(ĐHVO). Đảng và Nhà nước cần xây dựng và triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Các tổ chức Hội của người khuyết tật cần chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm cho người khuyết tật (Ảnh VSDF)
Nguyễn Văn Khánh (tên nhân vật đã được thay đổi) là một thanh niên khuyết tật ở Phú Xuyên, Khánh xin được làm bảo vệ cho một công ty, với mức lương khiêm tốn. Khánh mỗi ngày đi xe buýt hơn 30km đến nơi làm việc luôn đúng giờ, không nghỉ một ngày nào. Nhưng đã có không ít lần Khánh rơi nước mắt vì những đối sử của Công ty rất thiếu sự công bằng, đến cả bữa ăn cũng quá đỗi đạm bạc với một người lao động, Khánh chỉ biết khóc thầm, vì với em, có được việc làm là may mắn lắm rồi, ngoài kia còn bao người khuyết tật như em, đang mưu sinh bằng những công việc hết sức bấp bênh. Điều Khánh lo là đúng, bởi hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật!
Khác với Khánh, anh Toàn một người khuyết tật nặng sinh ra ở Bình Phước, anh lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh được hơn 10 năm nay, hàng ngày với chiếc xe lăn, anh Toàn rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm ở quận 6 bán vé số. Nắng gió phương Nam làm nước da anh đen xạm, mới ngoài 30 mà nhìn anh đã như một ông lão. Khi đêm về anh lại cùng cả chục người khuyết tật như anh, tá túc và ăn nhờ cơm chay ở chùa Giác Duyên. Không khó để bắt gặp những người khuyết tật như anh Toàn đi bán vé số ở Sài Gòn, Cần Thơ đến tận Cà Mau, cũng dễ hiểu khi 7 triệu người khuyết tật có đến 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỷ lệ người khuyết tật ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số người khuyết tật có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, tới hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5% nên họ rất khó để có một công việc ổn định, chưa dám nói là công việc an toàn về sức khỏe, thể chất vốn yếu đuối của người khuyết tật.
Chính sách đầy đủ
Việt Nam là một trong số những quốc gia đã ban hành hệ thống chủ trương pháp luật về người khuyết tật khá đầy đủ, khá toàn diện.
Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật, phê duyệt Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật. Bên cạnh đó, ngày 1/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 39 tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người khuyết tật yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục nghề, việc làm tín dụng. Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã dành một mục riêng, với 3 điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật, sử dụng lao động là người khuyết tật và những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Luật Người khuyết tật cũng có Chương 5, quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật.
Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190 phê duyệt chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 có 300 nghìn người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho người khuyết tật tại sáu vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Phấn đấu hỗ trợ 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế, tạo việc làm.
Cần có nhiều những hội chợ việc làm, tư vấn nghề và học nghề cho người khuyết tật (Ảnh VSDF)
Ðể thực hiện được chỉ tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19 nghìn người khuyết tật. Mức hỗ trợ dạy nghề của Nhà nước cũng đã điều chỉnh cao hơn (tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa…). Bình quân mỗi năm các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước hỗ trợ khoảng 20 nghìn lượt người khuyết tật học nghề, việc làm tỷ lệ thành công đạt hơn 50%. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp họ vươn lên, thoát nghèo.
Nhưng sao NKT vẫn không có việc làm ổn định?
Tuy nhiên, trên thực tế công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng người khuyết tật được học nghề, có việc làm còn hạn chế do thiếu chương trình, giáo viên dạy nghề, Việc tư vấn nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật mới chỉ dừng lại ở những thành phố lớn. như ở Hà Nội, anh Trần Quốc Nam một cộng tác viên tư vấn nghề và tuyển sinh cho tổ chức Angels’ Haven (Hàn Quốc) cho biết “Do gặp nhiều rào cản nên đa số trình độ học vấn của người khuyết tật thấp cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình đã hạn chế nhiều cơ hội tiếp cận việc làm, nghề nghiệp của họ. Bên cạnh đó nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật còn hạn chế”.
Tuy đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc do các quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Câu chuyện của Trần Thành Trung (Công ty TNHH TĐT Digital) khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trung sinh ra bị bại não bẩm sinh, vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực học tập và tốt nghiệp một trường cao đẳng với tấm bằng loại khá. Tuy nhiên, hành trình xin việc của anh gặp rất nhiều thử thách. “Sau khi tốt nghiệp, tôi nộp 23 bộ hồ sơ nhưng đều bị từ chối với lý do người khuyết tật như tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của công ty” Trung nghẹn ngào kể.
Nhiều năm qua Ngân hàng chính sách TP Hà Nội dành nguồn vốn ưu tiên cho người khuyết tật vay với lãi suất thấp để tạo việc làm, nguồn vốn này thực sự rất hiệu quả đã giúp người khuyết tật có việc, có thu nhập, tạo sự tự tin, thay đổi được hình ảnh và vị thế của mình, nhưng sản phẩm của người khuyết tật làm ra không hề thua kém sản phẩm của người không có khuyết tật nhưng thực trạng chung của thời kỳ hậu Covid đề không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ, từ thực tế này đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về hàng hóa, sản phẩm của người khuyết tật.
Bà Phan Thanh Minh (Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần phải sớm có những điều chỉnh về điều kiện tại nơi làm việc cho người khuyết tật. Tuy đã có quy định trong Luật Người khuyết tật là các tổ chức, cá nhân tùy theo điều kiện của mình, bố trí điều kiện làm việc và điều kiện làm việc cho người khuyết tật. Nhưng thực tế, từ khi Luật Người khuyết tật ra đời đến nay, chưa có những hướng dẫn cụ thể hay mô hình nào để doanh nghiệp có thể học tập cải thiện điều kiện nơi làm việc cho người khuyết tật.
Nhật Nam – VSDF