Xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhất định sẽ thất bại!

(ĐHVO). Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là một thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó thể hiện vai trò, bản lĩnh chính trị cũng như tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không ngừng phát tán những thông tin sai trái, xuyên tạc nhằm bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, nhận diện những quan điểm, thủ đoạn của chúng; đồng thời đấu tranh bằng những luận cứ khoa học, thực tiễn là yêu cầu không thể thiếu của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân ta.

1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử dân tộc ta có nhiều dấu mốc quan trọng, trong hàng dài những dấu ấn kỳ vĩ đó, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những cộc mốc vĩ đại nhất. Tuy nhiên, trên nhiều trang mạng xã hội, các phần tử chống đối, cơ hội chính trị đang phủ nhận, xuyên tạc những thành tựu vĩ đại này của nhân dân ta, chúng cho rằng Cách mạng tháng Tám thành công không phải do công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam (?). Bài viết này sẽ vạch trần những quan điểm sai trái đó, đồng thời cung cấp những luận cứ rõ ràng để đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ thành quả mà cha ông chúng ta đã xây dựng không chỉ bằng công sức mà cả xương máu. Từ đó, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào con đường phát triển của dân tộc ta được mở ra từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

2. Vai trò lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Đảng Cộng sản Việt Nam bị phủ nhận, xuyên tạc

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là một thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó thể hiện vai trò, bản lĩnh chính trị cũng như tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm cho nhà nghiên cứu lịch sử Pháp Charles Fourniau  phải khẳng định: “Cách mạng tháng Tám là tiêu biểu của thế kỷ XX”[1]. Với những ý nghĩa vĩ đại đó, Cách mạng tháng Tám được nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới ca ngợi. Tuy nhiên, vẫn đâu đó vẳng lên những tiếng nói lạc lõng, đơn điệu của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đánh giá về cuộc Cách mạng này, tổ chức khủng bố Việt Tân cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là nhờ vào may mắn từ hoàn cảnh lịch sử” (!), “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh” (!), thậm chí chúng cùng vào hùa với nhau để tung ra luận điệu: “Cách mạng Tháng Tám là do tinh thần dân tộc lãnh đạo”; “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều nước thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu của dân tộc là do Đảng Cộng sản gây ra” (!)[2]

Trong những ngày này, khi nhân dân cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm thành công của Cách mạng tháng Tám thì một số “nhà dân chủ”, “người việt nam yêu nước hải ngoại” như trang web “Chân Trời Mới Media”, đài RFA…đã lật lại lịch sử cho rằng: Sớm hay muộn Việt Nam cũng được các nước phương Tây công nhận độc lập theo trào lưu của các nước thuộc địa sau năm 1945. Theo chúng, nếu như không đi theo con đường những người cộng sản vạch ra mà bằng cách xin “chính quốc” trao trả độc lập thì Việt Nam vẫn có độc lập và tránh được chiến tranh, đi theo con đường của các nước tư bản để tới phồn vinh (!)[3]. Với thời đại công nghệ số hiện nay, những thông tin “lạ lẫm” này sẽ truyền bá rất nhanh vì đánh vào tâm lý tò mò của mỗi người. Mục đích của những thông tin giả mạo, xuyên tạc này rất rõ ràng: Chúng muốn phủ nhận, hạ thấp vai trò, công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước giai đoạn hiện nay, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Điều này đòi hòi chúng ta phải có những luận cứ khoa học sắc bén để đấu tranh quyết liệt với những thông tin sai trái, thù địch này.

3. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố hàng đầu, quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1/9/1858), Triều đình Nhà Nguyễn yếu đuối, đã không thể chống lại cuộc xâm lăng của thế lực ngoại bang, từng bước đầu hàng đế quốc. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam không cam chịu thân phận nô lệ, mất nước nên đã vùng lên đấu tranh để giải phóng quê hương, dù Triều đình ra sức ngăn cản. Phong trào Cần Vương (1885 – 1896), với cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo; Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), Khởi nghĩa Yên Bái (1930), phong trào đấu tranh của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…đã tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, dám đứng lên chống ngoại xâm của nhân dân ta. Tuy rằng các cuộc khởi nghĩa vũ trang, cải cách xã hội đều không thành công, bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu, nhưng đã chứng tỏ được tinh thần  yếu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. Các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng phong kiến và tư sản đã thất bại, khiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối chính trị để giải phóng đất nước. Yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một chính đảng với đường lối cách mạng đúng đắn, để có thể phá vỡ xiềng xích nô lệ, đưa Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới với tư cách một quốc gia độc lập.

Trước yêu cầu cấp thiết giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, với nhiệt huyết cứu nước, với nhãn quan chính trị sắc bén, vượt lên trên hạn chế của các bậc yêu nước đương thời, năm 1911, Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trải qua nhiều trải nhiệm thực tế, nghiên cứu lý luận, Người đã đi khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Đó là con đường theo Cách mạng Tháng Mười Nga – con đẻ của tư tưởng Lênin – sự vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác vào nước Nga, mở ra hướng đi đúng đắn không chỉ cho nước Nga mà còn cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam – một dân tộc cũng đang chịu cảnh nô dịch lầm than. Do đó, Người đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930).

Ngay khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố các văn kiện: “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “chương trình tóm tắt”…trong đó xác định rõ ràng nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[5]. Chống đế quốc và chống phong kiến là hai nhiệm vụ cơ bản để giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày và chống đế quốc, giành độc lập dân tộc được đặt ở vị trí hàng đầu. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Đảng phải đoàn kết được rộng rãi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, chỉ trừ những phần tử phản động, tay sai.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với hệ thống tổ chức thống nhất và Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đã ngay lập tức nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam. Trong những năm 1930-1931, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước, đặc biệt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đứng lên biểu tình, đấu tranh, xoá bỏ chính quyền địch, lập ra chính quyền Xô Viết với những chính sách tiến bộ, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Mặc dù, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố, đàn áp khốc liệt, hàng nghìn chiến sĩ cộng sản bị bắt, tù đày nhưng sự kiện này đã chứng tỏ được quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, đem lại cho đông đảo quần chúng nhân dân niềm tin vững chắc ở sức mạnh vĩ đại của chính mình.

Năm 1936, với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, Chủ nghĩa Phát xít lên cầm quyền ở nhiều nước, đe doạ nghiêm trọng nền hoà bình thế giới. Đảng đã nhanh chóng thay đổi đường lối đấu tranh với nhiệm vụ trước mắt là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình. Để thực hiện được nhiệm vụ, lực lượng cách mạng sẽ tập trung trong “Mặt trận nhân dân phản đế” bao gồm các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Hình thức hoạt động của Đảng cũng chuyển từ bí mật sang công khai, nửa công khai. Do vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc vận động dân chủ diễn ra trên quy mô rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú. Đây có thể coi như diễn tập lần thứ 2, chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách thống trị tàn bạo ở Đông Dương. Tình hình thế giới và Đông Dương biến chuyển căn bản. Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát động cao trào đấu tranh mới tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Các Hội nghị Trung ương Ðảng (11/1939), (11/1940) và nhất là Hội nghị Trung ương  tám (5/1941) đã đề ra những quan điểm và biện pháp cơ bản chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”[6]. Đảng cũng quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận được xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ và bao gồm các đoàn thể cứu quốc. Bên cạnh đó, Ðảng chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940), Ðảng chủ trương phát triển lực lượng vũ trang từ đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn-Vũ Nhai, xây dựng cứu quốc quân. Ngày 28/1/1941, Bác về nước và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Tại các căn cứ địa lực lượng chính trị của quần chúng tập hợp trong Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng lớn. Từ lực lượng chính trị đó phát triển lực lượng vũ trang. Những vấn đề về chính quyền, về kinh tế, xã hội cũng được đặt ra và thực hiện ở vùng căn cứ địa cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4/1945 các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tại Tân Trào (Tuyên Quang), Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945 quyết định: phải kịp thời phát động Tổng khởi nghĩa toàn quốc, phải giành chính quyền trước khi quân đồng minh kéo vào nước ta và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách, ban bố Quân lệnh số 1 ra lệnh khởi nghĩa. Khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ngắn Hội nghị và triệu tập ngay Quốc dân đại hội (16 và 17/8/1945), thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam như một Chính phủ lâm thời, làm lễ tuyên thệ, thông qua Quốc kỳ, Quốc ca. Quốc dân đại hội đã hoàn thành nhiệm vụ như một Quốc hội dân cử. Ngay sau Đại hội, Bác có thư kêu gọi toàn quốc đồng bào làm Tổng khởi nghĩa: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy. Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Với những quyết định lịch sử đó, toàn quốc đã nhất tề hành động: ngày 19/8, Hà Nội khởi nghĩa, ngày 23/8 ở Huế, ngày 25/8 ở Sài Gòn. Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập,Việt Nam tuyên bố độc lập; chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã bị lật nhào, chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân.

4. Kết luận

Xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc, quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, chúng ta có thể khẳng định rằng Cách mạng tháng Tám 1945 thành công rực rỡ là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, tập trung giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai; đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử và ý chí, nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng nhân dân.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công còn do Đảng đã tích cực xây dựng, chuẩn bị lực lượng về chính trị và quân sự, để khi thời cơ thuận lợi đến sẽ phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nếu không có lực lượng sẵn sàng, thì thời cơ có thuận lợi đến mấy cũng sẽ nhanh chóng bị bỏ qua. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này: “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập”[7]. Cách mạng Tháng Tám thành công đó là kết tinh của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng thời cơ và chớp thời cơ.

Do đó, những luận điểm xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận những thành tựu vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vô nghĩa, lạc lõng. Sự thật thì chỉ có một, các sự kiện lịch sử trọng đại không thể vì những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận của một số cá nhân mà mất đi giá trị đích thực của nó.

TS Lưu Ngọc Long

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (1995), toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội.

5. Học viện Chính trị Công an nhân dân (2021), Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

6. Tạ Thị Thuý (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 9 từ năm 1930 đến năm 1945, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội

 


[1] Tạ Thị Thuý (2017), Lịch sử Việt Nam, tập 9 từ năm 1930 đến năm 1945, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội; tr.725

[2] Học viện Chính trị Công an nhân dân (2021), Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội; tr.357

[3] Học viện Chính trị Công an nhân dân (2021), Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội; tr.357

[4] Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội; tr.603

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.2

[6] Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội; tr.230

[7] Hồ Chí Minh (2011), toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội; tr.595

 

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang