(ĐHVO). Nhằm tuyên dương những cá nhân có nhiều đóng góp trong cộng đồng, trong các lĩnh vực an sinh xã hội và y tế, như: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, từ thiện…và lan tỏa sự yêu thương trong cộng đồng. Chiều ngày 28/11/2020, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức buổi Lễ Tuyên dương 400 đại biểu là những gương sáng vì cộng đồng. Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 2 cá nhân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009-2019.
`
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao danh hiệu anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
Tham dự buổi Lễ Tuyên dương những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch TW MTTQVN; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em VN; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các đại biểu nguyên là lãnh đạo Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước phát biểu tại buổi lễ
Tham dự và phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự tri ân với 400 đại biểu được tuyên dương; biểu dương, ghi nhận và trân trọng những tấm gương lặng lẽ cống hiến hàng chục năm, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn… đồng thời cũng nhấn mạnh thêm: Còn hàng triệu những hành động, những tấm lòng vàng, hành động thiện nguyện như vậy trong cộng đồng chưa được ghi nhận. Phó Chủ tịch nước khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của người Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, làm nên sức mạnh to lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vừa qua, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung do thiên tai, bão lũ, truyền thống ấy lại được đồng bào và chiến sĩ cả nước thắp sáng lên bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều hành động dũng cảm và bằng cả sự hi sinh cao cả của những người lính trong thời bình, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì đồng bào.
Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục tập trung chăm lo các đối tượng là người có công, trẻ em, nguời cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 6,2 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em nghèo, các hộ nghèo và người yếu thế khác trong xã hội… Bên cạnh đó, cũng yêu cầu cần có các chính sách, giải pháp sao để đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội…
Cuối cùng, Phó Chủ tịch nước mong tiếp tục lan tỏa những tấm gương này trong xã hội, để tạo nên tinh thần đoàn kết đã có truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi Lễ Tuyên dương những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng
Thay mặt Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khái quát lại tình hình công tác an sinh xã hội trong thời gian qua và 10 năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Ông Dung cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn song tỷ lệ ngân sách đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày càng tăng, hiện đã tới hơn trên 35.000 tỷ đồng. Thực hiện lời kêu gọi cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình, phong trào vận động đã được phát động sôi nổi trong cả nước, huy động cả xã hội chung tay chăm sóc những người yếu thế.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động: Đời sống xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong việc đóng góp, xây dựng cho cộng đồng. Điều này cho thấy, sự cải thiện ngày càng lớn trong đời sống an sinh xã hội, đặc biệt là những hoạt động thiện nguyện, nhân đạo… Bộ trưởng cũng cho biết thêm: Đây là lần đầu tiên tổ chức gặp mặt quy mô toàn quốc với những đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Đó là những người dân đã và đang dành công sức, tiền của của mình và vận động xã hội chăm lo cho những người yếu thế, họ làm những công việc thầm lặng có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Cuộc gặp mặt lần thứ nhất này gồm 400 đại biểu tiêu biểu, trong đó có 197 đại biểu là nữ, 08 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 04 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, 100 đại biểu là những nhân viên phục vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và người yếu thế, 300 đại biểu là những người dân, không giữ chức vụ lãnh đạo, đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương khác đang lặng thầm cống hiến cho cộng đồng, những người chưa một lần được vinh danh, khen thưởng. Đặc biệt trong những ngày toàn dân căng mình đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19, chống chọi lại thiên tai, lũ, bão vừa qua, hơn lúc nào hết, chúng ta lại thấy một khí thế kiên cường, nghĩa tình đồng bào đồng chí của dân tộc khi mà từ người già đến trẻ em, doanh nhân, vận động viên thể thao, văn nghệ sĩ, nhân dân các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ trí thức, người công nhân, người nông dân,… tất cả đều một lòng yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau cùng vượt qua hoạn nạn…
Ông Đặng Văn Thanh và Bà Dương Thị Vân (người mặc áo dài xanh) là hai đại diện của Liên hiệp hội về người khuyết tật Vệt Nam được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp thầm lặng cho cộng đồng.
Buổi sáng cùng ngày, 400 đại biểu được tuyên dương đã vào Lăng viếng Bác. Và trước đó, chiều ngày 27/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp mặt và tôn vinh 50 đại biểu tiêu biểu trong số 400 đại biểu được tuyên dương tại Văn phòng Chính phủ. Tại buổi gặp Thủ tướng, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam có hai gương mặt tiêu biểu được nhận bằng khen của Thủ tướng là ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội và bà Dương Thị Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã có nhiều đóng góp tích cực, là những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng trong suốt hơn 20 năm qua.
Trần Hồng