Các nghĩa vụ liên quan đến thuế của Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

(DHVO). Văn phòng đại diện sau khi được thành lập sẽ phải tiến hành đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định pháp luật. Vậy văn phòng đại diện sẽ phải nộp những loại thuế gì?

I. Cơ sở pháp lý:

– Thông tư số 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

– Luật Doanh nghiệp 2014;

– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.

II. Các nghĩa vụ về thuế của Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

1. Định nghĩa về Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Theo Khoản 2 Điều 45 Luật Doanh Nghiệp 2014 có quy định về văn phòng đại diện như sau:

“Điều 45. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.”

Như vậy, văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam có thể hiểu là văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Các loại thuế mà Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam phải nộp

Đối với văn Phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam sẽ có hai loại thuế phải nộp đó là:

– Thuế môn bài;

– Thuế thu nhập cá nhân.

a. Thuế môn bài:

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP có nội dung như sau:

“Điều 2. Người nộp lệ phí môn bài

Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.

3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều 3. Miễn lệ phí môn bài

Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.

4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.”

Như vậy, nếu văn phòng đại diện chỉ thực hiện việc giao dịch, các công tác hành chính văn phòng và xúc tiến thương mại và không tiến hành hoạt động kinh doanh cũng như ký kết hợp đồng thì không phải nộp thuế.

Đối với văn phòng đại diện thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ phải nộp lệ phí môn bài là: 1.000.000 đồng/năm theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP.

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài cần nộp những loại thuế gì tại Việt Nam

b. Thuế thu nhập cá nhân.

Không giống như thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà văn phòng đại diện bắt buộc phải nộp theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư 111/2013/TT-BTC, Điều 2; Điều 3 Nghị Định 65/2013/ NĐ-CP và Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Văn phòng đại diện khi nộp thuế thu nhập các nhân có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền công, tiền lương của nhân viên văn phòng đại diện

Thủ tục và nộp thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.

Văn phòng đại diện phải nộp hồ sơ khai thuế hàng tháng (Quý) đối với những sắc thuế Văn phòng đại diện phát sinh phải nộp hoặc phải nộp thay; các sắc thuế không phát sinh, Văn phòng đại diện không phải nộp hồ sơ khai thuế. Và hồ sơ kê khai thuế cho cá nhân Việt Nam bao gồm những mẫu sau:

Tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (Mẫu 02/KK-TNCN) (Theo Thông tư 156/2013/TT-BTC)

Bảng kê chi tiết thu nhập thường xuyên.

Mẫu đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh (Mẫu 16/ĐK-TNCN) (theo Thông tư 156/2013/TT-BTC) (Nếu có) kèm hồ sơ chứng minh.

Thời hạn một văn phòng đại diện phải nộp thuế thu nhập và tờ khai đăng ký thuế được chia là hai trường hợp:

Đối với loại tờ khai tháng: chậm nhất ngày thứ 20 của tháng tiếp theo của tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng.

Đối với loại tờ khai quý: chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo của quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

Lưu ý: Nhân viên nào có tên trong danh sách bảng lương thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Kenbi

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang