(ĐHVO) Ngoài vai trò là một thú cưng, chó có thể được huấn luyện để hỗ trợ người khuyết tật, giúp chủ nhân của chúng trong cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng hơn. Trong nhiều trường hợp, những chú chó có thể giúp họ vượt qua các vấn đề về thể chất và tâm lý cũng như cung cấp sự đồng hành trung thành.
Chó có thể trở thành người bạn hỗ trợ, phục vụ để giúp người khuyết tật vượt qua những hạn chế hoặc những thách thức trong việc hòa nhập cộng đồng. Về lý thuyết, bất cứ ai có tình trạng thể chất hoặc tinh thần không ổn định, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sống độc lập đều có thể nhận nuôi một trong những người bạn hỗ trợ này.
Một chú chó hỗ trợ không nhất thiết phải thuộc một giống chó đặc biệt hay đắt tiền mà quan trọng đó phải là một chú chó ngoan ngoãn, bình tĩnh, tình cảm và đủ tin cậy để tương tác trong môi trường xã hội mà không gặp vấn đề gì. Ngoài ra, những phẩm chất khác được tìm kiếm ở một chú chó hỗ trợ có thể kể đến là trí thông minh, thân thiện và nhanh nhạy với các âm thanh, tín thiệu. Một số giống chó thường được chọn để huấn luyện trở thành chó hỗ trợ và trị liệu là Golden Retriever, Labrador, Malinois (thông minh và rất có thể lực) và Alaskan Malamute (trung thành, chăm chỉ và rất hiền lành).
Chó hỗ trợ có thể giúp người khuyết tật trong sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng rất tốt (Ảnh: Internet)
Thời gian huấn luyện cho chó hỗ trợ và trị liệu thường khá dài, tối thiểu từ 6-12 tháng. Các chú chó con thường được lựa chọn và nhận nuôi sau khi chúng được huấn luyện, mặc dù trong một số trường hợp, việc huấn luyện có thể được áp dụng cho những chú chó đã có chủ.
Huấn luyện chó trợ giúp bao gồm dạy chúng cách thực hiện các nhiệm vụ để giúp chủ nhân tương lai của chúng trong cuộc sống hàng ngày, như lấy vật phẩm, mở hoặc đóng cửa, bấm chuông cửa, bật hoặc tắt đèn, mở và đóng ngăn kéo hoặc thậm chí giúp một người cởi bỏ quần áo hoặc giày dép. Chúng cũng được huấn luyện để bảo vệ chủ nhân của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc kéo xe lăn trong khoảng cách ngắn. Ngoài ra, đối với mỗi dạng khuyết tật, chú chó hỗ trợ sẽ được huấn luyện những khả năng riêng. Đối với người khuyết tật nói chung, những chú chó được đào tạo để lấy đồ từ sàn nhà, bật công tắc, mở, đóng cửa và ngăn kéo. Đối với chó hỗ trợ cho người khiếm thính, những chú chó này được huấn luyện đặc biệt để cảnh báo chủ nhân của nó về các âm thanh khác nhau (chuông cửa, điện thoại, tiếng khóc của trẻ nhỏ, giọng nói, báo thức, v.v.) và dẫn họ đến nguồn âm thanh. Để hỗ trợ cho người khiếm thị, người ta chú ý quan tâm huấn luyện những chú chó về khả năng dẫn đường. Bên cạnh đó còn có chó hỗ trợ cho cảnh báo và trường hợp khẩn cấp, được đào tạo để hỗ trợ người cao tuổi hoặc hỗ trợ những người mắc các bệnh như tiểu đường hoặc động kinh và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần thiết và chó hỗ trợ cho người tự kỷ giúp tránh hoặc giảm các hành vi rập khuôn và gây rối liên quan đến tự kỷ. Những chú chó này tạo thành một liên kết mạnh mẽ và hiệu quả với chủ nhân của chúng, cho phép chúng cải thiện giao tiếp cũng như cung cấp sự kích thích và cảm giác an toàn.
Rất nhiều người khuyết tật đã lựa chọn những chú chó hỗ trợ vì chúng không chỉ cung cấp sự trợ giúp khi cần, mà còn trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy. Tuy nhiên, để có thể chọn được một chú chó hỗ trợ cho riêng mình, cần cân nhắc kỹ những tính năng của chú chó và tham khảo ý kiến của những chuyên gia có kinh nghiệm về loại chó này.
P.a