Chị Bùi Ngọc Diễm: Mối lương duyên với giáo dục đặc biệt cho trẻ rối loạn phát triển

(ĐHVO). Vừa qua, Ban tổ chức Chương trình “Vươn lên mạnh mẽ” đã có một cuộc trò chuyện với chị Bùi Ngọc Diễm – Giám đốc Hệ thống giáo dục Hoàng Đức tại Biên Hòa, Đồng Nai. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức – một thành viên của Hệ thống giáo dục Hoàng Đức thường xuyên giúp đỡ cho 300 trẻ em khuyết tật trí tuệ và chậm phát triển được khám và can thiệp thành công, được chuyển tiếp ra học tập tại các trường mầm non, tiểu học.


Trở về Hoàng Đức là một mối lương duyên

Chị đến với Hoàng Đức nhờ một cái duyên đặc biệt, khi đang đi tìm kiếm một công việc tại các trường đại học và cơ quan truyền thông. Chị đã gặp Hoàng Đức trên hành trình ấy. Từ tập trung vào việc đánh giá và can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật trí tuệ và phát triển, Hoàng Đức sớm phát triển thêm các mảng hoạt động, dự án khác như đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc, điều trị sức khoẻ tâm thần, hỗ trợ tâm lý cho các nhóm yếu thế… Trong thời gian dài gắn bó, chị nhận ra ước vọng cá nhân rất tương đồng với sứ mệnh của Hoàng Đức, đều là mong muốn mang lại bình đẳng cho tất cả mọi người bằng chính niềm đam mê, tình yêu và trách nhiệm với xã hội.

Vậy, tại sao Hoàng Đức lại chọn nhóm đối tượng hỗ trợ giai đoạn đầu là trẻ khuyết tật trí tuệ và phát triển? Đây là nỗi trăn trở của những người thành lập, rồi trong quá trình can thiệp bệnh nhân, chị nhận ra rằng có rất nhiều trẻ em rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn phát triển/ trí tuệ tại Đồng Nai và các địa phương lân cận nhưng gia đình lại phải đưa con đi can thiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thấu hiểu điều đó, Hoàng Đức được thành lập, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, can thiệp và hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật trí tuệ và phát triển nói riêng.

Hành trình căng thẳng nhưng hạnh phúc

Thời gian đầu hoạt động, Hoàng Đức chưa có nguồn quỹ lương cho mảng truyền thông và quản lý nhân sự, chị Diễm phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau dù chỉ được đào tạo và có kinh nghiệm về truyền thông – báo chí. Giai đoạn đó đặc biệt căng thẳng với chị khi vừa có 2 em bé, vừa theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Văn học. Nhưng nhờ sự ủng hộ từ gia đình và Hoàng Đức, chị cảm thấy hạnh phúc khi được theo đuổi đam mê và thực hiện một sứ mệnh cao cả. Hiện tại, bộ phận hành chính tổng hợp của Hoàng Đức đã rất ổn với gần 20 nhân sự, trong đó chức năng và vai trò của từng cá nhân, bộ phận được phân chia rất rõ ràng nhưng lại là một khối thống nhất bổ sung cho nhau.

Một khó khăn lớn của công việc chăm sóc trẻ tự kỷ rất đặc thù này là tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực. Các trường đại học tại Việt Nam chưa thực sự chú tâm trong đào tạo các nhà chuyên môn, công việc này lại đòi hỏi đào tạo rất sâu. Mô hình dịch vụ của Hoàng Đức hướng tới là đa ngành, chất lượng cao nên đòi hỏi chuyên gia trong nhiều lĩnh vực luôn phải có quá trình làm việc cùng nhau, điều này tạo áp lực rất lớn trong việc phải học, nghiên cứu rất nhiều nhằm đáp ứng được nhu cầu công việc. Khó khăn là vậy, chị và các cộng sự vẫn tập trung giải quyết bài toán nhân lực này, bên cạnh phát triển các dịch vụ qua nhiều cách khác nhau. Hiểu rõ sứ mệnh nơi mình đồng hành, nhân sự ở Hoàng Đức gắn bó với nhau như gia đình, là đội ngũ đầy yêu thương.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, Hoàng Đức phải đóng cửa 2 năm, phải chi trả rất nhiều tài chính mà không có nguồn thu, chị vẫn tích cực triển khai các dự án cho cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các nhân sự trẻ. Nhiều lúc mệt mỏi, chị tự hỏi tại sao mình lại phải khổ cực như vậy, nhưng khi hàng ngày nhìn thấy trẻ em khuyết tật được can thiệp cải thiện, được đi học hoà nhập, lòng chị vui ấm trở lại và thấy công việc mình làm thật ý nghĩa.

Phụ huynh có con khuyết tật trí tuệ và phát triển đáng được yêu thương

Vừa là lãnh đạo cao nhất tổ chức, vừa là “nhân viên” chăm sóc khách hàng, chị may mắn được trò chuyện và lắng nghe hàng trăm phụ huynh có con khuyết tật trí tuệ và phát triển. Đa số họ khi tiếp nhận thông tin chẩn đoán thường sợ hãi và chối bỏ tình trạng của con mình. Họ hầu như thiếu hiểu biết về vấn đề này và thiếu thông tin về các cơ sở can thiệp chuyên nghiệp, nhiều gia đình còn rất khó khăn về tài chính. Ngoài ra, việc đưa trẻ tự kỷ đến trường là một vấn đề nan giải do nhiều nhà trường và phụ huynh vẫn còn nhiều định kiến.

Trên hành trình “chiến đấu” vì trẻ em khuyết tật, chị mong rằng cộng đồng và các tổ chức hãy cùng đồng hành với chị, với cha mẹ trẻ khuyết tật trí tuệ và phát triển để có thể cho các em nhiều cơ hội hơn. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về khuyết tật trí tuệ và phát triển chính là ưu tiên hàng đầu, cần phải có sự đồng hành của cơ quan Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức khác. Ngoài ra cần phải đào tạo nâng cao năng lực cho cha mẹ, bao gồm năng lực tìm cho con cơ sở can thiệp chuyên nghiệp và năng lực can thiệp tại nhà. Đặc biệt, cần có các chương trình giáo dục hoà nhập cho trẻ một cách hiệu quả, và với các trẻ không thể hoà nhập thì cần đẩy mạnh các trung tâm chuyên biệt đa ngành, chức năng cao để có thể giúp trẻ được học các kỹ năng sống, kỹ năng hoà nhập một cách tích cực.

Mỗi người phụ nữ đều có thể “Vươn lên mạnh mẽ”

Tham gia Chương trình, chị vô cùng ấn tượng với cái tên “ Vươn lên mạnh mẽ” tên gọi đã nói lên được ý chí, nghị lực của phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ khuyết tật trong cuộc sống. Chị nghĩ rằng với tinh thần đó mỗi chúng ta dù gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào cũng sẽ vượt qua được. Điều mong muốn của chị là mỗi người phụ nữ đều có thể vươn lên mạnh mẽ để làm chủ cuộc đời, làm chủ hạnh phúc và tạo dựng giá trị cho riêng mình.

Chị cũng mong rằng sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các chương trình đồng hành, hỗ trợ để giúp đỡ cho những phụ nữ đang gặp khó khăn trong cuộc sống có cơ hội được vươn lên, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật.

PV

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang