Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tại Hà Nội và TP.HCM lượng nước thải sinh hoạt thải ra môi trường hiện nay chỉ có 30% là được xử lý, còn lại được xả tiếp ra sông ngòi, ao hồ,… làm ô nhiễm cả vùng mặt nước. Các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… có tình trạng nước nhiễm phèn, mặn,… ít diễn ra hơn so với các vùng nông thôn nhưng tình trạng nước ô nhiễm kim loại, chất hóa học,.. lại rất nhiều. Tại các thành phố Công nghiệp lượng nước thải từ các nhà máy dệt, luyện kim, nhà máy giấy, xưởng tái chế pin… được thải ra ngoài làm ô nhiễm nhiều dòng sông, nước sông có màu đen, màu nâu và mùi khó chịu. Điển hình như sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải, sông Đồng Nai, sông Cửu Long, sông Sài Gòn…
Nguyên nhân ô nhiễm gồm cả khách quan và chủ quan: do bão lụt kéo rác ra sông suối, ao hồ làm các vùng đất cùng nước bị nhiễm hóa chất cả vùng rộng lớn, do rác thải sinh hoạt rác thải y tế, do hóa chất công nghiệp từ khu vực sản xuất nhà máy chưa xử lý hoặc hóa chất phun làm ruộng, hóa chất kích thích cỏ mọc sân golf… Những năm vừa qua nước ta tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế tăng trưởng nóng, GDP tăng cao trong nhiều năm, đô thị hóa vội vàng chưa chuẩn bị hạ tầng dẫn đến quá tải sự cân bằng tự nhiên, dẫn đến các con sông biến thành cống nước thải, hồ ao trở thành ao tù.
Đầu năm 2025 Chính phủ đã ký Chỉ thị 2-CT-TTG ngày 24-1-2025 yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương liên quan thực hiện các giải pháp triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm một số lưu vực sông.
Các quốc gia phát triển cũng từng đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, họ đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả mà chúng ta có thể học hỏi để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Hồ Điền Trì ở Côn Minh (Trung Quốc) từng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng sau hơn 20 năm kiên trì cải tạo, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Trong quá trình cải tạo, tổng cộng 21 nhà máy xử lý nước thải đã được xây dựng, gồm 10 nhà máy xung quanh hồ và 11 nhà máy trong nội thành. Đồng thời, chính quyền tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi.
Tại Hàn Quốc, dòng suối Cheonggyecheon nằm giữa trung tâm thủ đô Seoul từng bị lấp kín và ô nhiễm nặng, nhưng đã được hồi sinh nhờ một dự án quy mô. Chính phủ đã dẫn nước từ sông Hàn vào suối, xây dựng hệ thống cống ngầm dọc hai bên để tách và xử lý nước thải. Sau cải tạo, Cheonggyecheon trở thành điểm đến du lịch, mang lại giá trị lớn cho thành phố. Bên cạnh đó là một chiến lược Quốc gia: Trong giai đoạn 1998–2008, Hàn Quốc đã đầu tư 800 triệu USD để xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải, với sự tham gia của khu vực tư nhân vào 2/3 số dự án, trong đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận hành và quản lý. (Theo Viện nghiên cứu Đông Bắc Á) Ngoài ra, Hàn Quốc triển khai hệ thống giám sát chất lượng nước chặt chẽ với 1.476 trạm kiểm tra tại các sông, hồ, vùng nông nghiệp và 2.499 trạm kiểm soát nước ngầm trên toàn quốc. Kết quả, sau 10 năm (từ 1997 đến 2007), tỷ lệ các vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn môi trường tăng mạnh từ 21% lên 71,9%. Riêng sông Hàn và sông Seomjin, tỷ lệ vùng nước đạt chuẩn lần lượt là 82% và 89%.
Luật Bảo vệ môi trường của chúng ta đã có quy định rõ: các khu dân cư tập trung và khu công nghiệp bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, phần lớn các khu dân cư vẫn chưa thực hiện đúng quy định, còn trong lĩnh vực công nghiệp, việc thống kê và kiểm soát lại gặp khó khăn do nhiều nhà xưởng hoạt động ngoài khu công nghiệp tập trung hoặc nằm rải rác trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, chúng ta đang nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch với kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tương tự như dự án cải tạo suối Cheonggyecheon. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải dường như vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Thực tế cho thấy nhiều công trình xử lý nước thải đã được xây dựng nhưng lại bị bỏ hoang hoặc không hoạt động. Ví dụ như Nhà máy xử lý nước thải ở một số địa phương đã “đắp chiếu” tới 6 năm (theo VTV, 12/2023), hay Trạm xử lý nước thải Tề Lỗ đã đóng cửa suốt 10 năm mà không vận hành (VTV, 10/2022). Bên cạnh đó, nhiều nơi dù đã xây dựng hệ thống xử lý đúng quy chuẩn nhưng lại thiếu cơ chế quản lý hiệu quả, dẫn đến lãng phí, trong khi số lượng nhà máy hiện có vẫn còn quá ít so với tốc độ phát triển đô thị và công nghiệp hiện nay.
Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt ngày 13/4/2022 với các tiêu chí rất cụ thể, đòi hỏi sự thực thi nghiêm túc. Xin đóng góp một số giải pháp triển khai thực tế, dựa theo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc:
Một là : Quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước tại toàn bộ các hồ trong đô thị. Mỗi hồ nhỏ cần có ít nhất một nhà máy xử lý nước thải tại chỗ, còn các hồ lớn nên bố trí từ 3–5 nhà máy. Các quy hoạch được lập từ hơn 10 năm trước hiện không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, vì vậy cần điều chỉnh, cập nhật và tăng cường số lượng nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch mới, đáp ứng nhu cầu thực tế tại các khu dân cư và khu công nghiệp.
Hai là: Lắp đặt đầy đủ hệ thống trạm quan trắc nước thải trên phạm vi toàn quốc, bao gồm sông, hồ, kênh mương, vùng nông nghiệp… với số lượng hàng ngàn trạm để thu thập dữ liệu kịp thời. Đây là cơ sở quan trọng để phát hiện, xác minh và xử lý các hành vi xả thải trái phép ra môi trường, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả vận hành của các nhà máy xử lý nước.
Ba là: Sau khi hệ thống quan trắc được triển khai đầy đủ, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đặc biệt, cần ban hành một Nghị định riêng về xử phạt vi phạm môi trường, với tính răn đe mạnh tương tự như Nghị định 100/NĐ-CP và Nghị định 168/NĐ-CP trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Bốn là: Khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư và vận hành nhà máy xử lý nước thải. Có thể tham khảo mô hình hiệu quả của Công ty Gamuda tại khu vực Yên Sở (Hà Nội).
Khi các Ban ngành cùng vào cuộc để thực thi chiến lược Bảo vệ môi trường, tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển, thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được tương tự như Hàn Quốc và Trung Quốc, hồi sinh những dòng sông, hồ thành những công trình du lịch phục vụ Thành phố .
Huy Hà