Cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững

(DHVO). Chiều ngày 03/12 tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật Hành động để đạt được mục tiêu của Chương trình nghị sự đến 2030 không bỏ lại ai phía sau”. Tham dự buổi lễ có bà Trương Thị Mai – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Đào Ngọc Dung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Lãnh đạo Bộ, Ban Ngành trung ương, địa phương, đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; các tổ chức của và vì người khuyết tật…

Bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ

phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bà Trương Thị Mai – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến người khuyết tật. Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc xóa bỏ những trở ngại, rào cản đối với người khuyết tật. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp người khuyết tật ở nước ta từng bước được sửa đổi, bổ sung, tạo thành điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên. Tuy vậy, việc triển khai chính sách trợ giúp người khuyết tật có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Đáng lưu ý là mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật chậm được điều chỉnh, việc huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp người khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu…

Để người khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường, tích cực, chủ động vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương bà Trương Thị Mai yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách trợ giúp người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp cần chuyển từ ý nghĩa nhân đạo sang nhân văn, tôn trọng các quyền của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập. Đồng thời các ngành, địa phương cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn…

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phát biểu tại buổi Lễ

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm hàng triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện, trợ giúp xe lăn, xe đẩy; số lượng trẻ em khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng; các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở dẫn đến tình trạng chưa đáp ứng đầy đủ, thỏa đáng các nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ, Ảnh Ngọc Quang

Thay mặt cho Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, đại diện cho 6,2 triệu người khuyết tật phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến người khuyết tật Việt Nam và người khuyết tật quốc tế nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12. Ông Thanh đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ ban ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật, ghi nhận những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, ông Thanh cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong việc thực thi chính sách mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống chính sách đối với người khuyết tật tương đối đầy đủ. Kết thúc bài phát biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội xin thay mặt các tổ chức của và vì người khuyết tật cùng 6,2 triệu người khuyết tật gửi lời cám ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đã luôn dành sự quan tâm đến người khuyết tật Việt Nam. Đồng thời, mong muốn, trong thời gian tới Đảng và Nhà nước cùng các bộ ban ngành, các địa phương, cộng đồng xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa và đồng hành cùng các tổ chức của và vì người khuyết tật để thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về người khuyết tật đặc biệt là Chỉ thị số 39/CT-TƯ của Ban Bí thư, hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, phấn đấu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Lễ kỷ niệm 27 năm ngày quốc tế người khuyết tật (3.12.1992 – 3.12.2019) cũng là dịp để động viên khích lệ, biểu dương, tôn vinh những người khuyết tật vươn lên và chiến thắng số phận và là dịp để tri ân những tấm lòng nhân ái của các tổ chức cá nhân đã đồng hành hỗ trợ người khuyết tật, góp phần đảm bào quyền con người, và đặc biệt đây cũng là dịp phổ biến chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật./.

“Chúng tôi mong rằng ở địa phương sẽ có những tổ chức riêng của người khuyết tật để người khuyết tật có thể sinh hoạt, học tập và chia sẻ những kinh nghiệm lẫn nhau. Cùng hỗ trợ nhau để giải quyết những vấn đề về sức khỏe, về giáo dục, kinh tế…. Đồng thời, người khuyết tật cũng có thể đề xuất những vấn đề chính sách cụ thể mà người khuyết tật cần có. Về phía Liên Hiệp hội về người khuyết tật chúng tôi cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để tác động, nâng cao nhận thức và năng lực của bản thân người khuyết tật cũng như các tổ chức của người khuyết tật”.

Chia sẻ của Bà Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam

Thực hiện: Nguyễn Bình – Thùy Linh – Đức Hiếu

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang