Cơ hội việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình

Với mong muốn để người khuyết tật (NKT) có việc làm, hơn 1 năm qua, Hội Người khuyết tật tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Công ty TNHH Truyền thông và Đào tạo Việt Anh (VAWAY) mở các khóa đào tạo việc làm online miễn phí (dự án VAHEART) dành cho NKT. Sau các khóa đào tạo, nhiều NKT đã có việc làm, tự lo được cho bản thân và gia đình.


Các học viên được nhận giấy chứng nhận tại lễ bế giảng khóa 2, dự án VAHEART – đào tạo việc làm online dành cho người khuyết tật.

Anh Trần Văn Thự, xã Đông Động (Đông Hưng, Thái Bình) là một học viên tiêu biểu của khóa đào tạo online dành cho NKT. Vốn là một người khỏe mạnh với thu nhập ổn định tại một xưởng cơ khí thế nhưng một tai nạn lao động ập đến khiến anh bị liệt hoàn toàn hai chân. Trở thành NKT, phải tập làm quen trên chiếc xe lăn khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi gặp anh Đào Khắc Cử, Giám đốc Công ty VAWAY, hy vọng mới đã mở ra cho cuộc đời anh. Anh Thự được theo học khóa đào tạo online dành cho NKT và trở thành nhân viên đồ họa của Công ty VAWAY, chuyên về hỗ trợ người kinh doanh online. Từ đấy, ngôi nhà anh ở cũng chính là trụ sở của Công ty và là mái ấm của hàng chục NKT khác. Anh Thự cho biết: Ngoài việc được anh Cử dạy tin học, tôi còn tự mày mò trên các trang mạng xã hội, sách báo, youtube. Với những NKT, tôi nghĩ không quá khó để có thể tiếp cận với công nghệ thông tin mà chỉ cần chăm chỉ, tích cực trau dồi lý thuyết và thực hành nhiều trên máy tính. Hiện tại, tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, tự nuôi sống được bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Cũng đã từng có một thời gian tự ti, tuyệt vọng về bản thân, chị Bùi Thị Hoa, xã Đông La (Đông Hưng) mất một thời gian khá dài để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Do di chứng sau một trận xuất huyết não nên chị bị liệt nửa người, cơ thể yếu ớt. Sau khi học hết lớp 9, Hoa học nhiều nghề từ nghề may, đan lát… nhưng đều không thành công. Được sự giúp đỡ của Hội Người khuyết tật tỉnh Thái Bình, chị Hoa tham gia khóa đào tạo online dành cho NKT và trở thành quản trị web của Công ty TNHH Truyền thông và Đào tạo Việt Anh. Chị Hoa cho biết: Đối với tôi, khóa đào tạo thuộc dự án VAHEART như phao cứu sinh của đời mình bởi nó phù hợp với trình độ và khả năng lao động của tôi, giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống.

Khóa đào tạo việc làm online đầu tiên cho NKT thuộc dự án VAHEART được khai giảng từ tháng 8/2018 với 6 học viên đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh. Tham gia khóa học, các học viên được cung cấp những kiến thức về đồ họa, lập trình, chăm sóc khách hàng, chạy quảng cáo facebook… Sau 3 tháng đào tạo, các học viên đạt yêu cầu sẽ được tạo việc làm ngay tại Công ty TNHH Truyền thông và Đào tạo Việt Anh với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài đào tạo nghề miễn phí, dự án VAHEART còn hỗ trợ ăn, ở cho NKT có nhu cầu. Đến nay, sau 2 khóa đào tạo, 7/12 học viên đã hoàn thành khóa học, được nhận vào làm việc tại VAWAY và tiếp tục gắn bó với Công ty trong các chặng đường tiếp theo. Anh Đào Khắc Cử, Giám đốc Công ty VAWAY cho biết: Xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm với NKT nên trên cơ sở phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh Thái Bình, tôi đã xây dựng dự án VAHEART – đào tạo việc làm online dành cho NKT. Khả năng của các bạn ấy đến đâu Công ty sẽ đào tạo đến đó. Các học viên đều là những người khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng trí tuệ và tinh thần đều còn rất nhiệt huyết, ham học hỏi, cầu tiến. Thời gian tới, tôi hy vọng có thể giúp đỡ được ngày càng nhiều NKT để họ có thêm cơ hội việc làm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Những năm qua, việc dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng trên thực tế, hiệu quả mang lại không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của NKT. Nguyên nhân là do các ngành, nghề được đào tạo không phù hợp với tất cả các dạng khuyết tật, dẫn đến nhiều NKT không có việc làm. Chị Phạm Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Thái Bình cho biết: Đào tạo nghề là khâu quan trọng giúp NKT có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời khẳng định giá trị của bản thân. Chính vì vậy cần gắn đào tạo nghề cho NKT với yêu cầu của doanh nghiệp. Tôi mong muốn thời gian tới những mô hình đào tạo nghề như Công ty VAWAY ngày càng phát triển và nhân rộng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để NKT được học và làm nghề, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Theo Thu Hoài/ Báo điện tử Thái Bình

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang