xóm, ngõ xóm đã được huyện đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Đến nay, tất cả các tuyến đường trục ở các cấp đều có chiều rộng nền đường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Phong trào toàn dân chung tay xây dựng tuyến phố văn minh xanh, sạch, đẹp được các xã thường xuyên phát động Nhân dân, các tổ chức đoàn thể tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường các tuyến đường; vận động Nhân dân tự tháo dỡ vi phạm hành lang an toàn giao thông dưới lòng, lề đường, vỉa hè; bổ sung các hạng mục cần thiết, như: biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh; phát động Nhân dân trồng hoa ven đường tạo cảnh quan khu dân cư đảm bảo sáng -xanh – sạch – đẹp.

Cùng với việc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển nông nghiệp xanh bền vững, việc định hướng phát triển du lịch địa phương phù hợp kế hoạch phát triển hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Giao Thuỷ cũng đã xác định 04 dòng sản phẩm chính, trong đó có phát triển du lịch sinh thái tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn… bao gồm Vườn Quốc gia Xuân Thủy của huyện Giao Thủy. Nắm bắt thời cơ đó, huyện Giao Thủy đã xây dựng đề án phát triển du lịch Huyện đến năm 2030 trong đó xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện với mục tiêu xây dựng được các định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phát triển du lịch huyện Giao Thủy nói chung và phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy đến năm 2030. Từ đó góp phần đưa Giao Thủy trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Nam Định, khẳng định vị thế, thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Trên địa bàn huyện Giao Thủy có nhiều điểm du lịch thăm quan nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh hấp dẫn du khách. Gắn hoạt động lễ hội với các tour, tuyến du lịch có tham quan di tích lễ hội nhằm khai thác tiềm năng văn hóa nhân văn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi thăm quan, trải nghiệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Bãi biển Quất Lâm,… du khách có thể thăm quan các di tích lịch sử đình, đền, chùa, nhà thờ, như thăm quan di tích lịch sử Đền Văn Trì và Chùa Phúc Lâm; Nhà thờ xứ Quất Lâm; di tích lịch sử cấp quốc gia Đền – Chùa Diêm Điền, di tích làng Hoành Nha xã Giao Tiến, Nhà thờ xứ Đại Đồng… Qua đó, hòa mình vào các lối kiến trúc cổ kính, không gian yên bình đồng thời có thể trực tiếp tham gia vào các trò chơi dân gian như bắt vịt, bắt lợn, cờ người, đi cầu ngô…, tại các lễ hội truyền thống của di tích.

Cảnh diêm dân thu hoạch muối tại xã Bạch Long (Giao Thủy)

Với mục tiêu phát triển du lịch đồng thời gắn với việc giới thiệu quảng bá các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, trong đó, có những sản phẩm OCOP tiêu biểu đạt chuẩn 3, 4 sao ở mỗi địa điểm đi qua, du khách sẽ được thưởng thức sản phẩm nông sản sạch tại trang trại nông nghiệp công nghệ cao và những trải nghiệm sinh thái thú vị khác…

Công khai, minh bạch dựa trên nguyện vọng của nhân dân

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu, ông Doãn Quang Hùng – Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ nhìn nhận, để sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững cần làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư cả về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc công khai, minh bạch trong mọi chính sách; mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, đồng thời đẩy mạnh thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Sự ủng hộ của Nhân dân là nguồn lực quan trọng để tiến hành xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Phải có đề án, kế hoạch sát, đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hoá – thể thao; quan tâm đến cảnh quan, môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở đó, tạo khí thế phấn khởi, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của Nhân dân. Việc huy động được nhiều nguồn lực và tất cả mọi người dân tham gia là nhân tố quyết định thành công chương trình “Xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán, liên tục và quyết liệt theo tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn với từng tiêu chí một cách cụ thể, theo đó tiêu chí nào khó, cần thời gian dài phải xác định thời gian, lộ trình cụ thể; tiêu chí nào dễ thì triển khai ngay. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp phải xây dựng chương trình, quy chế làm việc, phân công và giao trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, đặc biệt phải phát huy được vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Cần coi trọng công tác xây dựng bộ máy để tham mưu, giúp việc cho ban chỉ đạo các cấp (cơ quan thường trực, cán bộ chuyên trách) và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tham quan các đơn vị làm tốt để rút kinh nghiệm; tuân thủ nghiêm túc chế độ sơ tổng kết, giao ban, kiểm điểm tiến độ triển khai, trong đó có trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công.

Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, tuỳ theo điều kiện và đặc điểm của mỗi địa phương, để có cách làm cho phù hợp, sáng tạo, tránh dập khuôn, máy móc. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu mang tính động lực như giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hoá, chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, công tác môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở sở sở, theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Một trong những tuyến phố văn minh của xã Giao Phong.

“Với phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn xây dựng nông thông mới và công khai, minh bạch; xây dựng Giao Thủy trở thành trục phát triển kinh tế mới của Tỉnh, một miền quê đáng sống với tiêu chí hạnh phúc được đặt lên hàng đầu đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, người dân thực sự vào cuộc và là chủ thể của chương trình” – Ông Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ nhấn mạnh!

Trần Hồng

Bài viết liên quan

z6128022429370_265fb10a3a1ad8f557cedd86f2775e64

Mái ấm siêu nhân: Nơi “Siêu anh hùng” vượt lên số phận

z6122287444118_872b72eac5b493564b4d88631b06c7d1

Thúc đẩy cơ chế, chính sách giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng

Ảnh 1

Tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội

Picture1

Vụ Bản: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công

Picture1

Thúc đẩy vai trò của người khuyết tật vì một xã hội hòa nhập và phát triển bền vững

Picture1

Thanh Hoá: Những hoạt động ngoại khoá sôi nổi nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam tại trường tiểu học Nga Bạch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang