Công nghệ 4.0 với mục tiêu ‘không bỏ ai ở lại phía sau’

(ĐHVO). Trong thời đại công nghệ 4.0, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung dường như cũng sinh hoạt một cách dễ dàng hơn.

Ứng dụng StepFree- ảnh Nhật Nam

Một buổi sáng Hương Giang – MC khiếm thị đầu tiên của Đài truyền hình quốc gia nhắn tin hẹn đi uống café, Giang vẫn chat cho tôi và mọi người qua phần mềm đọc tiếng dành cho người khiếm thị nên chuyện nhắn nhe chẳng còn là chuyện lạ. Quá quen với cô gái đầy tự tin này, nhưng bước vào quán café nằm khuất trong con phố nhỏ cổ kính của Hà Nội thấy Giang chỉ đi một mình không có người hỗ trợ và không có cả vật bất ly thân là chiếc gậy dò đường, tôi quá bất ngờ, Giang cười “Em chỉ cần cài ứng dụng StepFree với hỗ trợ phần mềm của Google Maps trên smartphone là em có thể thoải mái lựa chọn các tuyến đường để tự đi đến các địa điểm dễ dàng tiếp cận. Không những thế những thông tin chi tiết liên quan tới khả năng tiếp cận một địa điểm sẽ được đặt dưới thẻ “Accessibility” trong phần “Your Contributions” của ứng dụng này còn giúp em có thể đáng giá “cho điểm” các tiện ích tiếp cận của địa điểm và chia sẻ cho bạn bè, cũng nhờ thuật toán Knowledge Graph và công nghệ máy học (machine learning) những công nghệ của Google sử dụng cho phép em tìm kiếm hình ảnh bằng cách mô tả nó. Google sẽ miêu tả các hình ảnh theo thời gian thực, đó chính là cách để giúp em khi đeo kính Google Glass có thể cập nhật mọi thứ đang diễn ra xung quanh họ chính xác theo thời gian thực…để từ nay em đi đâu hoàn toàn tự do, không cần “người kèm cặp”.

Bên ly café Hương Giang hồ hởi khoe: Chuyên mục “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” của VTV4 nơi em công tác vừa đưa vào sử dụng tính năng mới dành cho người khuyết tật – phiên bản với audio description (mô tả âm thanh) với tiêu đề“Bạn có thấy điều tôi thấy?” sẽ mô tả từng tiếng động, bản nhạc, hình ảnh..giúp cho mọi người khiếm thị có thể hình dung ra đầy đủ những gì đang được chiếu trên màn hình” Tính năng mới của VTV không chỉ giúp cho người khiếm thị được giải trí, nắm bắt mọi thông tin mà đây còn là nỗ lực thúc đẩy khẩu hiệu hành động thiên niên kỷ “Không một ai bị bỏ lại phía sau” Đó cũng là quan điểm của Eve Andersson – người đứng đầu nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cho người tiếp cận của Google. Dưới sự lãnh đạo của Eve, Google đã phát triển hệ điều hành Android hoàn toàn có thể được điều khiển chỉ bằng giọng nói, trang bị cho Android khả năng theo dõi “hành vi mắt của người dùng” và cho ra mắt Google Impact Challenge, quỹ đầu tư 20 triệu USD tập trung vào các ý tưởng tạo dựng một thế giới dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật. Nhờ thuật toán Knowledge Graph và công nghệ máy học (machine learning) – những công nghệ được Google sử dụng để cho phép bạn tìm kiếm hình ảnh bằng cách mô tả nó, Google giờ đã có thể miêu tả các hình ảnh trong 1 video theo thời gian thực. Đó chính là cách để giúp 1 người khiếm thị đeo kính Google Glass có thể cập nhật mọi thứ đang diễn ra xung quanh họ chính xác theo thời gian thực.

Công nghệ cho người khuyết tật – thị trường đầy tiềm năng không chỉ riêng cho 1 tỷ người.

Ngoài khía cạnh đạo đức và tính nhân văn, phát triển công nghệ cho người khuyết tật còn đem lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế: Trên thế giới có khoảng 285 triệu người bị hạn chế về tầm nhìn, trong số 1 tỷ người khuyết tật. Và như nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng “Chúng ta có thể phòng tránh được khuyết tật, nhưng chả ai cưỡng lại được tuổi già, khi ấy mắt lòa, chân chậm, tai nghễnh ngãng… ta mới thấy rằng câu chuyện khuyết tật là không của riêng ai” thì tiên đoán rằng thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Các công ty không quên rằng để có thể mở rộng tiếp cận mọi đối tượng khách hàng, điều quan trọng là họ phải làm ra những sản phẩm mà ai ai cũng có thể sử dụng được.

Hơn nữa, lịch sử đã cho thấy không ít trường hợp các công nghệ ban đầu chỉ được thiết kế riêng cho người khuyết tật nhưng sau này đã được sử dụng rộng rãi vì tính tiện dụng. Ví dụ, công nghệ theo dõi chuyển động mắt để điều khiển bàn phím máy tính ban đầu chỉ phục vụ những người mắc bệnh về neurone vận động nhưng sau này đã trở thành một cuộc cách mạng và thúc đẩy nhiều công nghệ đột phá khác.

Thách thức cho một giá trị xã hội cao

Câu chuyện Israel – quốc gia có gần 20% dân số là người khuyết tật – hóa giải các thách thức để dẫn đầu thế giới về công nghệ dành cho người khuyết tật là một ví dụ điển hình trong lĩnh vực công nghệ đặc thù này. Ngày 29/4 năm 2018 tại thủ đô Tel Aviv- Hội nghị quốc tế mang tên “Access Israel” thường niên lần thứ 6 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Avenue – Airport City, với chủ đề “Sự sáng tạo và tương lai của tiếp cận”. Hội nghị có sự tham gia của trên 1000 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm đại diện những người khuyết tật, các nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia và nhà sản xuất thiết bị ứng dụng công nghệ dành cho người khuyết tật cùng đông đảo các nhà báo quốc tế.

Đáng chú ý, Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều CEO các tập đoàn tên tuổi trên thế giới. Các thuyết trình tại Hội nghị tập trung bàn về khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong tương lai nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, vai trò của truyền thông đối với cuộc cách mạng về khả năng tiếp cận của người khuyết tật…

Song song với hàng loạt các bài thuyết trình và thảo luận là một triển lãm về công nghệ dành cho người khuyết tật với sự tham gia của hàng chục hãng tên tuổi, chủ yếu đến từ Israel. Các đại biểu đã có dịp trải nghiệm nhiều công nghệ hết sức bổ ích và sáng tạo dành cho người khuyết tật. Ví dụ như công nghệ đọc báo, truy cập website, nhận dạng đồ vật có sử dụng trí tuệ nhân tạo dành cho người mù; di và click chuột bằng cử động của cánh tay dành cho người mất tay; giỏ hàng trong siêu thị tự động di chuyển theo xe lăn..Hội nghị ở Israel không chỉ là câu chuyện “mãi bên tận trời tây” mà tại Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ được thiết kế và sản xuất với mục đích “lấy lại” chức năng bị mất hoặc suy yếu cho người khuyết tật, tạo điều kiện tối đa để họ có cuộc sống bình thường. Đa phần trong số đó là sản phẩm của các nhà sáng tạo trẻ. Trong đó có thể kể ra như “Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật” Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Nguyễn Phi Lân, Trần Nguyên Phúc, Lê Ngọc Hoàng của Đại học (ĐH) Đồng Nai. Robot có thể trở thành xe lăn để di chuyển hay biến thành giường nằm. Ngoài ra, nó có thể nâng lên, hạ xuống để người sử dụng tự di chuyển từ robot sang giường nằm mà không cần sự hỗ trợ. Sản phẩm này đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ II, năm 2016. Kính điện tử cảnh báo vật cản Là sản phẩm của Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải và các cộng sự tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, chiếc kính này giúp người khiếm thị phát hiện vật cản từ khoảng cách tối đa 3,5m, có thể điều chỉnh khoảng cách “nhìn”.Phiên bản mới có tên MT2EX – được giới thiệu vào tháng 8/2016 – có thể phát hiện vật cản từ đỉnh đầu đến chân nhờ sự kết hợp giữa cảm biến gắn trên mắt kính và thiết bị đeo ở thắt lưng. Khi phát hiện vật cản, thiết bị này sẽ rung liên tục để cảnh báo. Pin cũng đã được cải tiến để có thể dùng liên tục 7 giờ. Tác giả đang triển khai phiên bản thứ ba, hoàn thiện sản phẩm để sản xuất 1.000 cái theo hợp đồng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng mà Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết với ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM và nhóm nghiên cứu, không chỉ sáng chế những chiếc kính giúp người khiếm thị đi lại mà Kính MultiGlass cho người khuyết tật tay sản phẩm này của nhóm kỹ sư Lê Anh Tiến, Lê Hoàng Anh và Hoàng Minh Phú (Đà Nẵng) áp dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF, cho phép người dùng điều khiển con trỏ chuột bằng cách nghiêng đầu theo các hướng. Nếu muốn sử dụng bàn phím, họ có thể nhấp chuột thông qua bàn phím ảo. Để sử dụng kính, chỉ cần kết nối nó với máy tính qua cổng USB. Multiglass đã được sản xuất 25 chiếc tặng Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng bằng kinh phí của một tổ chức phi chính phủ. Giá mỗi chiếc khoảng 600.000 đồng. Sản phẩm đoạt giải khuyến khích Nhân tài đất Việt 2015 và được đưa vào sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016.

Hay như Găng tay điện tử thông minh: Sản phẩm này của sinh viên Lê Ngô Duy Phong – ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM – được tích hợp nhiều chức năng, giá thành khoảng 800.000 đồng/đôi. Chiếc găng trái có vai trò như một chiếc điện thoại di động với hệ thống phím bấm được thiết kế dạng chữ nổi braille trên các đốt ngón tay; loa thoại ở ngón giữa và mic dưới lòng bàn tay. Nếu muốn đàm thoại, người khiếm thị áp sát tay lên má, các phím bấm sẽ dựa vào xúc giác, cử động của ngón tay để hoạt động. Chiếc găng phải có hệ thống phím riêng và kết nối với máy tính qua sóng không dây. Tác giả đang hoàn thiện sản phẩm, tích hợp các tính năng thành một chiếc găng duy nhất và đang tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thương mại hóa.

Xe lăn thông minh: từ chiếc xe lăn bình thường giá khoảng 1 triệu đồng, nhóm sinh viên Tạ Quang Quân, Bùi Xuân Tài, Nguyễn Văn Đại – ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên – tạo ra sản phẩm nhiều tính năng bằng cách lập trình kết nối smartphone và xe lăn. Người sử dụng có thể điều khiển xe từ xa qua điện thoại, bằng giọng nói và cử động đầu.

Tác giả trải nghiệm sự định hướng và dẫn đường cho người khiếm thị bằng công nghệ kính “Digital guide”- ảnh Nhật Nam

Sản phẩm còn có tính năng cảnh báo trời tối, cảnh báo hố sâu, giúp người dùng gọi nhanh đến số điện thoại khẩn cấp đã cài đặt trước chỉ bằng một nút nhấn. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015. Cánh tay giả điều khiển bằng sóng não Sản phẩm này của học sinh Lê Mạnh Trường – Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt – đoạt giải nhất đợt 3 cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2016 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức.. Cơ chế hoạt động: Cảm biến sóng não EEG tiếp nhận tín hiệu thay đổi điện cực từ da đầu, truyền cho bộ phần điều khiển dây nối và làm ngón tay cử động. Cánh tay giả này có thể giúp cầm nắm các vật vừa tay như chai nước, xách đồ với khối lượng vừa phải. Sản phẩm có giá thành khoảng 10 triệu đồng, cần được hoàn thiện thêm trước khi thương mại hóa.

Công nghệ 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau

Những chiếc điều khiển từ xa (Remote) dùng cho tivi, quạt, điều hòa, mở cửa..hay hẹn giờ hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng, không còn là quá xa lại trong mỗi ngôi nhà trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy, những công nghệ mới hoàn toàn đã có thể thay thế con người trong việc “quyết định hành động” như 1 chiếc remote mà tiến tới có thể cả là “tư duy” (như các trí tuệ nhân tạo). Điều đó có nghĩa NKT đang đứng trước những cơ hội được hỗ trợ hòa nhập và phát triển rất mạnh mẽ trên đà phát triển của công nghệ 4.0 và cả nền tảng quyền của nhiều nhóm xã hội đã được ghi nhận bởi pháp luật nhân quyền quốc tế dưới các hình thức tuyên bố, điều ước hoặc khuyến nghị bao gồm quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…Các công nghệ mới cũng có thể hỗ trợ tốt hơn cho mọi người để việc giao tiếp, phối hợp không còn phải chịu tác động của những định kiến truyền thống. Ví dụ như trong lĩnh vực lao động sẽ cơ bản dựa trên yếu tố năng lực trí tuệ, kỹ năng để tuyển dụng thay vì phải cân nhắc đến tình trạng sức khỏe giữa nam và nữ; giữa người khuyết tật với người không khuyết tật…để họ có thể hòa nhập tốt hơn với cộng đồng; “chủ nghĩa lý lịch và định kiến ngoại hình” như việc “người theo học phải tốt nghiệp PTTH” hay “có sức khỏe tốt, ngoại hình ưa nhìn” cũng không thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng của nó trong ít nhất là các hoạt động giáo dục và tuyển dụng lao động vốn mang nặng các nhận thức phân biệt ..

Việc Hương Giang đặt một cuốc xe taxi qua smartphone và thanh toán qua thẻ điện tử cũng không là quá xa lại hay như em chỉ cần cài ứng dụng Seeing AI vào điện thoại giúp scan các mặt hàng trong hiệu tạp hóa và thậm chí còn cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng chúng là Giang có thể dễ dàng tự mình đi mua sắm thay vì cần người trợ giúp như trước đã trở thành hiện thực từ rất lâu, nhưng nghĩ đó là “sự can thiệp” của công nghệ 4.0 và hơn thế là làm sao để tham gia và lĩnh vực đó thì thực sự nhiều NKT chưa nghĩ đến, trong khi đó theo thống kê của WHO hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, nghĩa là trung bình cứ 7 người sẽ có một người bị khuyết tật thân thể (Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, tính đến tháng 6/2015, có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số) Những con số trên cho thấy cộng đồng người khuyết tật đang chiếm một tỷ lệ đáng kể ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Cũng theo WHO, do khả năng lao động mất đi hoàn toàn hoặc giảm sút, tỷ lệ đói nghèo ở bộ phận này cũng cao gấp đôi so với người bình thường. Do đó, việc cải thiện cuộc sống và nâng cao khả năng lao động cho họ có thể tác động tích cực đến nền kinh tế. Tổ chức nhân đạo Scope (Anh) năm 2016 tính toán rằng, nếu hơn 1 triệu người tàn tật ở nước này có điều kiện hỗ trợ để làm việc thì nền kinh tế đã có thể tăng trưởng thêm 1,7% (giá trị khoảng 64 tỷ USD). Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (IoT)… có thể tạo ra những sản phẩm và giải pháp giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn với xã hội. Qua đó, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển chung nhờ nâng cao hiệu suất làm việc của đối tượng này và giảm gánh nặng xã hội do họ có thể độc lập hòa nhập cuộc sống tốt hơn thực sự khi đó sẽ không còn có ai bị bỏ lại phía sau.

Kính MultiGlass cho người khuyết tật tay- Ảnh Internet

Trần Quốc Nam

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top