(ĐHVO). Nhà nước luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về kinh tế, văn hóa, chính trị…. Để sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế người khuyết tật vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng, với xã hội bởi phần lớn còn bị phân biệt, kì thị. Vậy, pháp luật quy định như thế nào đối với những hành vi phân biệt, đối xử với người khuyết tật.
TS-LS Nguyễn Hồng Thái – Đại diện Ban Cố vấn pháp luật của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết:
Pháp luật nghiêm cấm hành vi kì thị, phân biệt đối xử với Người khuyết tật
Hành vi kì thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật được giải thích cụ thể tại Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 như sau:
– Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
– Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
Pháp luật cũng quy định rõ: “Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (Khoản 1 Điều 14 Luật Người khuyết tật).
Người khuyết tật có quyền con người, quyền cơ bản của công dân, được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội mà không phải chịu bất kì sự kì thị, phân biệt đối xử nào.
Chính vì pháp luật đã có định nghĩa cụ thể thế nào là kì thị, là phân biệt đối xử với Người khuyết tật cũng như nghiêm cấm hành vi kì thị, phân biệt đối xử với Người khuyết tật nên người nào có thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng, có hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ bang, có thành kiến, hạn chế quyền của người khuyết tật thì đều vi phạm quy định pháp luật Người khuyết tật và sẽ phải chịu hình phạt tùy theo mức độ vi phạm của mình.
Ảnh (Internet)
Hành vi kì thị, phân biệt đối xử với Người khuyết tật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ – CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định:
“Điều 9. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;”
Như vậy, với mỗi cá nhân có hành vi kì thị, phân biệt đối xử với Người khuyết tật thì có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đống. Mức phạt đối với tổ chức bằng 02 (hai) lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Sinh ra không được bình thường như bao người khác, đây đã là một sự thiệt thòi lớn nhất đối với người khuyết tật. Họ đã phải mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn trong sinh hoạt để hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, dù có lạc quan, có mạnh mẽ, ý chí vượt qua số phận có lớn đến đâu cũng không thể thắng lại được những rèm pha, kì thị và phân biệt của xã hội. Pháp luật đã có quy định nghiêm cấm và đã có những quy định cụ thể xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn rất thờ ơ, vẫn kì thị, phân biệt đối xử với Người khuyết tật và cũng không ít những trường hợp Người khuyết tật bị từ chối cung cấp dịch vụ. Do đó, xét thấy cần thấy phải có sự sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật với chế tài xử phạt vi phạm nặng hơn để hạn chế hành vi vi phạm. Đồng thời, mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội nâng cao tuyên truyền, giáo dục ý thức để mỗi người khuyết tật được sống đúng một cuộc đời có ý nghĩa.
Công Năng