Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

(ĐHVO). Ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, mạng xã hội bắt đầu xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng, dần trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội đưa đến cả tác động tích cực và tiêu cực, bên cạnh những lợi ích không nhỏ là những hệ lụy khôn lường nếu không biết cách sử dụng, quản lý.

     Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng xã hội để gia tăng các phương thức tinh vi, thủ đoạn nguy hiểm nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Do vậy, nâng cao hiệu quả đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là vấn đề cấp thiết.

1.Mạng xã hội và nhận diện quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội

Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến được xây dựng giúp cho mọi người có thể kết nối và tạo dựng mối quan hệ với nhau. Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội trên nhiều phương tiện: máy tính, điện thoại, máy tính bảng,… rất tiện lợi. Mỗi hình thức sẽ mang một màu sắc và ứng dụng khác nhau.

Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người, vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam. Các mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng sức mạnh lan truyền của mạng xã hội như một phương tiện truyền thông đắc lực để đăng tải thông tin xấu độc, tán phát trên mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng – sai, thật – giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: Kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi-rút…; thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đe dọa an ninh quốc gia… đây chính là những con sâu, những mầm mống u nhọt mà chúng ta cần tập trung loại bỏ.

Các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền các luận điệu nhằm ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Chúng tuyên truyền rằng chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội cuối cùng của lịch sử loài người, hiện nay chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là một xã hội áp bức, bóc lột nữa. Đồng thời, chúng cho rằng con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn là “mù mờ”, là “không tưởng”, hoặc cho rằng “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”. Chúng cố tình tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; đối lập một cách sai lầm chủ quyền dân tộc với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền luận điệu thù địch cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ý thức hệ cao hơn chủ quyền dân tộc”…

Thông qua việc phát tán các ấn phẩm, tài liệu sách, báo, băng hình trên các phương tiện thông tin, trên các trang mạng xã hội,… nhằm xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng còn đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Chúng vin vào một số khuyết điểm, , sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm cho cách mạng nước ta có lúc gặp khó khăn, đẩy mạnh tuyên truyền các luận điệu nhằm bôi xấu, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các thế lực thù địch đã và đang điều chỉnh một số vấn đề về chủ trương, giải pháp sử dụng các thủ đoạn “mềm, ngầm, sâu, điểm”, mở rộng địa bàn hoạt động, nhất là các địa bàn trọng yếu; tích cực móc nối, liên kết các nhóm, tổ chức phản động và tìm mọi cách xâm nhập vào nội bộ ta (nhất là các cơ quan lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể) nhằm tạo dựng “ngọn cờ” chuẩn bị thời cơ gây bạo loạn, ly khai ở một số vùng hoặc nhiều vùng có tính chất độc lập để chia cắt nước ta, hy vọng tạo dựng nhà nước “tự do”, “độc lập” chịu sự chi phối của bên ngoài,… Phương thức chống phá của các thế lực thù địch hết sức đa dạng, có lúc lợi dụng sự công khai của báo chí, truyền thông, lợi dụng sự tự do tư tưởng; có lúc ngụy trang dưới nhiều hình thức, vỏ bọc tinh vi, đặc biệt là chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội.

2.Quan điểm, tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam về sử dụng mạng xã hội

Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của mạng xã hội và cả những hiểm họa từ mặt trái của chúng, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển mạng xã hội, đồng thời có những biện pháp để mạng xã hội không trở thành nơi các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, tiến hành các hoạt động chống phá. Cùng với việc tăng cường công tác đấu tranh tư tưởng nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác đấu tranh tư tưởng trên mạng xã hội. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”[1]. Ở đây, bên cạnh việc tăng cường đấu tranh tư tưởng trên những phương tiện, không gian truyền thống, Đảng đã nhấn mạnh cuộc đấu tranh trên mạng Internet.

Ngày 12/6/2018, Luật An ninh mạng được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đồng thời khẳng định các chính sách của Nhà nước về an ninh mạng nói chung. Tại Điều 3 Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, trong đó Nhà nước đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng bao gồm cả việc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tiếp đó, ngày 04-6-2019, Ban Bí
thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 53-KL/TW về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Đây là hai văn bản có ý nghĩa chỉ đạo trực tiếp đối với công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trên mạng Internet, làm cơ sở cho các hoạt động đấu tranh, phê phán, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận.

Chủ đề của Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2].   Do đó, tăng cường đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin và tài liệu có nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Hệ thống tuyên giáo Đảng là một bộ phận cấu thành trong hệ thống tổ chức của Đảng, trực tiếp góp phần thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, cần tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Thực tiễn sôi động và phức tạp của đời sống xã hội trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên giáo. Đây là một trong những vũ khí sắc bén chống lại âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội. Cần quản lý mạng xã hội như một công cụ thể hiện quyền tự do của con người song tuyệt đối không để các thế lực phản động lợi dụng xuyên tạc, tiến hành các hoạt động chống phá chế độ.

3.Những vấn đề đặt ra và giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng

Thứ nhất, hoạt động của các trang mạng trong đấu tranh về tư tưởng lý luận của nước ta còn đơn điệu, chậm đổi mới đang mâu thuẫn với hoạt động tinh vi, xảo quyệt của các trang mạng của các thế lực phản động. Hình thức hoạt động chủ yếu là đăng tải và chia sẻ các bài viết có sẵn trên mạng. Điều đó dẫn đến một hệ quả là số lượng các bài viết được đăng tải nhiều, nhưng nội dung phê phán, đấu tranh còn hạn chế. Trong khi đó, các trang mạng của các thế lực thù địch lại hoạt động tinh vi, xảo quyệt, đa dạng. Có trang công khai đối lập về lập trường chính trị với Việt Nam như: www.doithoai.com, “Đối thoại – Diễn đàn đối lập với Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam”; “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, có trang hoạt động dưới hình thức đăng tải các thông tin như: “Đơn thư kiến nghị”, “Ý kiến
đóng góp”.

Thứ hai, chưa có sự kết nối, liên thông giữa các trang mạng với các blog, mạng xã hội… vì vậy, sức lan tỏa còn thấp, hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn còn hạn chế.. Điều này đã làm cho công tác đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng của Đảng trên mạng Internet hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, phương thức hoạt động của các trang này còn thụ động, đơn điệu, mới chỉ chủ yếu thu hút và đăng tải các bài viết có nội dung đấu tranh, phê phán trên các trang mạng, chưa có các biện pháp, cách thức để thu hút sự truy cập của độc giả. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nhận định về tình hình đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch như sau: “… việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”[3]

Thứ  tư, chất lượng các bài viết tham gia đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái về tư tưởng lý luận trên các trang mạng, blog còn khá khiêm tốn; chưa có nhiều bài viết phê phán có tầm lý luận vượt trội, đưa ra được những lập luận sắc bén, những luận cứ xác đáng để bác bỏ, phủ định các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều bài viết mới chỉ thể hiện được nhiệt huyết trong công tác đấu tranh, phê phán, chưa thể hiện được sự sắc sảo trong lập luận.

Giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng,  cần thực hiện tốt một vài giải pháp chủ yếu sau góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, trước hết là trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng.

Hai là: Bổ sung, hoàn thiện nội dung, đổi mới phương thức tuyên truyền  đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Nội dung đấu tranh phong phú, hình thức đa dạng, biện pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp thì hiệu quả mới cao. Đổi mới nội dung tuyên truyền đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại….trên mạng xã hội, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống, định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ một cách thiết thực, sâu rộng, có tính thuyết phục cao, qua đó nâng cao khả năng đề kháng và phản bác của người dân trước những thông tin sai trái, thù địch.

Ba là, thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ (bảo vệ tốt thông tin cá nhân; kỹ thuật phát tán thông tin trên không gian mạng; kỹ thuật phân tích điều tra,…), tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng…

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái trên internet, phải thể hiện là một người sử dụng mạng xã hội thông minh, dứt khoát không ấn thích, không bình luận, không chia sẻ những thông tin không rõ nguồn gốc, không chính thống, không xác định là đúng hay sai…. Đồng thời, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên đắc lực, thể hiện rõ quan điểm, thái độ đúng đắn, có những bình luận, chia sẻ, phân tích, tuyên truyền những thông tin chính thống, phản bác những thông tin, bài viết, hình ảnh, video sai lệch, phản động.. để quần chúng nhân dân làm theo. Đầu tư trang thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các cơ quan chức năng giám sát thông tin trên không gian mạng một cách tự động, toàn diện, kịp thời.

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ thông tin và Truyền thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh bị vi phạm, hay vô tình bị lợi dụng, tiếp tay cho những thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, phản ánh, giám sát, phản biện của báo chí, truyền thanh cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trong công tác này.

Các hình thức giáo dục cần được vận dụng đa dạng, phong phú và linh hoạt như: phối hợp giữa cơ quan chức năng với các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật; tuyên tuyền Luật An ninh mạng; các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin; góp ý xây dựng chương trình giáo dục an toàn thông tin mạng của các cơ sở giáo dục hoặc tham gia biên soạn các tài liệu liên quan đến an toàn thông tin mạng.

Kết luận: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam là phải phải tỉnh táo, sáng suốt nhận biết thông tin nào là đúng, chính xác, thông tin nào là giả, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tránh bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng để lôi kéo, kích động người dân hướng theo ý đồ xấu độc của chúng. Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tài liệu tham khảo

1.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011.

2.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Chính trị quốc gia, H.2016.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.148.

[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.1. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.57..

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.23.

 

Bài viết liên quan

bìa

Đảng ủy khối Doanh nghiệp quận Hoàng Mai tổ chức thăm hỏi và tri ân nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ

Picture1

Phạm Quỳnh Anh nữ sinh quê Nam Định đạt điểm 10 môn Ngữ văn: “Thất bại lớn nhất là sợ thất bại”

58

Giám đốc Công an Nam Định thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ 

57

Hồ Chí Minh: Có 8.927 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội

55

Nam Định ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

52

Gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm, Ngày giải phóng thành phố Nam Định

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang