Cậu học trò ngồi xe lăn mở không gian đọc miễn phí

(ĐHVO). Trần Vũ Long, học sinh trường Tiểu học Tân Trường 1 – Hải Dương, một cậu bé không được may mắn như các bạn cùng trang lứa nhưng lại nhận được tình yêu thương vô bờ bến từ người thân, thầy cô và bạn bè. Đó là món quà vô giá đối với Long, và cậu bé vẫn luôn thầm cảm ơn và tự hứa sẽ cố gắng hết mình.

Em Trần Vũ Long lúc còn nhỏ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lúc cất tiếng chào đời, những tưởng như em là một cậu bé khỏe mạnh bụ bẫm đáng yêu với đôi mắt sáng ngời luôn mong mau khôn lớn để cùng vui đùa cùng bè bạn. Thế nhưng số phận chớ trêu thay khi em gần một tuổi, mẹ của em mới nhận ra em không thể đứng dậy như bao đứa trẻ khác, em chỉ có thể ngồi hoặc vịn vào thành giường nhưng lại không đủ lực để cất những bước đi. Nhận được sự bất thường ấy, mẹ đã đưa em đi viện khám. Những kết quả ban đầu tưởng chừng giúp gia đình có thể yên tâm, nhẹ lòng khi bác sĩ cho rằng em chỉ chậm đi. Nhưng đến lần thứ tư thì sự thật phũ phàng đã không chỉ khiến người làm mẹ phải đau đớn, xót xa mà còn thay đổi hoàn toàn cuộc sống và tương lai của một cậu bé vốn đang khỏe mạnh. Căn bệnh “teo cơ tủy” đã khiến cho Long không thể đi lại được và phải dành trọn cuộc đời bên chiếc xe lăn.

Để thích nghi với cuộc sống hoàn toàn mới này Long đã gặp rất nhiều khó khăn. Sự tò mò với thế giới mới lạ xung quanh cũng mang đến cho em bao đau đớn với những lần dạn xương cổ chân, gãy tay khiến bao người phải xót xa. Thế nhưng những khó khăn đó chưa bao giờ khiến em nhụt chí vì bên cạnh em lúc nào cũng có sự động viên, giúp đỡ từ gia đình. Chính bố mẹ của em là động lực, là “đôi chân” vững chắc nhất cuộc đời của em. Khi đến trường, em cũng được sự giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè cùng trang lứa. Ai cũng muốn giúp em có một tuổi thơ trọn vẹn, những niềm vui của tuổi học trò. Còn đối với Long, những ngày tháng được cắp sách đến trường, được tiếp xúc với những con chữ, được vui đùa bên những con số, những phép toán cộng trừ là niềm hạnh phúc to lớn.

Em Trần Vũ Long (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thời gian trôi qua thật nhanh, cậu bé đáng yêu, ngây thơ ngày nào bây giờ đã có một tâm hồn sâu sắc, tinh thế, em cảm nhận được sự vất vả của mẹ, thương mẹ những ngày ốm nặng, những buổi làm mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng đưa em đi học thêm. Em khao khát được đỡ đần mẹ những công việc trong nhà nhưng số phận chẳng thể giúp em làm được điều đó, vì vậy em luôn cố gắng học hành, gửi ước mơ vào những con chữ, con số. Trong khó khăn con người thường tìm thấy những cơ hội quý giá, là nhịp cầu nối giúp em biết đến anh Đỗ Hà Cừ cùng Không gian đọc Hy Vọng. Cũng từ đây, em bén duyên với sách, sách đến với cuộc sống của em nhẹ nhàng như một nàng thơ, không hề gượng ép hay phải hối thúc như bao bạn bè đồng trang lứa mà với em sách là bạn tâm tình, là đôi chân vô hình đưa em đến với trí thức nhân loại.

Không gian đọc Vũ Long (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Em chia sẻ với chúng tôi rằng: “Có rất nhiều bạn nhỏ cũng thích đọc sách, muốn tìm hiểu thế giới bên ngoài nhưng không có điều kiện. Ở nông thôn, bố mẹ phải làm việc rất vất vả nên không phải bạn nào cũng có tiền để mua sách. Tất cả đã thôi thúc em nảy ra ý tưởng mở một thư viện sách mini ngay tại nhà và trường học mang tên “Không gian đọc Vũ Long”.

Lúc đầu, tủ sách của em chỉ là những cuốn sách được bố mẹ và người thân mua tặng. Rồi nó lớn dần nhờ sự ủng hộ từ các bạn khắp nơi và những nhà hảo tâm, các bạn bè và thầy cô. Bây giờ, cả nhà em đều là sách, không chỉ ở phòng học mà phòng khách, bếp, cầu thang, bố mẹ đều tận dụng không gian để sách. Bạn đọc đến với không gian đọc của em đa dạng lắm, từ những ông đã lớn tuổi thích đọc sách báo đến các anh chị thanh niên hay đọc sách khoa học nhưng đông đảo nhất vẫn là các bạn nhỏ cùng lứa ở khắp làng. Căn nhà vốn chỉ có hai anh em vui đùa với nhau nay đã rộn ràng bao tiếng cười khúc khích, bao tiếng nói râm ran, bạn nào cũng háo hức hăm hở thi nhau kể chuyện. Không gian đọc của Long bây giờ đã trở thành “Ngôi nhà tri thức” bất tận, lý thú với các bạn học sinh.

Không gian đọc sách của Long luôn thu hút các bạn học sinh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 2020, em đã tham gia và đạt giải Nhì thi viết trong cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ” do Ban Tuyên Giáo T.Ư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Em đã kể về hành trình đầy gian nan của mình qua những trang viết đầy xúc động gửi đến cuộc thi khiến nhiều người cảm phục với sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, luôn học tập và làm theo lời Bác dạy của em.

Trần Vũ Long giao lưu với các bạn học sinh tại lễ trao giải cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”

Bài viết với tựa đề “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” với giọng văn ngây thơ mà chất chứa nhiều hy vọng, đam mê của tuổi đang lớn. Em chia sẻ trong bài viết: “Ở trường, con được các thầy cô dạy làm “Con ngoan, trò giỏi”, làm theo 5 điều Bác Hồ dạy:

Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Hy vọng những điều con làm không chỉ lan tỏa tình yêu sách mà sẽ giúp các bạn có ý thức trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ như lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang