(ĐHVO). Mới đây, một nam bệnh nhân 44 tuổi (trú tại Hà Nội) đã phải nhập viện rửa ruột do đã sử dụng 15 viên thuốc sốt rét, với lý do để phòng chống dịch Covid-19. Đây là trường hợp nhập viện đầu tiên do sử dụng quá liều thuốc, trước tình trạng nhiều người dân mua tích trữ thuốc sốt rét với mục đích phòng chống dịch bệnh, do nghe theo thông tin sai lệch trên mạng.
Theo đó, bệnh nhân đã được rửa dạ dày ngay khi nhập viện. Bệnh nhân được cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Bệnh nhân cho biết đã nghe theo thông tin trên mạng và mua thuốc sốt rét về uống với mong muốn phòng được dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nôn ói, chóng mặt, tụt huyết áp, mắt lờ mờ,…
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã cảnh báo về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc sốt rét. Theo ông, thuốc này có thể có tác dụng điều trị Covid-19 nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô là phòng thí nghiệm, để đưa được một loại thuốc điều trị hiệu quả ra thị trường phải đảm bảo quy trình khắt khe. Hiện tại, Mỹ mới chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm thuốc này, chưa cho sử dụng rộng rãi.
Trước đó, nhiều thông tin sai lệch về thuốc điều trị Covid-19 cũng được lan rộng trên cộng đồng mạng. Một tài khoản xã hội đăng thông tin bài thuốc dân gian có tác dụng “trừ tà diệt virus corona”, thu hút nghìn người, cũng là thông tin hoàn toàn không đúng sự thật.
Cụ thể là thông tin nước uống đun sôi với tỏi của chủ tài khoản tên Q. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo bài đăng, chủ tài khoản này còn chỉ cách làm và khẳng định các bác sĩ đang chứng minh được hiệu quả của nó trong điều trị dịch Covid-19. Trong khi đó, WHO khẳng định chưa có bằng chứng nào chứng minh tỏi có tác dụng trong điều trị Covid-19. Tại cơ quan công an, chị Q. đã khai nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng, xóa bỏ bài viết đã đăng tải.
Thông tin nước uống từ tỏi chữa được Covid-19 được đăng trên mạng xã hội của tài khoản Q., hoàn toàn là không đúng sự thật.
Hay bài thuốc với các nguyên liệu gồm chanh, sả, gừng, mật ong đun lên thành nước uống, chữa trị được bệnh dịch trên trang mạng xã hội. Hàng loạt cá nhân cũng đã bị xử phạt vì những thông tin không đúng về những phương pháp, loại thuốc điều trị bệnh dịch. Các bài viết có thông tin sai lệch về thuốc điều trị Covid-19 đều được cơ quan công an “truy tìm” và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa có thuốc điều trị. Do đó, mọi thông tin trên mạng xã hội về các loại thuốc hay các phương pháp chữa khỏi dịch bệnh đều không có cơ sở khoa học. Cách tốt nhất để người dân có thể phòng tránh được bệnh đó chính là tuân thủ những quy định về vệ sinh đúng cách, cách ly đủ ngày, hạn chế ra ngoài, ăn chín uống sôi, thể dục thể thao,… các quy định mà Bộ Y tế quy định và khuyến cáo tới người dân.
Nhật Anh (T/h)