Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng dư luận nói nhiều đến việc tiếng Hàn Quốc được chính thức đưa vào chương trình học như là một ngoại ngữ bắt buộc. Thông tin này gây phản ứng và hoang mang từ nhiều phía, giáo viên, phụ huynh, học sinh, nhà trường… Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với TS. Trần Xuân Thảo, nhà quản lý giáo dục và cũng đã từng là một giáo viên ngoại ngữ, một chuyên gia tư vấn về dạy và học ngoại ngữ trong nhiều năm, để tìm hiểu thêm và tham khảo cách nhìn của Ông về vấn đề này.
Trong bài này, cụm từ “ngoại ngữ” được dùng để chỉ tiếng nước ngoài, và cụm từ “chính sách ngoại ngữ” được dùng cùng nghĩa với cụm từ “chính sách ngôn ngữ” để tránh sự hiểu nhầm có thể có trong bối cảnh Việt Nam.
PV: Gần đây, thông tin đại chúng nói nhiều đến “tiếng Hàn là ngoại ngữ bắt buộc” với những tranh luận trái chiều. Theo Ông, điều này cần được hiểu thế nào cho đúng?
TS. Trần Xuân Thảo: Phần lớn hiểu nhầm vừa qua là do ngôn ngữ diễn đạt của báo chí không được rõ. Trước hết phải hiểu là môn ngoại ngữ vốn đã là một trong những môn học bắt buộc, như các môn toán-lý-hoá…, đối với học sinh phổ thông. Việc học tiếng Hàn và tiếng Đức vừa được chính thức đưa vào chương trình học nâng tổng số ngoại ngữ được giảng dạy tại trường học phổ thông Việt Nam hiện nay là 07, bao gồm: Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Đức và Hàn. Và học sinh có thể chọn để học một trong những ngoại ngữ này.
PV: Như vậy có nghĩa chính sách ngoại ngữ của Việt Nam là không ưu tiên việc dạy-học một ngoại ngữ nào, và để học sinh có quyền lựa chọn?
TS. Trần Xuân Thảo: Mới nhìn thì có vẻ như vậy, nhưng thực ra là khác. Một khi đã chính thức chọn để đưa vào chương trình chính thống để giảng dạy, dù muốn hay không, cũng có thể hiểu có sự chọn lựa ưu ái đối với 7 ngoại ngữ này mà không phải là những ngoại ngữ khác! Và quyền tự chọn của học sinh phải được hiểu là chọn một trong 7 ngoại ngữ trong sọt mà thôi. Chỉ cần đặt vấn đề là nếu học sinh muốn chọn học một ngoại ngữ khác không nằm trong 7 thứ tiếng trên thì sao. Ví dụ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Lào? Thứ đến, việc chính thức đưa vào chương trình học đáng ra có nghĩa là học sinh có quyền đòi hỏi được học một trong 7 ngoại ngữ đó và yêu cầu đó phải được đáp ứng. Hơn thế nữa, việc day-học các ngoại ngữ này phải được liên tục ở các cấp học. Hay nói cách khác, một khi học sinh chọn học một ngoại ngữ ở cấp 1 thì khi lên các cấp trên cũng được học liên tục ngoại ngữ này. Thực tế không phải như thế. Lý do là vì tính sẵn sàng của các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, không phải mọi tỉnh thành, mọi địa phương đều giống nhau. Cũng có nơi học sinh chỉ có một tuỳ chọn duy nhất. Tôi không tin là chỉ trong thời gian ngắn nữa thì tuỳ chọn ấy là 7 cho nhiều nơi.
PV: Đã có nhận định cho rằng Nhà nước có chủ trương chính sách ngoại ngữ như thế nào thì thực tế sự chọn lựa của đa số học sinh vẫn là tiếng Anh, nên không cần thiết phải có một chính sách ngoại ngữ riêng cho tiếng Anh nữa?
TS. Trần Xuân Thảo: Chính sách ngôn ngữ của Nhà nước và tính phổ biến của một ngôn ngữ trong cộng đồng phải được hiểu là hai vấn đề tách biệt. Chúng ta biết trong khi đa số người dân ở Singapore nói tiếng Trung Quốc (trên 70% dân số là người gốc TQ), chính phủ Singpore đã quyết định cho ra đời chính sách ngôn ngữ lấy tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống của Singapore! Ở nước ta, mặc dù tiếng Anh đang là ngoại ngữ phổ biến nhất, sự việc sẽ rất khác nếu Chính phủ có chính sách chọn tiếng Anh là ngoại ngữ số 1 bắt buộc duy nhất – so với vị trí của nó hiện nay đang được xếp ngang hàng với 6 ngoại ngữ kia. Nhà nước không thể cho rằng thực tế tiếng Anh đang là sự lựa chọn số 1 của số đông rồi nên không cần phải có chính sách gì cho nó nữa. Một khi Nhà nước có chính sách chọn tiếng Anh là ngoại ngữ số 1 bắt buộc duy nhất thì tất cả học sinh đều phải học tiếng Anh, và các ngoại ngữ khác đều ở vị trí thứ 2 (nếu học sinh muốn chọn học thêm một ngoại ngữ nữa). Tôi tin đó sẽ là cú hích đẩy mạnh việc đầu tư vào dạy và học tiếng Anh trên toàn hệ thống, chứ không phải chỉ là kết quả của các nỗ lực tự phát trong xã hội. Mặt khác, hơn ai hết những nhà làm chính sách biết rằng chính cha mẹ là những nhà hoạch định vô hình – họ có một quyền lực cũng vô hình quyết định sự thành công của một chính sách ngoại ngữ của Nhà nước. Cha mẹ là những người luôn muốn con em họ theo kịp với xu hướng phát triển của thời đại. Đã có một thời gian Nhà nước đẩy mạnh việc dạy-học tiếng Nga trong nhà trường, nhưng tại các trung tâm ngoại ngữ thì tiếng Anh vẫn chiếm vị thế độc tôn.Ít ai biết rằng trước khi có chính sách chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống, Chính phủ Singapore đã có một quyết định mà sau đó mới thấy sai lầm là chọn tiếng Malay là ngôn ngữ chính thống mặc dù trong dân số chỉ có gần 14% là gốc Malay.Do vậy, để có một chính sách ngoại ngữ thành công cần tham khảo ý kiến để có sự hợp tác chặt chẻ giữa nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, giáo viên, phụ huynh… Một chủ trương hay chính sách ngôn ngữ không tính đến quyền lực của những nhà hoạch định vô hình này thì tất yếu sẽ dẫn đến thất bại.
PV: Như thế, theo ông thì Việt Nam nên ưu tiên cho tiếng Anh hơn các ngoại ngữ khác?
TS. Trần Xuân Thảo: Tôi nghĩ Nhà nước nên chọn lựa tiếng Anh là ngoại ngữ số 1 bắt buộc duy nhất đối với tất cả học sinh phổ thông thuộc hệ thống công lập bởi lẽ tiếng Anh đã được sử dụng rất phổ biến trên thế giới như là một ngôn ngữ quốc tế. Và trên cơ sở tính sẵn sàng của các nguồn lực thực tế, các ngoại ngữ khác được xếp vào các nhóm môn học tự chọn trong chương trình học. Làm như vậy tức Nhà nước chính thức truyền đi thông điệp bên cạnh tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ chính thống của đất nước, học sinh được trang bị thêm một ngôn ngữ có tính phổ cập quốc tế để hội nhập với thế giới. Ngoài ra, việc chọn tiếng Anh là ngoại ngữ số 1 duy nhất bắt buộc cũng giúp chúng ta tập trung được các nguồn lực, kể cả nhân lực, cho việc dạy và học ngoại ngữ đang ở tình trạng vừa thiếu vừa thừa trong việc dạy tiếng trên phạm vi cả nuớc. Chắc chắn chính sách đó sẽ giúp tăng tính năng động kinh tế xã hội (socio-economic mobility) của người dân cũng như của đất nước trong bối cảnh sự hội nhập quốc tế là điều kiện cần thiết để phát triển.
PV: Xin được mở rộng câu hỏi: Ông vừa nhắc đến cụm từ “tiếng mẹ đẻ”, xin ông chia sẻ thêm quan niệm của ông về cụm từ này?
TS. Trần Xuân Thảo: Ngôn ngữ chính thống (official language) của Việt Nam là tiếng Việt. Tiếng Việt được dạy như là tiếng mẹ đẻ (mother tongue) duy nhất trên toàn hệ thống, khác với ở Singapore là ngoài việc bắt buộc tất cả học sinh phải học tiếng Anh như là ngôn ngữ chính thống, chính sách song ngữ (bilingual policy) của Singapore cho phép mỗi học sinh được chọn học thêm 1 ngôn ngữ nữa là tiếng mẹ đẻ của họ tuỳ vào nguồn gốc gia đình của họ để giúp duy trì và bảo tồn tiếng nói và các nền văn hoá của cộng đồng. Ở Việt Nam, tôi vẫn mong là không lâu nữa chúng ta sẽ tính đến việc con em các dân tộc ít người được học <tiếng mẹ đẻ> của họ, chứ không bắt họ phải học tiếng Việt như là “tiếng mẹ đẻ”. Hay nói cách khác, với con em các dân tộc ít người, ngoài việc học tiếng Việt như là ngôn ngữ chính thống, họ được dạy (tức được học) tiếng mẹ đẻ của họ như là một môn học trong nhà trường, chứ không phải để họ chỉ học tiếng mẹ đẻ của họ một cách tự phát ở nhà và ngoài trường học. Tôi nghĩ dự án thí điểm dạy song ngữ cho con em các dân tộc ít người như đang làm cần được tổng kết để biến thành chính sách song ngữ như ở Singapore. Làm được điều này thì chúng ta tránh được sự mai một không chủ ý của một số tiếng nói của các dân tộc vốn làm đa dạng ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Và cũng chỉ khi nào làm như vậy thì chúng ta mới nói đến sự công bằng trong đối xử với các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
TS. Trần Xuân Thảo khởi nghiệp là giảng viên tiếng Anh tại ĐHSP Huế vào năm 1977, được cấp bằng Thạc sĩ GD tiếng Anh tại Đại học Canberra -Úc năm 1990, và bằng Tiến sĩ QLGD tại Đại học Pennsylvania – Hoa Kỳ năm 1998. Quan tâm chính của ông là dạy – học tiếng nước ngoài, và các vấn đề về quản lý giáo dục: chiến lược, chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện. |
Xuân Phương