Để luật không “lỗi nhịp” với cuộc sống

( ĐHVO) Không thể phủ nhận trong suốt thời gian qua ngành tư pháp đã, đang rất nỗ lực hoàn thiện bộ khung pháp luật. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều “sạn” mà ngành và Quốc hội cần chung tay nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia. Đồng thời, nhiều quy định pháp luật sẽ đi sát sườn với thực tế không nên xa rời cuộc sống.


(Ảnh nguồn internet)

Giải trình rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 vào ngày 31/10/2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thẳng thắn nhìn nhận năng lực làm luật của chúng ta dù đã cố gắng nhưng có phần còn hạn chế, trong đó có vai trò của pháp chế các bộ, ngành và vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp. “Dư luận bức xúc rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Trong đó, có nhiều trường hợp các quy định pháp lý được đánh giá là cần thiết, hợp lý, được người dân ủng hộ, nhưng thực thi thiếu hiệu quả, hoặc bất khả thi về mặt thực thi, cũng làm trầm trọng hơn tình trạng luật pháp không phù hợp với thực tiễn. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dẫn vụ việc, cụ thể: Một người đàn ông ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng để nói rằng chất lượng ban hành môt số văn bản pháp luật “có vấn đề”. Qua đó, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, việc quan trọng nhất trong xây dựng pháp luật là phải phù hợp với thực tiễn và quy trình xây dựng cần phải được chuẩn hóa, vậy mà có những luật vừa ra đời, chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi… Nếu cứ ngồi trong phòng lạnh mà làm chính sách thì chính sách sẽ không phù hợp với thực tế. Trong 5 năm trở lại đây, số văn bản pháp luật thiếu tính khả thi được ban hành bởi các bộ ngành, địa phương do báo chí, người dân hoặc Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phát hiện, “thổi còi” lên tới con số… ngàn. Để lại “ấn tượng sâu đậm” nhất trong lòng người dân là quy định buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng, quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân, quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… quy định xử phạt những người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định…

 

Có thể nhận định khách quan thì, tình trạng không tuân thủ pháp luật là lỗi của cả hai phía: đối tượng chịu tác động (người dân, doanh nghiệp…) và cơ quan xây dựng chính sách (chính quyền). Luật thiếu thực tiễn, bất hợp lý, nguyên nhân đầu tiên là do năng lực của người làm luật. Yếu tố phù hợp với thực tế cuộc sống phải là yếu tố đầu tiên cần xem xét khi xây dựng luật. Không bảo đảm được điều này, các nhà làm luật không thể bao biện về vấn đề năng lực. Điều đó xảy ra có thể là do họ không thực hiện đúng quy trình xây dựng luật theo bảy bước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Có nhiều trường hợp, các nhà xây dựng dự thảo luật “nhảy cóc” không tuân thủ theo thời gian quy định khi soạn thảo dự thảo và ban hành văn bản luật do các cơ quan nhà nước đã xây dựng.

Dẫu biết rằng, mục đích của những quyết định trên là tốt, với mong muốn đem lại sự an toàn, tiện lợi cho người dân nhưng vì xa rời thực tế, tính khả thi thấp, chưa tổ chức thực hiện đã lộ rõ sự bất cập nên đã không có được sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, một khi thiếu sự đồng thuận cao trong xã hội, những văn bản pháp luật đó không đi vào đời sống mà rơi vào im lặng và quên lãng cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với đó, còn nhiều nguyên nhân như luật không được phổ cập, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được luật, luật chồng chéo hay mỗi nơi mỗi khác dẫn đến không biết áp dụng thế nào, luật dù quá nhiều quá dày nhưng cũng không bao trùm hết được thực tế, người dân còn thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật … cũng dẫn đến tình trạng luật pháp “xa rời” cuộc sống.

 

Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều văn bản pháp luật thiếu tính khả thi: Việc lấy ý kiến người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; Năng lực yếu kém của những cơ quan soạn thảo văn bản, thiếu dự báo mang tính chiến lược và sự ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội; Sự thông qua vội vã, thiếu thẩm định kỹ càng của người phê duyệt, ký ban hành. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do những nhà soạn thảo văn bản luôn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân, vì vậy họ không thực sự lắng nghe mà luôn luôn áp đặt ý chí chủ quan của mình hoặc của một nhóm lợi ích nào đó vào văn bản pháp luật.

Song song đó, nhằm tránh tình trạng văn bản không đi vào đời sống, Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2019 đã xác định đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định.

Ngoài ra, cần có đội ngũ chuyên môn rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành, thẩm định và xem xét chi tiết tính hiệu quả của các văn bản quan trọng, lấy ý kiến nhân dân với những trường hợp đã bỏ sót, để “nhặt” ra những quy định không phù hợp và điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện lại bộ khung pháp lý trước khi đẩy mạnh thực thi.

Với người thực thi pháp luật cũng vậy, cần quy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thực thi không đúng, không nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm khắc không bao che. Chỉ cần cán bộ thực thi pháp luật “biết sợ”, làm việc nghiêm túc, tử tế, công tâm, người dân sẽ chịu ảnh hưởng dây chuyền và phần lớn nghiêm túc tuân theo. Sâu hơn nữa là những vấn đề như cơ chế, giám sát, công cụ, công nghệ… hỗ trợ để người thực thi pháp luật có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển thì nhất thiết phải “lồng” luật trong cuộc sống thường nhật của người dân. Cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến luật, đưa giáo dục luật pháp vào trường học. Đẩy mạnh các công cụ để người dân, các đối tượng áp dụng dễ dàng góp ý xây dựng điều chỉnh luật hoặc góp ý, phản ánh các bất cập, các trường hợp vi phạm. Tóm lại cần để người dân được tham gia sâu rộng trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để pháp luật thực sự là “vũ khí” hiệu quả không chỉ của chính quyền, mà còn của toàn bộ người dân đất nước.

Như vậy, với hầu hết các quy định pháp lý đều nhằm điều chỉnh những hành vi, quan hệ trong xã hội theo pháp luật nhà nước. Các quy định ấy phải được nghiên cứu, thẩm định kỹ trước khi ban hành. Ra các văn bản pháp luật mà không chú ý đúng mức đến tác hại của những quy định chưa sát thực tế, không tính đến hiệu quả pháp lý sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Nhờn luật khi đã trở thành cố tật, thành ý thức “bất tuân luật pháp”, có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống kinh tế, xã hội, với doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Minh Sơn

 

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang