Cần xử lý nghiêm khắc các đối tượng “chăn dắt” người khuyết tật bán hàng rong để trục lợi

(DHVO). Nếu như ở các thành phố hay đô thị lớn, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà, những người tàn tật hay những đứa trẻ bán vé số, bán hàng rong hay xin tiền người khác. Nhưng thật đau lòng là nhiều người trong số đó lại không nhận lại được một đồng nào sau những ngày dầm mưa, dãi nắng để ăn xin bởi số tiền ấy đã chảy vào túi của kẻ khác.

Tình trạng này đã nhiều lần bị phanh phui, và đã có không ít các bài báo, phóng sự phản ánh sự thật: phía sau những người khuyết tật bán hàng rong hoặc ăn xin tại các cửa hàng ăn, chợ hay các khu vực tập trung đông người là một nhóm đối tượng thuê, ép người khuyết tật làm việc cho mình, buộc họ phải bán hàng rong, ăn xin để được hưởng những “đồng lương” ít ỏi, kèm theo đó là những trận đánh, trận đòn, bỏ đói nếu như mỗi ngày không bán được đủ lượng hàng, xin được đủ số tiền đã được ấn định trước.

Về vấn đề này, Luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái bày tỏ sự phẫn nộ cho những bộ phận lợi dụng tình trạng sức khỏe, thân thể của người khuyết tật để hàng ngày bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người khác một cách không thương tiếc.

Luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái

Dưới góc độ đạo đức thì đây là hành vi trái lương tâm, trái đạo đức làm người. “Neo bám” vào một người bình thường để sống đã là một việc sai trái, thì ép buộc, đánh đập, hành hạ người khuyết tật – những người bản thân đã chịu quá nhiều thua thiệt trong xã hội lại càng khó chấp nhận hơn. Những việc làm nhẫn tâm này không chỉ gây tác động trực tiếp tới sức khỏe, tới cuộc sống của người khuyết tật mà còn tạo ra sự vô tâm, vô cảm trong xã hội. Bởi từ việc thấy e ngại vì không giúp đỡ được những hoàn cảnh éo le đến việc từ chối thẳng thừng vì sợ rằng lòng tốt của mình đang bị những người xấu lợi dụng không phải là khoảng cách quá xa.

Người khuyết tật bán hàng rong ngày càng nhiều trên đường phố (Ảnh: Mang tính chất minh họa)

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Đinh Nguyên nhận định, những hành vi trên có thể bị phạt vi phạm hành chính, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

b) Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”

Nếu hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của người khuyết tật thì người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS); Tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS). Và trên thực tế, rất nhiều người buộc người khuyết tật mình đang “quản lý” phải sử dụng ma túy để lệ thuộc vào mình. Trong trường hợp này thì họ có thể bị truy tố về Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 257 BLHS.

Nhìn chung, xem xét dưới góc độ đạo đức hay dưới góc độ pháp luật thì hành vi vi phạm trên tất yếu bị đánh giá, đáng lên án và xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên tại sao trên thực tế, tình trạng này lại vẫn tồn tại, nếu không muốn nói chúng ngày càng nhiều và phổ biến? Phải chăng là thủ đoạn của những kẻ chăn dắt quá tinh vi, phức tạp nên các cơ quan chức năng khó nắm bắt, xử lý? Hay do có quá nhiều trường hợp vi phạm nên các cơ quan chức năng bị quá tải, không thể phát hiện và giải quyết được triệt để các đối tượng này?

Về mặt luật pháp, nhận thấy nhà nước đã có tương đối đầy đủ các quy định để áp dụng, xử lý – về xác định hành vi vi phạm, xác định phương thức, mức độ xử lý đối với mỗi hành vi, phân định thẩm quyền rõ ràng. Tuy nhiên thực tiễn thực thi, áp dụng pháp luật vẫn không cao. Một phần có lẽ do hình thức xử phạt là quá nhẹ chưa thể đủ sức răn đe những kẻ chăn dắt người khuyết tật được bởi số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi này có sự chênh lệch quá lớn. Thiết nghĩ đã đến lúc đưa những kẻ chăn dắt, lợi dụng người khuyết tật vào diện phải xử lý hình sự để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên.

Hơn nữa, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm hơn thông qua những hành vi nhỏ nhưng có giá trị lớn như hỗ trợ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm, chung tay góp sức, ủng hộ các tổ chức, các quỹ từ thiện để hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật, xây nhà giúp họ có nơi sống, nơi ở ổn định.

Phạm Vân

 


Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang