(ĐHVO). Ngày 5/6/2024, Ban lãnh đạo Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải và đại diện Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) và Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội đã tổ chức buổi họp chia sẻ thông tin về sự phát triển giao thông tiếp cận với người khuyết tật.
Đến dự buổi họp có TS. Khuất Việt Hùng – Viện trưởng đại diện Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; ông Đặng Văn Thanh – Phó chủ tịch thường trực đại diện Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam.
Hình ảnh buổi họp
Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong đời sống sinh hoạt của Người khuyết tật, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản quy định pháp luật hỗ trợ việc tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật. Cụ thể, người khuyết tật đang được hưởng chính sách miễn, giảm từ 25% đến 100% giá vé khi tham gia giao thông công cộng đường bộ, 30% giá vé đi tàu hỏa. Năm 2023, có 142,964 lượt người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ và 5,108 lượt hành khách khuyết tật được giảm giá vé tàu. Nhân viên tại các ga đường sắt trên cao, tuyến BRT tại Hà Nội, hãng xe Vinbus được tập huấn kỹ năng hỗ trợ hành khách khuyết tật rất chuyên nghiệp. Gần nhất, năm 2023 nhằm góp phần thưc hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã nghiên cứu xây dựng Bộ Tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ.
Trên thực tế người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông. Về hạ tầng cơ sở, nhiều điểm chờ xe buýt chưa có đường dốc cho người đi xe lăn lên xuống và biển chỉ dẫn bằng âm thanh thông báo cho người khuyết tật nhìn. Tại các nút giao thông còn thiếu nút bấm sang đường dành cho người khuyết tật, hoặc nơi có nút bấm này lại để quá cao đối với người đi xe lăn. Về phương tiện đi lại, hầu hết các xe buýt đang lưu hành không có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật vận động (sử dụng xe lăn). Về chính sách, NKT gặp khó khăn trong việc đề nghị cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là người khuyết tật nghe nói.
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại đối với người khuyết tật trong khi tham gia giao thông, đại diện của người khuyết tật đã đưa ra 9 đề xuất tới Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng, trong đó nhấn mạnh: Nhà nước và các tổ chức của người khuyết tật cần giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách giao thông đối với người khuyết tật nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người khuyết tật khi tham gia giao thông và thực hiện Luật Người khuyết tật, Chỉ thị 39 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật.
Đại điện Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, TS. Khuất Việt Hùng, Viện trưởng, đã tiếp nhận những kiến nghị của đại diện người khuyết tật và hứa sẽ chuyển tới Ban lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu có những giải pháp sau đó. Ông cũng đề nghị VFD tổ chức các đợt khảo sát về giao thông đối với người khuyết tật ở các địa phương và đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật. Viện sẽ trợ giúp VFD về mặt kỹ thuật. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh VFD cần gửi thư khuyến nghị này tới Ban Bí thư để hiện thực hóa Chỉ thị 39 trong lĩnh vực giao thông đối với người khuyết tật.
Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí vui vẻ và hợp tác.
PV