(ĐHVO). Truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật, giúp người khuyết tật nâng cao trình độ hiểu biết, hòa nhập đời sống xã hội.
Công nghệ hóa, hiện đại hóa là xu hướng phát triển của xã hội ngày nay. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng nâng cao. Con người ngày càng biết đáp ứng nhu cầu của mình và một trong những nhu cầu đó là nhu cầu tiếp cận, trao đổi thông tin. Theo đó, việc tiếp cận, trao đổi thông tin hiện nay đều thông qua truyền thông.
Truyền thông là gì? Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin. Là một kiểu tương tác xã hội trong đó có ít nhất hai hoặc nhiều cá nhân tương tác, chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay đổi, củng cố, phát triển nhận thức.
Phương thức truyền thông ngày nay phát triển đa dạng, nhiều hình thức khác nhau như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội (facebook, zalo),…
Truyền thông có giá trị, ý nghĩa vô cùng lớn. Truyền thông trở thành một công cụ, phương tiện giúp đưa các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, pháp luật đến người dân một cách nhanh nhất, hỗ trợ Nhà nước trong công tác quản lý, phổ biến pháp luật. Nhờ đó nâng cao nhận thức người dân, cải thiện được bộ máy nhà nước. Truyền thông cũng giúp mọi người có thể giải trí, học tập cách sống đẹp, là tiếng nói, phương tiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Giá trị của truyền thông đối với người khuyết tật
Đối với người khuyết tật, truyền thông còn có ý nghĩa giúp người khuyết tật hòa nhập với xã hội. Trước khi truyền thông xuất hiện và phổ biến rộng khắp, chúng ta không ai để ý, quan tâm đến người khuyết tật. Chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật rải rác mưu sinh trên các con đường, ngõ phố. Lấm lem, khó khăn trong cử chỉ, hành động, lời nói là những hình ảnh của họ. Bản thân người khuyết tật do bị kỳ thị cũng như không có điều kiện tiếp cận xã hội dần trở nên mặc cảm, thu mình, hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Không thể phủ nhận nhờ có truyền thông mà nhận thức, hành vi của xã hội đối với các vấn đề của người khuyết tật như những khó khăn, vất vả mà người khuyết tật đang gặp phải, thực tế sống của người khuyết tật trở lên khác đi. Truyền thông góp phần hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân tới cái nhìn tích cực, tôn trọng đối với người khuyết tật. Qua truyền thông, hình ảnh tích cực, tiêu biểu, vươn lên vượt khó của người khuyết tật được phổ biến, cập nhật. Người khuyết tật dần được nhìn nhận là những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng, năng lực, hoàn toàn có thể tự giúp mình có chỗ đứng trong xã hội, không phải phụ thuộc vào người khác, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Đặc biệt, sau khi Luật Người khuyết tật được ban hành, có hiệu lực pháp lý, nhờ có truyền thông mà người khuyết tật được biết quy định pháp luật, sự quan tâm của Nhà nước đối với toàn thể người khuyết tật nói chung và bản thân người khuyết tật nói riêng.
Truyền thông có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc truyền tải thông tin đến cộng đồng nói chung và người khuyết tật nói riêng. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó do đó truyền thông cần phải tuân thủ theo nguyên tắc: Phản ánh đúng sự thật thực tế, khách quan, có cái nhìn đa chiều đối với đề tài trong bài viết nói chung và người khuyết tật nói riêng. Bởi lẽ người khuyết tật là những người yếu thế trong xã hội, điều họ cần là xã hội nhìn nhận, cảm thông và tạo điều kiện để họ có thể được khẳng định bản thân, năng lực của mình chứ không phải để mọi người thương hại, ban ơn.
Nhật Linh