Những chiếc ghế ưu tiên lần đầu xuất hiện tại Châu Âu, qua thời gian, dần lan rộng đến nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới. Ý tưởng nhân văn này nhanh chóng trở thành một quy ước ngầm trong giao thông công cộng, thể hiện sự tôn trọng và ưu tiên dành cho những người dễ bị tổn thương nêu ở trên.
Không chỉ có ghế “priority”, tại các nhà ga còn được bố trí thang máy riêng dành cho người khuyết tật, người già và phụ nữ mang thai.
Nếu bạn mỏi mệt, xin hãy cứ ngồi xuống
Quan điểm về chiếc ghế ưu tiên cũng có sự khác biệt tùy từng nền văn hóa. Tại Úc, nếu bạn là người “không thuộc đối tượng được ưu tiên” và từ chối nhường lại ghế cho đối tượng được ưu tiên khi được yêu cầu, bạn có thể bị phạt tiền lên tới 147 đô Úc (khoảng 2,5 triệu đồng tiền Việt). Tại Hàn Quốc, văn hóa của họ đặc biệt xem trọng chuyện dành chiếc ghế này cho người già, bởi ngay cả khi tàu hoặc xe bus đã chật kín, hàng ghế này vẫn sẽ được bỏ trống.
Còn ở Việt Nam, cho đến nay “không có bất kỳ quy định nào cấm người bình thường ngồi vào chiếc ghế này”, và chính vì lẽ đó đã nảy sinh những tranh cãi không hồi kết về việc ai là người được quyền sử dụng nó. Đa số ý kiến cho rằng chỉ những người thuộc diện ưu tiên mới nên ngồi vào chiếc ghế này, còn những người không thuộc nhóm đó nếu sử dụng sẽ bị đánh giá về mặt đạo đức, thậm chí có thể trở thành đối tượng bị “cyberbully” – bắt nạt trực tuyến (do người khác chụp ảnh đăng lên mạng kèm theo những câu chuyện, bình luận bất lợi khiến sự việc bị đẩy đi quá xa).
Tuy nhiên, về bản chất, ghế ưu tiên vốn được thiết kế để ủng hộ việc nhường ghế cho người cần. Nếu không có người thực sự cần, ai cũng có thể ngồi vào đó. Trong một cuộc khảo sát trên trang Travel Stack Exchange (Anh), đa số cho rằng “ghế ưu tiên không phải là ghế chỉ dành riêng cho một số đối tượng.” Cụm từ “ưu tiên” ở đây được hiểu là luôn trong trạng thái sẵn sàng để một người văn minh, có ý thức, sẵn sàng nhường ghế khi cần. Nói cách khác, nếu không có ai cần ghế hơn bạn và bạn đang mệt, bạn hoàn toàn có thể ngồi.
Một hình ảnh khá quen tại các phòng chờ sân bay ở Việt Nam.
Hãy cảm thông với những người “không lộ rõ” khiếm khuyết
Tôi có một người bạn, chị Th., mắc chứng tự kỷ – một dạng “khuyết tật không lộ rõ” (invisible impairment).
Có nghĩa, nhìn bên ngoài chị Th không khác gì một người bình thường. Nhưng chị Th. cần được hỗ trợ khi di chuyển nơi công cộng, bởi đám đông và tiếng ồn sẽ gây kích động, khiến chị rơi vào trạng thái lo âu, mất khả năng giữ thăng bằng và thậm chí có thể ngất nếu bị kích động quá mức.
“Khuyết tật không lộ rõ” (invisible impairment) luôn vấp phải định kiến về sự ưu tiên. Những người sử dụng xe lăn thường được ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là những trường hợp có dấu hiệu dễ nhận biết như bó bột, chống nạng, hoặc đeo kính đen do suy giảm thị lực. Trong khi đó, những người có tình trạng khuyết tật không biểu hiện rõ ràng lại ít nhận được sự quan tâm. Chị Th. chia sẻ, có lần chị đề nghị được ngồi ghế ưu tiên nhưng bị một hành khách khác từ chối và đáp lại: “Tôi già hơn cô, tại sao tôi phải nhường?”
Bản thân những người khuyết tật không lộ rõ cũng thường cảm thấy ngần ngại khi đề nghị được nhường ghế. Mới đây, trên tuyến xe buýt số 157, anh Tuấn – phụ xe đã phải hỗ trợ một hành khách bị ngất do phải đứng quá lâu. Người này mắc bệnh tim, nhưng bề ngoài trông không khác gì một người bình thường, khiến nhiều hành khách khác không nhận ra và không nhường chỗ.
Phải chăng đã đến lúc cần xem xét thay đổi các hình minh họa trên ghế ưu tiên, bởi đa số hình minh họa trên các ghế ưu tiên hiện nay đều để chỉ đại diện cho những trường hợp dễ nhận biết như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc người khuyết tật. Trong khi đó, chưa có biểu tượng nào dành cho những người mắc “khuyết tật không lộ rõ” (invisible impairment).
Cảm thông hay xử phạt?
Xe đỗ vào các ô ưu tiên dành đỗ xe của người khuyết tật.
Khác với việc ngồi vào chiếc ghế ưu tiên, việc đỗ xe ô tô vào vị trí vốn dành cho xe của người khuyết tật lại cần có cái nhìn nghiêm khắc hơn, bởi đó là một hành vi có thể bị xem xét từ cả hai góc độ: đạo đức và pháp lý.
Đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng và thiếu đồng cảm. Các ô đỗ xe dành cho người khuyết tật thường được bố trí gần lối vào tòa nhà hoặc khu vực tiện lợi để họ dễ tiếp cận. Khi người không thuộc diện này chiếm chỗ, họ đã tước đi quyền lợi chính đáng của những người yếu thế trong xã hội. Chia sẻ về câu chuyện này, anh Hoàng – hội viên Hội Người khuyết tật quận Cầu Giấy (Hà Nội) bức xúc kể: “Khi tôi nhắc nhở một tài xế không nên đỗ xe vào vị trí dành cho người khuyết tật, tôi nhận lại câu trả lời: ‘Mấy ông bà khuyết tật nhận trợ cấp cầm hơi mỗi tháng thì lấy đâu ra tiền mua ô tô mà cứ vẽ chuyện!’” Thái độ đó không chỉ thể hiện sự ích kỷ và vô cảm, mà còn cho thấy sự coi thường người khác và đặt lợi ích cá nhân lên trên sự công bằng trong xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi Vi phạm quy định giao thông đường bộ cũng như các quy định về tổ chức, quản lý bãi đỗ xe. Các biển báo và ký hiệu tại khu vực đỗ xe ưu tiên đều có giá trị pháp lý. Do đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Mức phạt cụ thể như sau “Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định, nhất là chiếm chỗ của người khuyết tật, có thể bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng (tùy trường hợp và mức độ vi phạm)”.
Từ chiếc ghế “priority” – nơi bạn có thể ngồi khi mỏi mệt, miễn là sẵn sàng nhường chỗ cho những người yếu thế hơn, đến hành vi đỗ xe sai quy định vào vị trí dành cho người khuyết tật là hai câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Nếu như ở khía cạnh đạo đức, việc ngồi ghế ưu tiên còn có thể được cảm thông, thì việc chiếm dụng chỗ đỗ xe dành riêng cho người khuyết tật lại thể hiện sự thiếu văn hóa, thậm chí có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Hành vi đỗ xe chiếm chỗ của người được ưu tiên, nó không chỉ gây bất tiện cho người thực sự cần hỗ trợ, mà còn làm suy giảm ý thức cộng đồng và làm đảo lộn sự trật tự vốn là nền móng của một đô thị văn minh và tiến bộ.
Nhật Nam