Chàng trai đất Võ: ước mơ truyền cảm hứng cho người khuyết tật

(ĐHVO). Đang ở độ tuổi còn rất trẻ, đầy bản lĩnh, con đường kinh doanh đang thuận lợi. Sau khi thành công vực dậy cho một doanh nghiệp từ phá sản đến làm ăn khấm khá, kiếm thêm được nhiều dự án mới, chàng trai đất Võ – Nguyễn Chánh Tín hăng say làm ngày, làm đêm với mong muốn về một cuộc sống đổi đời, có thể đón được cha mẹ từ miền quê nghèo vào Sài Thành sinh sống. Nhưng rồi, tai nạn bất ngờ xảy đến, khiến Tín bị liệt tứ chi… Tưởng rằng, tương lai của Tín sẽ khép lại nhưng sau 10 năm chiến đấu với bệnh tật và không từ bỏ khát vọng làm giàu, chàng trai Nguyễn Chánh Tín hôm nay đã làm chủ một cửa hàng, tự do về tài chính và Tín đã viết lên những câu chuyện về cuộc đời mình với mong muốn truyền động lực cho người khuyết tật khác…

Nguyễn Chánh Tín khi chưa xảy ra tai nạn.

Chàng trai đất Võ vào Sài Gòn ăn học và lập nghiệp…

Nguyễn Chánh Tín, sinh năm 1987 (Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định). Năm 2005, Tín vào Sài Gòn, theo học ngành xây dựng của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn với một tâm thế hừng hực với ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo khó, giúp bố mẹ có một cuộc sống tốt hơn về già. Vào Đại học, Tín làm đủ nghề để tự trang trải có tiền đóng ăn học và mướn nhà trọ từ phục vụ nhà hàng, bưng bê…rồi gom góp từ những đồng tiền đầu tiên để mua bán điện thoại cũ, laptop cũ, mua của người chán, bán cho sinh viên nghèo… Cứ như vậy, đến năm 2008, Tín đã có cửa hàng điện thoại, máy tính của riêng mình, tự chủ về kinh tế. Tiền tiết kiệm được, Tín lại tham gia các lớp học về marketing, kinh tế, phát triển bản thân và mở rộng công việc kinh doanh của mình.

Đến năm 2009, Tín đã bứt phá hơn trong thu nhập nhờ mở rộng kinh doanh và không bao giờ để đồng tiền “chết một chỗ”, có tiền Tín lại nhìn ra hướng đầu tư mới. Trong khi bạn bè đi học phải phụ thuộc vào gia đình thì Tín đã linh hoạt trong mọi công việc, nhìn hướng nào cũng ra lợi nhuận. Qủa không sai, khi các bạn gọi Tín là “cỗ máy kiếm tiền”, vì ai chơi với Tín, Tín đều chỉ họ cách làm ăn, không chỉ giỏi kinh doanh mà Tín còn tạo thu nhập cho nhiều người khác. Nhận thấy công việc mình thích là kinh doanh, tiền tệ nên hết kỳ 1 năm 2009, Tín quyết định ngừng học xây dựng và xin bảo lưu kết quả để chuyên tâm vào kinh doanh.

Thời điểm đó, chàng trai 22 tuổi, Nguyễn Chánh Tín nhận lời gây dựng lại một doanh nghiệp phá sản. Tín chịu khó quan sát và xin việc lại từ những dự án nhỏ, chỉn chu hoàn thiện nên dần được nhiều chủ dự án biết đến và khoán lại việc. Năm 2010, công ty đã hoàn toàn vực lại và bắt đầu có những dự án lớn, đẻ ra lợi nhuận. Tín lao vào làm việc như cái máy, mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng vì Tín hiểu rằng: ước mơ đổi đời đã gần đến rồi, mong muốn đưa cha mẹ từ miền quê nghèo lên Sài Thành hoa lệ cũng sắp thực hiện được rồi…

Tai nạn bất ngờ ập đến vào một buổi tối trời mưa…


Nguyễn Chánh Tín của hiện tại với nụ cười an nhiên: “Tôi chọn sống và sống ý nghĩa”.

Hôm ấy, vào tháng 10 năm 2010, sau khi xong việc, trên đường Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh chạy về Hiệp Bình Chánh, đến đoạn Cá Sấu Hoa Cà đang thi công, nhưng mưa lớn, khó quan sát, xe máy của Tín va vào rào chắn thi công, cả người và xe văng xa, đầu bị đập vào nắp cống thoát nước. Khi tỉnh lại, Tín mới biết đã nằm bất động ở đó chừng 1 tiếng đến khi có công an tuần tra đến và đưa vào Bệnh viện Gia Định (Tp. Hồ Chí Minh) cấp cứu. Khi tình trạng nguy cấp hơn, Tín được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và nằm ở tầng 7, phòng cấp cứu đặc biệt. Khi biết mình bị chấn thương tủy sống cổ và liệt tứ chi, mọi thứ sụp đổ. Ngay cả hơi thở cũng còn thoi thóp phải dùng đến máy thở và bóp bóng, Tín lúc đó biết mình như ngọn dầu đang cạn còn le lắt chút ánh sáng yếu ớt. Nhìn xung quanh, phòng có 10 người thì đã 5 người…tắc thở phải đắp khăn trắng đưa ra. Trong cơn mê sảng, Tín nghe thấy tiếng mẹ gọi “phải ráng lên, con sẽ khỏe lại, còn công việc và cuộc sống đang đợi con phía trước…”.

Khi tỉnh lại, Tín thấy mẹ đang nằm gục trên giường, gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng sau mấy ngày không ngủ. Tín cũng đã tắc thở mấy lần nhưng vẫn may mắn tỉnh lại được. Ngày Tín bị tại nạn cũng là ngày giỗ bà nội ở quê, cả nhà chỉ biết thắp hương, khấn bà phù hộ cho Tín tai qua nạn khỏi.

Sau 10 ngày, Tín được rút ống trợ thở. Nhưng phổi bị ảnh hưởng do bóp bóng nhiều, phải tiếp tục điều trị thêm 20 ngày nữa.“Tôi nằm bất động nhìn thức ăn đưa trực tiếp vào dạ dày, xung quanh toàn ống và dây. Tôi chỉ có thể cử động và ra hiệu bằng mắt nhưng chẳng ai hiểu mình đang cần gì. Một tháng, tôi ý thức được và không dám ngủ, tôi sợ ngủ sẽ lịm đi và không bao giờ tỉnh lại được nữa. Năm ngày trước khi ra viện, những ống dẫn trên mặt tôi đã được tháo ra nhưng vẫn chưa thể nói được, tôi chỉ có thể nuốt nước mắt về đêm với những ước mơ còn dang dở…

Sau con nguy kịch, tôi được đưa qua bệnh viện Phục hồi chức năng Q.8 (Tp. Hồ Chí Minh). Khi bác sĩ cho tôi biết, tình trạng của tôi không thể phục hồi được, tôi muốn buông xuôi, mặc kệ số phận. Nhưng khi nghĩ đến những ngày đầu hăm hở đặt chân đến Sài Gòn và cũng chính tại nơi đây, tôi bắt đầu chấp nhận sự thật rằng mình là người tàn tật. Tôi lao vào luyện tập để cải thiện chức năng vận động...”

Chàng trai đất Võ trở về quê nhà và khởi nghiệp từ con số âm…

Sau 3 tháng sau tai nạn, gia đình đưa Tín về quê, cũng là vào 27 Tết năm 2011, cái Tết đầu tiên ngồi xe lăn. Và cũng là lần đầu tiên, Tín thấy tay chân của mình bỗng thừa thãi khi không thể cử động được. Những đồng tiền cuối cùng đã cạn kiệt, phải vay mượn ngân hàng cho việc chữa bệnh, Tín bắt đầu lại suy tính hướng làm ăn.

Ở quê nhà, Tín tận dụng hết những kiến thức đã học và năm tháng bươn trải kinh doanh. Tín bắt đầu lại với công việc mua bán điện thoại. Tín bắt đầu liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ… cứ như vậy, thu nhập cũng phát triển dần từ phần chênh lệch. Đến cuối năm 2011, biết đến Facebook, Tín bắt đầu bán những đặc sản Bình Đình đi khắp nơi trên các tỉnh thành. Sau khi dồn được một khoản tiền kha khá, Tín lại đầu tư vào kinh doanh điện thoại, lúc này thị trường điện thoại ở quê đang phát triển tốt.

“Nhưng số phận lại một lần nữa muốn thử thách tôi, đêm ấy tôi sốt cao không ngủ được, uống thuốc giảm đau nằm thiếp đi 1 lúc là 4h sáng thì nhìn sang điện thoại thấy cửa mở. Bố tôi thì rưng rưng nước mắt, mất hết rồi con à. Ai cũng ngạc nhiên vì thấy tôi bình tĩnh nhưng với tôi, đã từng mất đi những thứ quá lớn rồi và giờ xem như là một lần không may nữa, tôi chịu được. Vì quan trọng là những người thân của tôi không sao và tôi còn sống. Còn người là còn của. Tôi mất sạch sẽ cả điện thoại và ví tiền khoảng chừng năm chục triệu, với ai đó là nhỏ, hay với với bọn trộm chỉ tiêu xài trong vài hôm, nhưng với một người tàn tật như tôi đó là cả một gia tài!

Những người hàng xóm tốt bụng khi biết tin, cùng bảo nhau góp tiền mua tặng tôi một chiếc laptop cũ để tiếp tục công việc. Một lần nữa tôi lại thêm một món nợ ân tình”, Nguyễn Chánh Tín xúc động chia sẻ, chỉ trong một đêm toàn bộ tài sản làm ăn, tích góp đã bị mất trộm.

Tín ngồi ngẫm lại cuộc đời mình, từ khi còn học lớp 5, Tín đã đi bán hoa ở chợ hay các cổng trường phụ gia đình. Lên cấp 2, Tín dành chọn 4 mùa hè để bán cafe ở cổng chợ lớn Gia Lai, 3 mùa hè còn lại của những năm cấp 3, Tín theo ba làm thợ xây, phụ xe, bốc vác…để có tiền đi học. Nhưng chưa bao giờ, Tín ngửa tay xin ai 1 đồng, cũng chưa từng lấy đi thứ gì không phải là của mình.

Tạp hóa Tín Nguyễn với kiểu bán hàng đặc biệt, khách đến tự chon hàng và tự trả tiền.

Trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, khi vùng mông bị hoại tử phải cắt bỏ vì ngồi làm việc quá nhiều, may mắn gia đình kịp đưa Tín đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nhưng bao nhiêu tiền cũng đổ vào thuốc men, Tín lại nghĩ cách bán thêm nhiều mặt hàng tại nhà. Sau khi tìm hiểu, Tín liên hệ với bạn bè và tìm được nhà cung cấp, bỏ được các mặt hàng tại nhà cho Tín… và cửa hàng tạp hóa Chánh Tín ra đời. Bị liệt tứ chi và phần mông xương cụt bị cắt bỏ nên Tín phải hạn chế ngồi. Hằng ngày, Tín nằm bán hàng nhưng tạp hóa đặc biệt này là tự phục vụ, khách đến tự chọn hàng và tự trả tiền. Có nhiều người thương tình, chỉ Tín bán hàng livetream kể về hoàn cảnh của mình để mọi người mua ủng hộ nhưng Tín không làm thế vì được dạy tự lực từ nhỏ và giá trị của mình không thể rẻ như vậy được.  Đến nay, tạp hoá Chánh Tín đã tròn 5 tuổi.

Đã 10 năm sau tai nạn, tiền thuốc của Tín phải duy trì 5 triệu mỗi tháng, mỗi lần vào viện lại hết vài chục triệu. Nhưng 10 năm qua, Tín đều tự chủ tài chính, tự làm ra tiền để trang trải thuốc men… 10 năm trải qua biết bao biến cố, nước mắt chảy ngược vào trong nhưng chưa bao giờ Tín bỏ cuộc. Đối với Tín, nơi nào có ý chí nơi đó có con đường. Chánh Tín đã từng nung nấu khởi động dự án gây quỹ thiện nguyện dành cho những bạn khuyết và những mảnh đời kém may mắn nhưng chưa có ai đồng hành, nhưng bản thân anh cũng phần nào trích ra một chút từ lợi nhuận kinh doanh để ủng hộ cho một số tổ chức thiện nguyện.  Năm 2018, Tín cũng là một trong 5000 người đầu tiên đăng ký hiến nội tạng cho y học qua “Trung tâm điều phối cấy ghép nội tạng” thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy. Đối với Tín, hạnh phúc là cho đi!

Chàng trai Nguyễn Chánh Tín, mong muốn qua những câu chuyện về cuộc đời mình có thể truyền động lực cho những người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống…

Nguyễn Chánh Tín chia sẻ về câu chuyện vượt khó của mình để hy vọng truyền động lực cho những người có hoàn cảnh tương tự…

Bên cạnh việc bán hàng, Tín còn xây dựng blog radio, đội nhóm… để hy vọng thông qua những câu chuyện về hành trình vượt khó của mình có thể truyền động lực, tiếp lửa cho những người có hoàn cảnh tương tự và những người kém may mắn trong cuộc sống. Vì hơn ai hết, Tín hiểu có rất nhiều người đồng cảnh ngộ đang sống thu mình, tự ti, hoặc tự tạo “rào cản” với thế giới bên ngoài.

Mười năm trở lại Sài Gòn, nhiều bạn bè học Đại học cùng Tín ôm chầm Tín và bật khóc: Tại sao Tín có thể chiến đấu với bệnh tật trong nhiều năm qua? Sao Tín phải lao lực và khổ như vậy, mà chưa từng chia sẻ, than thở hay nhờ mọi người giúp đỡ?

Tín chỉ cười và nói: “Tín làm vậy để có mặt ở đây”.

Những bài viết trên trang cá nhân của Tín bằng những lời tự sự chân tình, thu hút được hàng nghìn người quan tâm, chia sẻ. “Mười năm được làm người khuyết tật” đó chính là những câu chuyện kể cuộc đời của chàng trai đất Võ và hành trình 10 năm đấu tranh với số phận nghiệt ngã mà Tín đang ấp ủ để ra sách. Mong muốn những câu chuyện của Tín sẽ là động lực cho những có hoàn cảnh tương tự và những người kém may mắn trong cuộc sống. Toàn bộ số tiền bán sách, Tín sẽ dành cho quỹ thiện nguyện để thực hiện ước mở bấy lâu của mình là giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Vậy là Tín đã gần chạm đến ước mơ của mình! Đối với Tín, ai cũng có thể tự xây ước mơ cho riêng mình, đừng trông đợi vào bất kỳ ai, cứ kiên trì, bền bỉ rồi cũng có ngày thành công, chỉ cần có ý chí, sẽ có con đường!

 

Trang Nhung

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang