Ông Nguyễn Đình Quế, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Cơ khí 2B cho biết “Những ai từng bị “tra tấn” hằng ngày bởi âm thanh bấm còi và rú ga của hàng chục chiếc xe máy một lúc, liên tục trong vài tiếng đồng hồ buổi sáng, từng chịu đựng cảnh bế tắc vì đường trước nhà mình mà mình không thể bước nổi một chân xuống để đi làm hay đưa con đi học trong khi người ở đâu đâu cứ phóng ầm ầm, mới thấu hiểu nỗi khổ của những người dân ở trong ngõ thông rah ai phố. Việc lắp barie chắn ngõ là hành động cực chẳng đã, phải ở tình huống của chúng tôi mới hiểu bất đắc dĩ lắm, chúng tôi mới chọn cách vừa khổ mình, vừa khổ người như vậy.”
Sau khi truyền thông lên tiếng trước sự việc người dân tự phát lắp barie đã diễn ra hai năm, mà Chính quyền “không biết”, Chính quyền không biết, sẽ sảy ra việc không kịp thời ngăn chặn, thì những cái barie chắn đường ấy sẽ lan ra không biết đâu mà lường và rồi UBND quận Thanh Xuân cũng kịp yêu cầu dân dỡ đi những cái barie ở đầu ngõ. Ông Trần Phan Mỹ, Phó chủ tịch phường Thượng Đình, khẳng định “Việc người dân làm barie ở các ngõ là vi phạm pháp luật theo Điều 2 Nghị định 123/2021/ND-CP(Nghị định 123/2021/ND-CP sửa đổi bổ sung quy định sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hằng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng,, người có hành vi dựng rào chắn, barie tại các ngõ, ngách có thể bị phạt tiền 2-3 triệu đồng; mức phạt tăng gấp đôi đối với tổ chức vi phạm. Trước việc người dân cực chẳng đã phải dựng barie UBND Phường đã họp bàn cùng các cơ quan liên quan đến trật tự an toàn giao thông và đại diện khu dân cư Cơ khí 2A, 2B để yêu cầu tháo dỡ. Bên cạnh đó, UBND phường đã đề xuất lên Công an quận Thanh Xuân có phương án phân luồng, cắt cử lực lượng chốt trực để hướng dẫn giao thông tại đầu các ngõ từng bị rào chắn”
Những chiếc barie chặn đầu ngõ ở quận Thanh Xuân được Chính quyền sở tại yêu cầu dỡ đi, nhưng ở Hà Nội vẫn còn vô vàn những chiếc barie trên vỉa hè do Chính quyền dựng lên ở nhiều tuyến phố để ngăn xe máy, tạo không gian cho người đi bộ như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Giải Phóng, Đại Cồ Việt.. Chức năng của chúng rất đơn giản: ngăn xe máy chạy lên vỉa hè, các thanh barie được gắn so le suốt chiều rộng vỉa hè, ngăn không cho xe máy vượt qua nhưng người đi bộ vẫn có thể lách hoặc bước qua bình thường, nhưng đằng sau cái mong muốn rất đỗi đơn sơ ấy của những nhà quản lý, lại là những logic hết sức phức tạp của một cái đô thị vốn đã rất… phức tạp.
Đó là Phương- một thành viên của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, Phương được biết ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám mới có chương trình “Áo dài truyền thống”, Phương háo hức đến thăm, để rồi sự háo hức ấy biến thành nỗi thất vọng tràn trề, khi Phương không thể lăn xe trên hè quanh Văn Miếu, mấy du khách nước ngoài thấy sự bất lực của Phương, đã nhiệt tình khiêng cả Phương và xe lăn qua barie, nhưng họ cũng khuyên Phương “Bạn hãy lăn xe xuống lòng đường, vì có vào được hè, thì bạn cũng không thể ra được trở lại” vì những cái barie dựng san sát mép vỉa hè Văn Miếu có khoảng cách chỉ hơn một gang tay.
Khá hơn khu vực Văn Miếu, những tuyến phố có tính toán độ hở giữa các thanh barie khoảng 80 cm, đủ để người khuyết tật lăn xe qua. Nhưng là đặt so le và đủ khoảng cách cho người đi xe lăn, nên cuối cùng thì xe máy vẫn lách qua được, trước sự cố tình của những người đi xe máy lách qua barie, có tuyến phố đã “sáng tạo” bằng cách chôn thêm 1 cái cọc vào giữa, như đoạn phố gần ngã tư Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết (Quận Cầu Giấy), thế là đương nhiên xe máy không lách được qua và xe lăn, xe nội em bé…chỉ còn nước khóc ròng.
Hình ảnh những chiếc xe máy luồn lách giữa những tấm barie là hình ảnh phản ánh tính hiệu quả rất hạn chế của phương án barie trên hè phố, không những thế với người khuyết tật dùng xe lăn, còn cố mà lách, còn cố mà cậy nhờ người bê qua, nhưng với người khiếm thị thì sao? Hương Giang- MC khiếm thị đầu tiên ở VTV thở dài “Đó là những bẫy tử thần cho người khiếm thị”
Bộ Xây Dựng đã có những quy định khá rõ về quy chuẩn của công trình công cộng với người khuyết tật. Nhưng có lẽ, trong một nỗ lực tuyệt vọng chống lại sự rối tinh của đường phố, chính quyền không đủ thời gian nghĩ tới điều ấy.
Không biết là có phải bởi tôi là một người khuyết tật, nên cái nhìn của tôi bị khắt khe hơn so với người lành lặn? Hãy cứ cho rằng người khuyết tật chỉ là một biến số nhỏ, chẳng đáng là bao so với lợi ích thu được, không tính đến cũng chẳng sao. Nhưng tôi nhìn thấy từ hình ảnh của Phương được du khách quốc tế từ ngao ngán lắc đầu khi thấy những cái barie trên vỉa hè của một “Thủ đô ngàn năm văn hiến” đến sự xót xa khi khiêng Phương- một công dân của chính thành phố ấy, qua barie trên vỉa hè, nơi chính cô đang có quyền sống, quyền được tham gia giao thông, đó chính là đáp án của một phép thử chính sách!
Con đường dù là đường ngõ, là nơi lưu thông của người và xe, mà xe đạp, xe máy cũng không được đi, đến cái vỉa hè vốn dành cho người đi bộ, phải hy sinh một phần ý nghĩa, phải vứt bỏ đi một phần sự toàn vẹn của mình, tất cả chỉ để tránh sự “xâm hại” của những người đi xe máy vô ý thức. Cho dù có thông cảm với chính quyền, hay cho những người dân ở quận Thanh Xuân thì tôi cho rằng quyết sách của dân hay Chính quyền đều không đáng khuyến khích.
Barie – Nó ở đó, chỉ như một biểu tượng cho sự tuyệt vọng. Tuyệt vọng trong quy hoạch. Tuyệt vọng trong thi hành luật lệ. Tuyệt vọng trong việc thuyết phục nhau bằng khái niệm “văn hóa”. Nó đại diện cho những barie lớn hơn, ngăn ta đến với tương lai. Cho dù cái barier ấy có phát huy phần nào tác dụng để ngăn chặn xe máy, thì nó cũng không thể là giải pháp đáng trông chờ. Chúng ta không thể xây dựng tương lai cho một “Thủ đô hội nhập”, bằng những sự “chống cháy” cực chẳng đã như vậy.
Có những thứ không đúng, không sai, chúng tồn tại chỉ như một mâu thuẫn. Cái barie trên vỉa hè Hà Nội, là một thứ như thế và khi cầm bút viết bài viết này, Tôi vẫn nhớ lời phát biểu của Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh rằng: “Khi xã hội càng phát triển, người già, người khuyết tật cũng có nhu cầu tham gia giao thông. Ngày càng nhiều bố mẹ có nhu cầu dùng xe đẩy trẻ em trên vỉa hè. Lúc này, những kết cấu barie như trên sẽ bộc lộ bất cập và phải thay thế” Rồi tôi cũng ngờ ngợ nhận ra một điều mà bất kỳ người dân Thủ Đô nào cũng biết, đó là “Tại sao mấy ngày Tết nguyên đám, Hà Nội lại vắng đến vậy?” hoá ra một cái trường Đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội có tới gần 35 ngàn sinh viên và theo các điều tra xã hội học thì cứ 1 sinh viên lên Thủ Đô học tập sẽ có khoảng 2 người lao động ăn theo, họ là bà bán cơm, ông bán trà đá, anh chạy grab và tính trong TOP 15 trường đại học thu hút sinh viên nhất, thì riếng Hà Nội có khoảng 200 nghìn sinh viên và giờ hãy thử nhẩm số các trường cao đẳng, các bệnh viện, công sở, nhà máy…rồi đừng tự hỏi sao người ta lại lắm Barie trên hè, mà không tìm ra một giải pháp bền vững nhất.
Nhật Nam