Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

(ĐHVO). Sáng chủ nhật (3/12 vừa qua), gần 1700 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham gia giải chạy “Vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2023 với hai cự ly: 5km và 10km quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao huy chương cho những vận động viên nhí 

Đây là năm thứ 2, giải chạy được đồng tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Australia.

Giải chạy là một hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam (từ 15/11 đến 15/12/2023) với thông điệp: Không chấp nhận tất cả các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, dù là bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục hay bạo lực xảy ra trên không gian mạng.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho biết: “Tôi và các bạn đều tin rằng, ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối, niềm vui sẽ xoa dịu nỗi đau và nụ cười sẽ lau khô dòng nước mắt. Cùng với UNFPA Việt Nam đưa giải chạy này quay trở lại lần thứ 2 với quy mô rộng rãi hơn, chúng tôi mong muốn tình thương yêu được lan tỏa, không có phụ nữ và trẻ em nào đáng phải chịu bạo lực giới. Một xã hội nhiều tình thương yêu, sự tôn trọng là một xã hội có nhiều năng lượng tích cực để phát triển lành mạnh và bền vững”.

Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, giải chạy năm nay thu hút số người tham gia tăng lên gấp 4 lần so với lần đầu tổ chức. Điều đó cũng cho thấy được nhận thức của người dân về một Việt Nam không có bạo lực đã tăng lên đáng kể. Bà hy vọng thông qua sự kiện, các thông điệp tôn trọng phụ nữ, quyền được sống trong một thế giới bình đẳng, một thế giới không bạo lực sẽ được lan tỏa mạnh mẽ tới tất cả mọi người.

Có mặt từ rất sớm tại đường chạy, anh Trần Quốc Nam quản trị diễn đàn Tiếng nói người khuyết tật Việt Nam (VSDF) và chị Bế Thị Băng- Hoa khôi “Vầng trăng khuyết” với một tinh thần vô cùng hào hứng.

Anh Nam cho biết “Ngày 3 tháng 12 cũng là ngày người khuyết tật quốc tế, nên chúng tôi dù là người khuyết tật đi lại đã khó khan nói gì đến chạy, nhưng chúng tôi vẫn tham gia bởi đi chậm mấy thì cũng về đến đích, chúng tôi tham gia mong muốn được sự chú ý quan tâm của xã hội đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chúng tôi muốn góp một chút hành động để cùng cộng đồng xóa bỏ các hành vi bạo lực trong gia đình, Tôi nghĩ qua giải chạy cùng với các hoạt động truyền thông mạnh mẽ nhân ngày Quốc tế về người khuyết tật thì nhiều người sẽ ý thức được trách nhiệm của mình để cùng lên án và tạo nên một sức mạnh to lớn đấu tranh với nạn bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật”.

Anh Trần Quốc Nam, quản trị diễn đàn Tiếng nói Người khuyết tật (VSDF) và chị Bế Thị Băng – Hoa khôi “Vầng trăng khuyết” trên đường chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em 

Trên đường chạy, rất nhiều người dân đi cổ vũ đã nhiệt tình vỗ tay khích lệ anh Nam và chị Băng đang “chạy bằng nạng” về đích, đặc biệt có rất nhiều vận động viên đã “chạy chậm” cùng nhịp bước với hai anh chị để bày tỏ sự quan tâm, cổ vũ và ủng hộ người khuyết tật tự tin bằng mọi hành động bày tỏ chính kiến của mình về những vấn đề có liên quan.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy ra ở khắp mọi nơi: trong nhà, trường học, nơi làm việc, công viên, phương tiện giao thông công cộng, nhà thi đấu thể thao và cả môi trường trực tuyến. Bạo lực trên cơ sở giới được coi là một vấn đề vi phạm quyền con người dai dẳng, có tính tàn phá nhưng vẫn còn bị xem nhẹ trên thế giới.

Trên toàn cầu, khoảng 5 phụ nữ thì có 1 người đã trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục, bao gồm cả xâm hại trực tuyến, bởi chồng/ bạn tình hiện tại hoặc trong quá khứ trong vòng một năm trở lại; 85% phụ nữ trên toàn cầu đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng xảy ra đối với một phụ nữ khác, và 38% phụ nữ đã trải qua bạo lực trên không gian mạng.

Tại Việt Nam, kết quả của Điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-64 cho biết, họ đã trải qua một số hình thức bạo lực ít nhất một lần trong đời bởi chồng hoặc bạn tình. Hơn nữa, một nửa số phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Phụ nữ khuyết tật, trẻ em gái khuyết tật là những đối tượng có nhiều nguy cơ bị xâm hại hoặc quấy rối hoặc bị lạm dụng hình ảnh trực tuyến.

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Giải chạy cho thấy sự cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, trong cả thế giới thực và trên không gian mạng. Mọi người đều có quyền tự chủ về cơ thể và quyền được tiếp cận bình đẳng với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Vì mục tiêu chung là tất cả phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên đều có một cuộc sống không có bạo lực.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA trao huy chương cho hai VĐV khuyết tật là Bế Thị Băng và Trần Quốc Nam tại vạch đích.

Với khẩu hiệu “Chấm dứt im lặng là chấm dứt bạo lực”, các vận động viên đã chia sẻ hàng trăm thông điệp truyền cảm hứng đến những người bị bạo lực giới và thúc đẩy họ lên tiếng, chia sẻ câu chuyện của họ và kêu gọi thay đổi.

Nhật Nam

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang