(ĐHVO) Trong không khí âm u của Sài Gòn những ngày dịch, bên hông công viên Phú Lâm, đường An Dương Vương, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, một cụ già khoảng 70 – 80 tuổi ngồi lủi thủi cạnh những mâm hoa quả của mình.
Sài Gòn vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội nên không có nhiều người ra đường, lại thêm thời tiết âm u lại càng khiến cho thành phố vốn nhộn nhịp này trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Trong không gian ấy, ở một góc đường An Dương Vương, có một bà lão vẫn đang cố gẵng vẫy gọi, mời khách mua trái cây cho mình. Có lẽ do dịch bệnh, ai cũng bận rộn, vội vã với công việc riêng của mình, nên chẳng ai buồn ghé lại, bà chẳng bán được quả nào. Đôi lúc, bà lại lấy ra một chiếc khăn tay, lén lau những giọt nước đang trào ra nơi khóe mắt.
Hằng ngày, bà vẫn bày hàng ra bán nơi góc phố để kiếm tiền chữa bệnh cho con
(Ảnh: Facebook)
Được biết, con trai bà lại bệnh nặng và phải nhập viện. Vì thế, nên người mẹ già ấy dù tóc đã bạc, chân đã run, vẫn hằng ngày bày hàng bán ở nơi góc phố ấy để kiếm thêm tiền lo chạy chữa bệnh cho con. Mỗi ngày, bà chỉ mong bán được hết hàng, để kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy. Vào những ngày thường, có lẽ còn có đông người ghé mua một hai cân quýt, cân na. Nhưng mùa dịch bệnh, ai cũng bận rộn với cuộc sống mưu sinh, không còn thời gian để ý đến người bán hoa quả nơi góc phố này nữa nên bà không bán được nhiều. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng thêm khắc nghiệt.
Đây là câu chuyện mà phóng viên ĐHVO vô tình đọc được trên mạng xã hội Facebook. Theo thông tin được chia sẻ, hằng ngày cụ bà vẫn bày bán hàng từ sáng sớm đến khoảng 2 giờ chiều bên hông Công viên Phú Lâm, đường An Dương Vương, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ câu chuyện với bạn đọc, phóng viên ĐHVO mong rằng nếu độc giả có vô tình đi qua nơi đó và trông thấy bà thì có thể ghé lại ủng hộ bà ít nhiều. Thay cho lời kết, ĐHVO xin trích lại những vần thơ khá hay của một tác giả giấu tên:
“Hồng xiêm, cam, quýt, na, xoài
Có đủ đánh đổi mệt nhoài mẹ mang
Sáng, trưa, chiều, tối ngồi lang
Tất cả chữa bệnh con mang trong người
Cảm ơn mẹ đến bên đời
Kiếp này con gói gọn lời cảm ơn.”
Công Năng