(ĐHVO). Mặc dù nằm sát ngay quốc lộ 51, tuyến đường huyết mạch nối giữa TP. HCM với trung tâm thành phố Vũng Tàu, (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng từ nhiều năm nay gần 200 hộ dân sống tại thôn Phước Long, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành vẫn nằm trong danh sách thuộc diện mù chữ. Người giỏi lắm thì chỉ học đến lớp 2, lớp 3 là nghỉ, còn phần lớn là chưa bao giờ đến trường. Càng lạ hơn bao giờ hết, trai gái trong làng này chỉ toàn người biết “điểm chỉ” thì mới được phép làm đám cưới.
Giỏi lắm thì biết đọc, biết viết
Câu chuyện xuất phát từ những năm 1998, khi nhà nước có chính sách giải tỏa những hộ dân sống bên ngoài đê vào đất liền để bảo vệ đê thì ngôi làng này được hình thành. Nó nằm ở phía bên trong đoạn đê ngăn mặn ngay giữa ngã ba sống Rạch Chanh và sông Cá Liệt (thôn Phước Long, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành). Gọi là làng bởi những mái nhà trong khu này đều giống nhau, thấp lè tè và lụp xụp. Những người dân trong làng đều sinh sống bằng nghề nuôi hào, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ven bờ. Làm nghề sông nước, ít giao lưu va chạm với các cộng đồng dân cư khác cộng thêm hiếm người được học hành đầy đủ nên cộng đồng dân cư ở đây ở trình độ còn hạn hẹp nhiều mắt, cuộc sống của họ đều chỉ trông vào con nước. Trong ánh chiều vàng vọt, ngôi làng càng trở nên tiêu điều, xơ xác.
Ông Nguyễn Văn Bình (60 tuổi, một người dân thôn Phước Long) cho biết: “Cuộc sống của bà con nơi đây cơ cực quanh năm, nghề chài cá phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi được, khi không nên nhà nào đủ ăn đã là may lắm rồi”. Cũng theo lời ông Bình thì mỗi hộ gia đình nơi đây đều được địa phương cấp một mảnh đất rộng khoảng 100m2, có nhà cấp 4 xây sẵn. Thế nhưng, nhiều gia đình phải bán nhà, bán đất để rồi lâm vào cảnh ăn đợ, ở nhờ.. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu phụ thuộc vào sông nước nên nhiều gia đình chỉ quen kiểu sống tạm bợ, qua ngày, ít để tâm đến việc vun vén, tích cóp để lo cho con cái sau này. Cũng vì lẽ đó mà cha mẹ không mấy lo lắng, quan tâm đến việc học của con cái. Họ chỉ lo làm ăn, quanh năm với sông nước để kiếm sống.
Tương tự ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng thôn Phước Long cho biết: “Tất cả các hộ dân trong làng đều chưa học qua cấp I, số còn lại là đều chưa được đến trường. Giỏi lắm thì biết đọc, biết viết chứ không thì toàn ký tên bằng “điểm chỉ” thì gia đình mới dám cho làm đám cưới. Năm 2007, chúng tôi có tổ chức lớp xóa mù chữ và đã nhờ thầy cô giáo về dạy, nhưng chỉ học được có hơn 1 tháng thì mọi người đều bỏ không theo vì vậy lớp xóa mù chữ cũng nghỉ luôn. Chính vì vậy, mà việc học của con cái họ cũng không quan tâm. Khổ nhất vào mỗi đầu năm học, trong thôn lại tổ chức cử người đi vận động, những gia đình nào có con em đến tuổi đến trường thì cho con em mình đi học, có khó khăn thì được xã, thôn hỗ trợ. Thực ra ở trong làng này không phải nhà nào cũng đến nỗi khó khăn không cho con đi học được, nhưng vì đời họ không đi học mà họ vẫn kiếm được cái để ăn, nên khi con họ lớn bắt đầu đi làm được là cho họ cho nghỉ luôn để ở nhà giúp việc gia đình kiếm thêm thu nhập. Tư tưởng của họ như vậy rồi nên vận động họ cũng khó lắm”.
Để minh chứng cho điều đó là sự thật, ông Tâm dẫn chúng tôi ghé vào một hộ dân trong ấp để biết rõ sự tình. Nhìn thấy phó thôn tới, một người đàn bà tên Phương nhanh nhảu nói: “Bác Tâm ơi tôi không cho nó đi học đâu, sang trường cấp 2 đi lại nguy hiểm lắm, nó lại không có xe đạp nên cho nó ở nhà luôn. Nó ở nhà tôi cũng có bắt phải làm gì đâu, có việc gì phụ được thì phụ thôi. Nghe vậy chúng tôi chợt hỏi thế chị không cho cháu đi học thì nó ở nhà làm gì? Lúc này bà Phương đáp: “học lắm để làm cái gì, con gái lớn lên rồi đi lấy chồng, trong làng này thiếu gì đứa không đi học cơ chứ…”
Vì đói nghèo và tâm lý “ăn xổi ở thì”
Không chỉ đói ăn mà người dân trong thôn Phước Long còn đói cả con chữ từ nhiều năm nay. Đời sống dập dềnh sông nước, nên việc học hành chẳng mấy ai quan tâm. Bởi vậy đa phần bà con không biết chữ, biết viết họ tên mình cũng rất khó khăn. Từ ngày định cư, trẻ em mới được khuyến khích tới trường, nhưng vì đói nghèo và tâm lý “ăn xổi ở thì” nên nhiều đứa trẻ vẫn chưa được cha mẹ cho tới lớp. Đến thôn Phước Long không mấy khó khăn để bắt gặp từng nhóm trẻ con đang tuổi học hành, nhưng chỉ lang thang chơi đùa nơi lề đường, rãnh nước mặc dù cách đó không xa là Trường Tiểu học Trưng Vương khá khang trang, rộng rãi.
Theo số liệu thống kê của xã Tân Hòa, tỉ lệ người không biết chữ ở thôn Phước Hòa là nhiều nhất xã. Tính đến hết tháng 9 năm nay, trình độ dân trí bình quân chỉ hết lớp 2. Không có kiến thức nên việc học nghề cũng rất vất vả, lao động phổ thông thì lương quá thấp khiến nam, nữ trong làng ngoài làm thuê công nhật chỉ ở nhà hoặc chơi lêu lổng. Tại huyện Tân Thành có nhiều cụm khu công nghiệp cần công nhân, nhưng yêu cầu của họ tối thiểu là cũng phải học hết cấp II. Trong khi đó, thanh niên ở đây chỉ học đến hết cấp I là nghỉ, nên họ chỉ đi làm thuê làm mướn. Đàn ông thì đi biển, phụ hồ, phụ nữ thì đi lót tôm, lót cá nên thu nhập rất bấp bênh.
Trước vấn đề này, Ông Đặng Văn Trịnh, Bí thư chi bộ thôn Phước Long cho biết: “Do phong tục tập quán của người dân nơi đây, nên hầu hết các bậc cha mẹ ít cho con cái đi học đến nơi đến chốn. Những người trong thôn, độ tuổi từ 15 tuổi trở lên đều trong tình trạng mù chữ, người giỏi lắm thì học đến lớp 2, lớp 3. Họ đều sống trong cảnh nghèo khó, đã nghèo lại đông con nên phần lớn những trẻ em trong làng này đều bỏ học giữa chừng và chung số phận “thất học” với bố mẹ chúng”.
“Năm 2007 tại thôn Phước Long có tổ chức lớp xóa mù chữ nhưng không thành công, là do ngưởi dân không quan tâm tới việc học hành của con em họ. Vào năm học mới, cán bộ trong thôn nào vận động, nào hỗ trợ này nọ những các cháu cứ đi học một thời gian lại bỏ giữa chừng. Tầm 50 cháu học sinh mà lên cấp 2 đã mất tới 22 cháu nghỉ ở nhà không đi học tiếp, chúng tôi lại phải đến từng gia đình vận động”, ông Trịnh nói thêm.
Như gia đình chị Huỳnh Thị Tới (50 tuổi, ngụ thôn Phước Long) là một hộ trong ngôi làng giãn dân này, chị cũng là dân gốc của xã Tân Hòa. Chồng chị đi làm phụ hồ trên thành phố Hồ Chí Minh, còn chị cũng đi làm thuê làm mướn. Lúc có việc, lúc không có việc nên thu nhập rất bấp bênh. Trong ngôi nhà xiêu vẹo của chị , không có gì là đáng giá ấy chị đang lấy nước cơm thay sữa cho đứa con hơn một tuổi ăn.
Box: Cố gắng vận động người dân thay đổi tư duy
Trả lời với chúng tôi về điều này, ông Trần Tiến Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Tân thành, (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nói: “ Trước vấn đề này UBND xã năm nào cũng hỗ trợ tập, vở, cặp sách cho các cháu khó khăn được đến trường. Nhưng hầu hết bọn trẻ trong làng chỉ học hết cấp I, lên đến cấp II là chúng bỏ dở giữa chừng, còn học đến cấp III thì hiếm lắm, hầu như không có em nào. Chúng tôi đã cố gắng vận động rất nhiều để người dân nơi đây thay đổi tư duy để cho con cái họ đi học, nhưng điều này khó quá. Nó ăn vào tiềm thức của họ mất rồi. Có rất nhiều thanh niên đến tuổi lấy vợ lấy chồng, lên xã làm giấy đăng ký kêt hôn vẫn phải điểm chỉ ”.
Đức Vượng