Chăm sóc sức khỏe cho Người khuyết tật trong đại dịch Covid – 19

(ĐHVO). Tình hình dịch bệnh Covid-19 với diễn biến ngày càng phức tạp. Biến thể mới có tác động không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt là đối với những người khuyết tật – đối tượng có nền tảng sức khỏe không tốt. Vì vậy, quan tâm chăm sóc sức khỏe người khuyết tật trong mùa dịch là một trong những vấn đề cần được quan tâm bên cạnh những vấn đề về kinh tế.

Người khuyết tật là một trong những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, nền tảng sức khỏe không được tốt nên khả năng miễn dịch đối với biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 là không cao. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật trong mùa dịch là cần thiết và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ mình thì người dân và người khuyết tật nói riêng đều phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, trang thiết bị y tế cơ bản: khẩu trang, nước sát khuẩn.

Sẽ như thế nào nếu người khuyết tật mắc Covid-19?

Covid – 19 hay còn gọi là Vi-rút corona là một họ vi rút lớn, nhưng chỉ có một số loại được biết là thường gây nhiễm trùng ở người, với những loại vi-rút corona phổ biến ở người này thường gây ra bệnh hô hấp nhẹ đến trung bình (như cảm lạnh thông thường). Các vi-rút corona mới hơn ở người mới sau này, như Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng (SARS), Hội Chứng Hô Hấp Trung Đông (MERS) và COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. COVID-19 ban đầu được cho là đã lây lan từ động vật sang người, nhưng hiện bệnh đã lây lan từ người sang người.


Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Những triệu chứng thường gặp nếu mắc Covid-19

COVID-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Hầu hết những người nhiễm vi-rút sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện.

Các triệu chứng thường gặp nhất: sốt, ho khan, mệt mỏi

Các triệu chứng ít gặp hơn: đau nhức; đau họng; tiêu chảy; viêm kết mạc; đau đầu; mất vị giác hoặc khứu giác; da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái

Các triệu chứng nghiêm trọng: khó thở; đau hoặc tức ngực; mất khả năng nói hoặc cử động.

Covid – 19 tác động đến sức khỏe con người như thế nào?

Nếu một người mắc Covid-19 sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, nặng có thể dẫn đến tử vong

+ Hủy hoại phổi: Hủy hoại phổi là nơi Covid-19 tác động đầu tiên và cũng là bộ phận cơ thể chịu sự tàn phá nhất do vi – rút gây ra. Những tổn thương phổi được hình thành khi vi- rút xâm nhập, nếu không kịp thời phát hiện và có những phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả chúng sẽ tàn phá, tổn thương phổi lan rộng, có thể dẫn đến suy hô hấp. Trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu không tử vong thì phổi sẽ bị tổn thương vĩnh viễn, gây khó khăn trong việc hô hấp.

+ Các vấn đề về tim mạch: Một trong số những tác động sẽ gây ra là ảnh hưởng đến tim và mạch máu như nhịp tim không đều, tim bơm không đủ máu, huyết áp thấp và cần sự hỗ trợ của thuốc.

+ Tổn thương gan: Khi vi – rút xâm nhập thì bộ phận chịu tổn thương cuối cùng là gan. Dấu hiệu tổn thương gan không được thể hiện ở các bệnh nhân mắc Covid-19 tuy nhiên cũng có những bệnh nhân biến chứng nghiêm trọng, nặng hơn là suy gan.

Vì vậy, nếu người khuyết tật với nền tảng sức khỏe kém nếu mắc Covid – 19 thì sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhẹ thì sẽ để lại những di chứng tổn thương sau này, nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Người khuyết tật cần làm gì để phòng ngừa Covid-19?

Hiên nay, toàn hệ thống chính trị cùng toàn dân đang căng mình chống dịch. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên rất cần sự phối hợp của các tổ chức xã hội, gia đình, cơ sở y tế địa phương và đồng thời là chính bản thân người bệnh, người nghi nhiễm, người có liên quan đến người bệnh.

– Đối với các cơ quan nhà nước: Để đảm bảo người khuyết tật được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe khi mắc Covid-19 một cách bình đẳng theo quy định tại Luật người khuyết tật thì nếu người khuyết tật trong trường hợp mắc Covid – 19 và có những diễn biến xấu thì sẽ được giới thiệu lên y tế tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị. Các trạm y tế cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến tác hại và những cách phòng, chống Covid-19 đến những đối tượng là người khuyết tật, để họ có thể chủ động giảm thiểu rủi ro mắc bệnh cho mình một cách tốt nhất.

– Đối với cá nhân người khuyết tật: Ngày 20/4/2020, Bộ Y tế ban hành Sổ tay Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng tại Quyết định số 1773/QĐ-BYT cùng với khuyến cáo của Bộ Y tế, người khuyết tật cần thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19 để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình cũng như những người xung quanh như sau:

+ Thực hiện nghiêm chỉnh Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế

+ Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).

+ Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.

+ Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

+ Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.

+ Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

+ Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

+ Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.

+ Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.

+ Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.

Người khuyết tật với sự tự giác, chủ động của bản thân đang góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Công Năng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top