LTS: Ngày 30-8-2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người, giúp họ sớm trở về nhà đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 đã có bài viết khẳng định đây là quyết định nhân văn đặc biệt, đầy ý nghĩa. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngày 30-8-2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người (có hiệu lực từ ngày 1-9-2021). Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ để trở lại làm người có ích cho xã hội. Năm nay, công tác đặc xá diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự nhập cuộc và triển khai đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành chức năng theo đúng tiến độ và quy định đề ra; có những ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân đạo thiết thực.
Từ năm 2009 đến 2016, theo Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho hơn 87 nghìn người. Công tác đặc xá năm nay là lần đầu tiên triển khai từ khi Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành năm 2018 có hiệu lực; với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn được đặc xá, từ việc bảo đảm thời hạn đã chấp hành án phạt tù, hoàn thành các nghĩa vụ bồi thường dân sự, hình sự, trả lại các tài sản có được do hành vi phạm tội, cho đến xem xét thái độ cải tạo trong quá trình chấp hành án phạt tù, bảo đảm chỉ những người thực sự xứng đáng mới được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Hết sức khẩn trương nhưng chặt chẽ, công minh
Đây không chỉ là đợt đặc xá đầu tiên theo Luật Đặc xá năm 2018, mà còn là đợt đặc xá đầu tiên sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những sự kiện chính trị trọng đại này đã không chỉ khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển đất nước, củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với uy tín, vị thế của Việt Nam, mà còn tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Do vậy, công tác đặc xá năm nay có ý nghĩa chính trị lớn, đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, bám sát quy định của Luật, góp phần tạo sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và dư luận quốc tế vào đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, đấu tranh với những thông tin sai lệch, bịa đặt của các thế lực xấu nếu phát sinh.
Công tác đặc xá năm nay cũng được tiến hành trong hoàn cảnh đặc thù giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương; gây nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh hồ sơ ở địa bàn, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành các bước thủ tục tại cơ sở giam giữ, cũng như đòi hỏi phải tính toán rất kỹ phương án triển khai cho người được đặc xá và địa phương nơi tiếp nhận để bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Công tác đặc xá năm 2021 đã được triển khai khẩn trương, bài bản, khoa học, đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch, không để xảy ra lây lan dịch bệnh, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Ngày 30-6-2021, Chủ tịch nước đã ký ban hành Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021, trong đó quy định cụ thể các điều kiện để được đặc xá, cũng như những trường hợp không được đặc xá. Ngay sau khi Quyết định của Chủ tịch nước được công bố, các cơ quan chức năng đã khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến thông tin đến các cơ sở giam giữ và mọi người dân. Các tổ thẩm định liên ngành theo phạm vi, trách nhiệm được phân công đã làm việc ngày đêm với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thẩm định hàng nghìn hồ sơ đặc xá trải rộng ở nhiều trại giam trên toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã họp nhiều phiên để rà soát tổng thể, cân nhắc kỹ các tình tiết, yếu tố của từng hồ sơ còn có ý kiến khác nhau một cách khách quan, công tâm, “có lý có tình”, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, không để lọt những trường hợp đủ điều kiện nhưng không được đặc xá, cũng như tránh để các trường hợp không đủ điều kiện đặc xá được hưởng khoan hồng, gây bức xúc trong dư luận.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra công tác đặc xá tại tỉnh Bắc Giang ngày 19-8 và có nhiều chỉ đạo quan trọng về ý nghĩa, mục đích, định hướng và nội dung triển khai đặc xá năm nay. Các thành viên trong Hội đồng Tư vấn đặc xá cũng dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra tại các địa phương. Toàn bộ quy trình chặt chẽ, khoa học được thực hiện bảo đảm những hồ sơ được trình lên Chủ tịch nước xem xét, quyết định trong đợt này đều đúng đối tượng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Phương châm bảo đảm không để lọt, không để sót không chỉ áp dụng với phạm nhân người Việt Nam mà cũng áp dụng công bằng, đầy đủ với cả những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài. Hội đồng Tư vấn đặc xá đã sớm chủ động thông tin tới các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam về Quyết định của Chủ tịch nước, tiếp nhận thông tin đề đạt từ các cơ quan đó và phối hợp rà soát, tổng hợp đề xuất lên cấp có thẩm quyền về hồ sơ của các phạm nhân người nước ngoài đủ điều kiện được đặc xá.
Chính sách quan trọng về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như: Bộ luật Hình sự 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019…
Các quyền cơ bản của những người chấp hành án phạt tù đều được bảo đảm, như: Quyền về ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, nhận quà hay bưu phẩm, thăm gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự…, chính sách chung là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các phạm nhân yên tâm cải tạo, tu dưỡng đạo đức và đặc xá chính là sự động viên cao nhất nếu họ cải tạo tốt, thực sự hướng thiện, hoàn lương.
Thực tiễn cho thấy các quy định của pháp luật đã bảo đảm đầy đủ các quyền của người dân, không phân biệt công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam, trong quá trình tố tụng và thi hành án hình sự. Những quyền này được bảo đảm trên thực tế tại các tòa án, các cơ sở giam giữ, là minh chứng sắc bén nhất để phản bác luận điệu, thông tin sai sự thật của những cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu, cố tình xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xem xét đặc xá cho những trường hợp quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Với Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng nghìn người đã được hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về nhà đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng cho cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Những người từng một thời lầm đường, lạc lối đã phải trả giá cho những hành động vi phạm pháp luật, bị hạn chế một số quyền công dân theo quy định, tuy nhiên vẫn được trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được tận hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đó với tư cách của một công dân. Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Sáng 31-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước. Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 cho biết, trong số 3.035 phạm nhân được đặc xá lần này có 283 phạm nhân thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ; 21 phạm nhân quốc tịch nước ngoài; 499 phạm nhân là dân tộc thiểu số của Việt Nam; 314 phạm nhân là người có tôn giáo… |
Theo Báo Hà Nội mới