Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, Chính quyền, địa phương và toàn xã hội, công tác giảm nghèo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, hộ nghèo, đặc biệt là tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội.
Theo Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái hiện có 39.721 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, tương ứng với tỷ lệ 18,07% và có 17.243 hộ cận nghèo, tương đương với tỷ lệ 7,85%. Từ kết quả rà soát đó, tỉnh Yên Bái đã xác định chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 là 4%.
So với các năm của giai đoạn trước, việc hoàn thành chỉ tiêu 4% của năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi năm 2022 là năm đầu thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới; việc ban hành các văn bản chính sách và bố trí nguồn lực thực hiện của các bộ, ngành Trung ương sẽ không thể kịp thời, đồng bộ ngay từ đầu năm, vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trong năm tới sẽ gặp những hạn chế, vướng mắc nhất định.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, Chính quyền, địa phương và toàn xã hội, công tác giảm nghèo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cùng với đó, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 có tính toàn diện hơn so với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Bởi vậy, để giúp các hộ thoát nghèo theo chuẩn mới, đòi hỏi phải có sự tác động về nhiều mặt để giúp họ vừa nâng cao thu nhập, vừa xóa được các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có một số thiếu hụt khó giải quyết như: thiếu hụt về dinh dưỡng; thiếu hụt về nhà ở…
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 25/02/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Yên Bái.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 đối với các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thuộc lĩnh vực lao động, xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thông qua hỗ trợ vay vốn qua hệ thống ngân hàng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay các nguồn tín dụng chính sách đối với 13.942 hộ gia đình với tổng doanh số cho vay trên 666,26 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó, số khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 5.678 hộ với tổng số vốn cho vay là 408,21 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã đóng hoặc hỗ trợ một phần kinh phí tham gia bảo hiểm y tế cho 392.223 đối tượng là người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn… với tổng kinh phí hỗ trợ là 312,7 tỷ đồng. Các địa phương đã hỗ trợ tiền điện cho 41.982 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí 13,948 tỷ đồng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh thuộc các cơ sở giáo dục tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, học sinh là người khuyết tật với tổng số 115.708 lượt học sinh, kinh phí thực hiện trên 128,58 tỷ đồng.
Về công tác hỗ trợ nhà ở, đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh đã huy động các nguồn kinh phí xã hội hoá để khởi công xây dựng 130 căn nhà cho hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ từ 35-50 triệu đồng/nhà. Đến nay đã hoàn thành 37 căn, đang thi công 93 căn. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi công 68 căn, đồng thời tiếp tục vận động để có thêm nguồn kinh phí triển khai làm nhà cho các hộ nghèo.
Để có thể thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực giảm nghèo năm 2022, thời gian tới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung vào việc xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo và kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.
Tiếp tục tiiển khai thực hiện tốt việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, làm cơ sở cho việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác giảm nghèo năm 2023 và giai đoạn 2023-2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội tại các địa phương để kịp thời phát hiện, khắc phục, chấn chỉnh các khó khăn, tồn tại, hạn chế từ cơ sở.
CHU LƯƠNG
Theo Báo Điện tử dân sinh