(ĐHVO) Con trẻ từ nhỏ đã sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Chúng luôn nhìn theo cha mẹ qua từng ngày lớn lên. Những hành động của cha mẹ, con trẻ vẫn học theo một cách vô thức khi chưa phân biệt được đúng sai. Vì thế, nếu cha mẹ hành động, cư xử không tốt sẽ gây tác động đến tính cách khi trưởng thành của con.
Môi trường chúng tiếp xúc nhiều nhất, tiếp xúc hàng ngày, chính là môi trường có sự tương tác của bố mẹ, ông bà, những người chăm sóc. Chính vì thế, dù không nhận thức được những hành động, lời nói hay cách phản ứng với các tác nhân khác ngoài môi trường của bố mẹ là đúng hay sai, nhưng mặc định trong đầu trẻ nhỏ, sẽ là những tương tác đó của bố mẹ. Đây chính là quá trình tiếp thu không chọn lọc của trẻ.
Người ta có câu: “Nuôi mà không dạy là lỗi của người làm cha”. Từ khi được sinh ra, cha mẹ là giáo viên đầu đời của mỗi đứa trẻ. Tất cả ngôn hành cử chỉ đều có thể ảnh hưởng tới tâm trí và lối sống của trẻ thơ. Do đó, những đứa trẻ ngoan ngoãn là kết quả của sự giáo dục tử tế, những đứa trẻ hư hỏng là kết quả của phương pháp giáo dục có vấn đề.
Ảnh dạy con cách yêu thương, tôn trọng người khác – Ảnh minh họa ( nguồn internet)
Cách chúng ta giải quyết vấn đề sẽ được trẻ quan sát, ghi nhớ và sau đó bắt chước lại. Cho nên, nếu muốn giáo dục con, chúng ta phải lấy chính bản thân làm tấm gương, làm ví dụ:
1. Dạy cho con biết cảm thông và tôn trọng người khác: Đừng than phiền hoặc nói xấu người khác trước mặt con. Cho con thấy dù bạn đang giận dữ, bạn cũng cố gắng ôn hoà giải quyết thoả đáng và tôn trọng đối phương.
2. Dạy con biết sẻ chia: Nếu có dịp làm công tác xã hội hoặc đi từ thiện tại nơi nào đó, nên cho con theo cùng. Hướng dẫn con làm một vài điều công ích, như thế sẽ giúp con mở rộng tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Quan trọng hơn hết, bạn giúp con nhận thấy vẫn còn những điều quý giá để làm trong cuộc đời này.
3. Dạy con biết quý trọng thời gian: Trong tuần, bạn làm việc đúng giờ giấc. Ngày nghỉ, bạn luân phiên thay đổi việc làm từ nhà khách vào bếp, từ phòng trên đến sân vườn,.. để con biết thời gian là vàng bạc. Đừng để con thấy cả ngày nghỉ, ngoại trừ những giờ cơm, bạn dán mắt vào màn hình tivi từ sáng đến tối mịt.
4. Dạy con biết giữ lời hứa: Đừng hứa với con bất cứ điều gì nếu như bạn không chắc mình có thể thực hiện được. Đừng nghĩ trẻ con vô tâm mà hứa suông cho qua chuyện. Con trẻ có trí nhớ rất tốt, một khi bạn hứa thì bạn phải giữ lời. Nếu chẳng may bạn quên thực hiện hoặc vì một lý do nào đó mà bạn không thể thực hiện đúng, bạn cần giải thích cho con hiểu ngọn nguồn. Điều này vô cùng quan trọng trong việc hình thành tính trung thực của con, cũng như hướng cho con trở thành một người đáng tin cậy trong tương lai.
5. Dạy con vui sống với những điều đơn giản nhất: Đừng để con trẻ nghĩ rằng phải có nhiều tiền, có vật chất dư thừa mới có được hạnh phúc. Thay vào đó, nên giúp con tìm niềm vui trong cuộc sống với những điều giản dị nhất.
Dạy con ngoan nói dễ nhưng thực hiện thì không hề đơn giản tí nào. Tuy nhiên, chỉ cần bạn tự điều chỉnh hành vi, thay đổi lối sống đôi chút ở bản thân mình, tin chắc rằng con bạn sẽ là những công dân có ích và tài giỏi trong tương lai.
Nam Phương