55 NĂM ĐOÀN KẾT, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU VÌ SỰ BÌNH ĐẲNG, TIẾN BỘ VÀ HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI MÙ

(ĐHVO). Vào những ngày tháng tư lịch sử, nhân dân cả nước đang tưng bừng kỉ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024); 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024); kỉ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), người khuyết tật tiếp tục khẳng định ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng.

Hòa trong niềm vui chung ấy, cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam vô cùng phấn khởi, tự hào đón mừng tổ chức Hội tròn 55 tuổi. Sự ra đời của Hội là một dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù. Nửa thế kỉ qua, Hội đã thực sự là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của người mù cả nước.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam đọc diễn văn nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Thành lập Hội

       Nhớ lại 55 năm về trước, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra gay go, ác liệt, ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam đã được thành lập. Là tổ chức của người khuyết tật nặng lại ra đời giữa lúc chiến tranh; ngày đầu thành lập với chỉ gần 100 hội viên đại diện cho các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Hà Tây cũ, cơ sở vật chất và kinh phí hầu như không có. Trước muôn vàn trở ngại, cán bộ Hội vẫn không nản chí, thận trọng, cân nhắc từng bước đi. Tháng 6/1969, Bộ Nội vụ thông báo với Hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đang yếu mệt nhưng đã gửi lời thăm hỏi, động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù. Hội đã gửi báo cáo lên Bác, đồng thời, xin phép Bác lấy lời dạy: “Tàn nhưng không phế” – lời dạy của Người khi đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt đêm giao thừa Tết Bính Thân năm 1956, làm phương châm hoạt động và được Bác đồng ý. Từ đó, lời dạy thiêng liêng ấy luôn đọng mãi trong trái tim và thôi thúc mỗi cán bộ, hội viên phấn đấu vươn lên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và hòa nhập cộng đồng. Hội xác định phương châm hành động là: Tự thân vận động, sự nghiệp của Hội phải do cán bộ, hội viên xây dựng nên; từ không đến có, từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự đứng vững trên đôi chân của mình, đồng thời, tuyên truyền để các ban ngành và cộng đồng xích lại gần hơn, chung tay góp sức cùng Hội chăm lo, giúp đỡ người mù. Về phương thức hoạt động, Hội xác định lấy con đường văn hóa, mở các lớp học chữ, học nghề để tập hợp hội viên tiến tới thành lập các tổ chức cơ sở, lấy lao động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống người mù. Từ năm 1986, trước sự đổi mới, hội nhập mạnh mẽ của đất nước, Hội đã nhanh chóng thay đổi cả tư duy và hành động. Hội xác định phương thức hoạt động là: đoàn kết, đổi mới, dân chủ, hội nhập, gắn hoạt động Hội với các chương trình của nhà nước và tăng cường xã hội hóa các mặt công tác. Các cuộc vận động và chương trình như: “Tuần lễ chăm sóc người mù” (1990), “Năm xóa mù chữ cho người mù” (1991), “Năm việc làm cho người mù” (1992), “ Củng cố và phát triển tổ chức” (1993); cuộc vận động “Xóa đói giảm nghèo” (1999), cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” (2007), Chương trình Hành động “Việc làm, xóa đói giảm nghèo” (2008) chuyển thành Chương trình Hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững” (2018), cuộc vận động “Cải cách hành chính” (2016) kết hợp đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các cuộc vận động, các chương trình của nhà nước, của địa phương đã phát huy hiệu quả, tạo động lực đưa tổ chức Hội vượt qua những khó khăn, từ buổi đầu bước vào nền kinh tế thị trường, hay thời gian diễn ra đại dịch COVID – 19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu…, để từng bước phát triển cả bề rộng, chiều sâu và thu được những kết quả vô cùng to lớn.

       Về tổ chức, cán bộ Hội đã không ngại gian khổ, đưa người mù đến với Hội ngay cả trong thời kì chiến tranh ác liệt. Trải qua hơn 9 nhiệm kì, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 58 tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 4 đơn vị là thành viên liên kết); 426 quận, huyện hội; 532 hội cấp xã, phường; 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên. Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc TW Hội cùng hàng chục trung tâm của các tỉnh, thành hội cũng lần lượt ra đời, đóng góp quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội. Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên dần được phát triển trong các cấp hội, góp phần đẩy mạnh các phong trào hoạt động. Hội vừa là cánh tay vươn dài, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hội viên, vừa làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, là thành viên tích cực của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.

       Trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, thời kì đầu, Hội phải chọn những nghề nặng nhọc, ít người làm, thu nhập thấp, phải huy động vốn và địa điểm từ hội viên. Từ những cố gắng trong công tác lựa chọn, dạy nghề phù hợp và tổ chức lao động sản xuất, đến nay, Hội đang quản lí 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4000 lao động từ các mặt hàng thủ công mĩ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt… Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động ngày càng tăng. Có đơn vị đã có hàng thủ công xuất khẩu. Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992 đến nay, Hội đang quản lí số vốn vay hơn 52,609 tỉ đồng theo kênh Trung ương và 18,76 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao.

       Cùng với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, Hội còn vận động sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp, trao quà trị giá hàng trăm tỉ đồng cho người mù nghèo, ốm đau, hoạn nạn hay khi tết đến xuân về. Nhiều người mù còn được mổ mắt trả lại ánh sáng. Hội cũng luôn động viên người mù thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn nét đẹp văn hóa. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng về biển đảo, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bão lụt… cũng luôn thu được những kết quả tích cực.

       Công tác phụ nữ, trẻ em được Hội triển khai có hiệu quả. Hội viên nữ và trẻ em mù được quan tâm trên tất cả các lĩnh vực hoạt động Hội mà chị em và các cháu có thể tham gia. Cùng với các chương trình tặng quà, trợ cấp khó khăn, các buổi gặp mặt, giao lưu, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, hội thi… đã giúp chị em và các cháu có thêm kiến thức, kĩ năng, tự tin thể hiện khả năng, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với tổ chức Hội và cộng đồng. Chương trình Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở, bên cạnh nguồn vận động xã hội hóa còn có sự đóng góp, sẻ chia của cán bộ, hội viên trong Hội để xây dựng những ngôi nhà vững chắc, an toàn, ấm áp, tạo nên một hình ảnh đẹp, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương trong tổ chức Hội. Thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, phụ nữ, trẻ em và những người mù khó khăn luôn được sống ấm áp trong vòng tay yêu thương của Hội và cả cộng đồng.

       Về đời sống văn hóa, tinh thần, những ngày đầu, 95 % người mù không biết chữ, cuộc sống đầy mặc cảm, tự ti. Hội vẫn luôn kiên trì với phương thức dùng con đường văn hóa để tập hợp hội viên, Hội đã mở các lớp dạy chữ Braille và dạy nghề ngay cả khi phải sơ tán về nông thôn với điều kiện vô cùng thiếu thốn. Nhờ những nỗ lực của Hội trong việc đào tạo giáo viên, sản xuất học cụ, xây dựng giáo trình, tài liệu, tổ chức lớp học, phối hợp với ngành giáo dục quan tâm, tạo điều kiện cho người mù tham gia học tập. Đến nay, hàng chục ngàn người đã đọc thông, viết thạo, gần 800 hội viên trẻ có trình độ đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông. Chương trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin được Hội triển khai từ năm 2002 đã góp phần tích cực nâng cao dân trí cho hội viên và năng lực làm việc của các cấp hội. Đến nay, hàng chục nghìn cán bộ, hội viên đã coi máy vi tính, điện thoại thông minh là phương tiện không thể thiếu được trong học tập, công tác và cuộc sống.

        Về lĩnh vực tuyên truyền, từ Bản tin đầu tiên ra đời năm 1970, Tạp chí Đời Mới của Hội đã trở thành tạp chí chính thức trong hệ thống báo chí quốc gia. Với các loại hình của Tạp chí: chữ Braille, phát thanh, chữ quốc ngữ, cùng Cổng thông tin điện tử, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam, các tập nội san, trang Facebook, Fanpage, kênh Youtube của các đơn vị và hàng nghìn tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã góp phần mang lại thông tin, kiến thức, nối vòng tay yêu thương và thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội, đồng thời, lan tỏa những tấm gương người khiếm thị giàu ý chí, nghị lực tới cộng đồng. Hàng triệu trang in, hàng trăm tủ sách chữ Braille, sách nói cùng nhiều loại hình câu lạc bộ và hàng ngàn chiếc radio, máy nghe MP3, điện thoại thông minh, máy vi tính được Hội trao tặng đã giúp hội viên đến với nguồn tri thức phong phú, bổ ích. Hàng trăm giải thưởng tại liên hoan “Tiếng hát từ trái tim”; các cuộc thi tay nghề, thi viết, thi kể chuyện… của Hội và các hội thi, hội diễn do các ban ngành, đoàn thể tổ chức cùng với hàng trăm tấm huy chương tại Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc và Para Games đã nói lên sự cố gắng của Hội; sự quyết tâm vươn lên chiến thắng tật nguyền của cán bộ, hội viên, khơi dậy niềm lạc quan và những giá trị tích cực trong cộng đồng xã hội.

       Cùng với những mặt hoạt động nêu trên, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Hội đã hết sức quan tâm đến công tác đối ngoại. Trở thành thành viên của Hiệp hội Người mù thế giới năm 1988, Hội ngày càng mở rộng vòng tay cùng bạn bè đồng tật khắp năm châu. Đến nay, Hội đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và các kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Anh, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hội Người mù các nước: Liên Xô, Đức, Hội Tàn tật thị lực Thụy Điển, Hội Người mù và kém mắt Na Uy, Liên đoàn công dân mù Australia, cùng các tổ chức phi Chính phủ tại Hàn Quốc, Mĩ, Phần Lan…

        Với sự tích cực hưởng ứng, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động năm 2019 đã mang đến hơn 28.650 cây gậy trắng cho người mù trong cả nước cùng nhiều lớp tập huấn sử dụng gậy được tổ chức, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chung tay cùng các cơ quan quản lí Nhà nước đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố năm 2023. Hội còn tích cực giúp đỡ Hội Người mù Lào về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và kinh nghiệm hoạt động; tích cực tham gia và đạt kết quả cao trong các cuộc thi quốc tế. Không chỉ tham dự và đóng góp ý kiến tại nhiều hội thảo, diễn đàn trong khu vực và thế giới, các sự kiện quốc tế lớn được Hội tổ chức thành công như: Chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” năm 2022, Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16 năm 2023 đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

       55 năm là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử dân tộc nhưng với Hội đó là cả một chặng đường phấn đấu gian khổ, bền bỉ vì hạnh phúc của người mù. Hội đã thật sự là mái nhà chung, giúp người mù trong cả nước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tạo nên một thế hệ người mù năng động, tự tin hòa nhập cộng đồng với nhiều tấm gương tiêu biểu. Họ là những học sinh, sinh viên xuất sắc, đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, đỗ thủ khoa đầu vào hay tốt nghiệp đại học, cao học. Họ là những hiệp sĩ công nghệ thông tin, nghệ sĩ ưu tú, cán bộ làm việc tại các cơ quan của Liên hợp quốc, giám đốc doanh nghiệp, MC truyền hình, giáo viên dạy Tiếng Anh cho hàng trăm em sáng mắt… Hội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích bằng 3 tấm huân chương độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, cùng hàng nghìn Huân chương lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Ban Đối Ngoại Trung ương, bằng khen của UBMTTQVN và các cấp, các ngành tặng cho tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên.

       Có được những kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên, những chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nói chung và sự quan tâm dành cho tổ chức Hội nói riêng đặc biệt là Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng khóa VI năm 1989 về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa XII năm 2019 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật được cụ thể hóa bằng các văn bản của Chính phủ, các bộ ban ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, nhân dân và bạn bè quốc tế luôn là điểm tựa để Hội đẩy lùi những khó khăn, từng bước trưởng thành cùng đất nước. Hội đã trao tặng hàng trăm bằng khen, kỉ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” để ghi nhận những đóng góp to lớn của các tập thể và cá nhân vì sự phát triển của Hội, sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của người mù trong suốt 55 năm qua.

        Nhân dịp này, từ trong sâu thẳm trái tim mỗi cán bộ, hội viên, Hội đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền, UBMTTQVN các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế cùng những tấm lòng nhân ái trong xã hội. Cùng với đó, trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ, hội viên qua các thời kì đã nhiệt tình, tâm huyết đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng ngôi nhà chung ấm áp cho người mù cả nước.

Càng tự hào về những thành tích đã đạt được, cán bộ, hội viên càng thấy hết trách nhiệm trên chặng đường sắp tới. Trong tình hình đất nước đổi mới và hội nhập, bên cạnh những thuận lợi, Hội cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: Hội chưa có tổ chức tại 5 tỉnh và hàng trăm huyện, thị; cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của các cấp Hội còn hạn chế; tỷ lệ hội viên nghèo còn cao, người mù còn gặp nhiều trở ngại trên con đường học tập, tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội… Những khó khăn đó đòi hỏi các cấp hội cần tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn hoạt động Hội với các chương trình của Nhà nước, của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động, giúp người mù phấn đấu vươn lên trong thời đại mới.

       Phấn khởi, tự hào qua những bước trưởng thành, nhận thức rõ trách nhiệm trên chặng đường sắp tới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tin tưởng rằng toàn thể cán bộ, hội viên sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung trí tuệ, công sức tiếp tục xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của nền kinh tế – xã hội nước nhà và hòa nhịp với phong trào chung của người mù, người khuyết tật trên toàn thế giới.

P.V

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top