Nuôi hy vọng ở lần sinh thứ 2 sẽ cho ra đời đứa con khỏe mạnh, nhưng không ngờ bất hạnh tiếp tục đeo bám đôi vợ chồng trẻ khi cậu con trai thứ 2 cũng mang đôi mắt tật nguyền. Tương lai trở nên mù mịt khi kinh tế gia đình đã cạn kiệt và những tia sáng cuối cùng của 2 anh em Thắng và Nam đang dần tắt.
Khóc cạn nước mắt vì đôi mắt của con
Sống trong căn nhà cấp 4 vẻn vẹn 15m2 ở xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), gia cảnh anh Vũ Hữu Đạt (SN 1982) và chị Phạm Thị Tuyến (SN 1989) được coi là trường hợp quá đặc biệt khi sinh hạ được 2 cậu con trai thì cả 2 đều bị tật nguyền ở mắt.
Đôi mắt của bé Thắng bị giảm thị lực
Chồng làm thợ xây, thu nhập thất thường; vợ làm công nhân nhà máy lương 3 cọc 3 đồng…, kinh tế gia đình chỉ đủ 4 miệng ăn và lo thuốc men cho con. Ban ngày, anh Đạt đi làm thợ xây thuê cho người ta, chị Tuyến đi làm công nhân nhà máy. Chiều về, anh lại làm thợ xây còn chị làm thợ phụ, xây chính căn nhà của mình. Đến ngày đổ mái căn nhà 15m2, bạn bè thương tình kéo nhau tới phụ giúp không công.
Năm 2006, sinh con trai đầu lòng Vũ Hữu Thắng, thấy con khỏe mạnh, nặng hơn 3kg, cả 2 anh chị đều mừng vui. Năm Thắng lên 3 tuổi, thấy con có những biểu hiện bất thường, nhìn vật gì cũng phải ghé sát mắt để quan sát, chị Tuyến sinh nghi và đưa con đi khám.
Nhận kết quả và nghe bác sĩ trực tiếp giải thích, hai vợ chồng chị Tuyến như chết lặng vì mắt phải của con bị đục, riêng mắt trái bị lệch thủy tinh thể, được chỉ định mổ thay thủy tinh thể cả hai mắt. Ái ngại hơn, bác sĩ còn khuyên bảo anh chị không nên sinh thêm con.
Năm Thắng lên 9 tuổi, thấy con kêu đau nhức mắt, lúc nào cũng phải nghếch mắt lên mới nhìn được, chị Tuyến lại đưa con tái khám. Lần này, bác sĩ kiểm tra và thông báo, mắt trái của Thắng bị bong võng mạc, gây mù vĩnh viễn. Còn mắt phải bị treo thủy tinh thể, lệch vào trong buồng dịch kính. Một tháng sau, Thắng buộc phải cắt dịch kính, thay thủy tinh thể lần thứ 2.
Cũng khoảng thời gian này, Thắng tỏ ra nghe kém, cháu phải vừa nghe vừa nhìn vào khẩu hình của người đối diện để đoán xem họ nói gì. Vợ chồng anh Đạt vội đưa con đi bệnh viện và rồi lại điếng người khi hay tin Thắng bị nghễnh ngãng, khả năng nghe chỉ còn được 20%. Bảo hiểm có nhưng không thể chi trả toàn bộ, anh chị lại vay mượn, dồn tiền để mua cho con một cặp máy trợ thính trị giá 32 triệu đồng. Thu nhập từ những đồng lương công nhân, làm thuê vốn đã thấp, lại thường xuyên phải nghỉ làm để đưa con đi khám, chữa mắt… khiến cho anh chị kiệt quệ.
Nhìn con, mường tượng về tương lai phía trước, hai vợ chồng chị Tuyến không biết bao đêm thức trắng, khóc cạn, nén lòng, quặn thắt thương con.
Có thể đây là trung thu cuối cùng con nhìn thấy ánh trăng
Vẫn nhớ lời bác sĩ khuyên không nên sinh thêm con, nhưng chị Tuyến thầm nuôi hy vọng sẽ đẻ được một đứa con khỏe mạnh, lành lặn. Tháng 7/2016, cháu Vũ Bảo Nam chào đời trong niềm hy vọng lớn lao của cả gia đình. Nhưng nỗi bất hạnh tiếp tục đeo bám khi bé Nam được 2 tuổi, đôi mắt có những biểu hiện lặp lại như của anh trai Vũ Hữu Thắng. Một lần nữa, anh chị lại tất tả đưa Nam đi khám và được chẩn đoán tình trạng bệnh của Nam giống như của anh trai. Theo đó, bác sĩ đã chỉ định mổ mắt cho bé Nam đúng như những gì mà bé Thắng đã trải qua.
Đôi mắt bé Nam cũng được chẩn đoán tình trạng bệnh giống mắt của anh trai
Khó khăn chồng chất khó khăn, bất hạnh đeo bám đôi vợ chồng nghèo có lúc tưởng không thể vượt qua. Gia cảnh nội ngoại đều làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn, người thì bị bại não, người thần kinh do tai nạn nên gần như không ai trợ giúp được anh chị. Bản thân ông nội 2 bé cũng là người khuyết tật bẩm sinh, không nghe, không nói được.
Tháng 7/2019, theo lịch hẹn của bác sĩ, cả hai con của chị Tuyến, anh Đạt đã nhập viện trở lại để phẫu thuật mắt lần thứ 3. Cụ thể, bé Thắng phải phẫu thuật cứu con mắt còn lại dù thị lực hiện nay của cháu cũng chỉ đạt 1/10. Còn bé Nam, do cả 2 con mắt của cháu bị lệch thủy tinh thể bẩm sinh chui sâu vào trong vùng dịch kính nên bác sĩ phải phẫu thuật tách đồng tử bị dính bít, tạo hình đồng tử tròn bên mắt phải. Dù không dám nói ra, nhưng vợ chồng chị Tuyến đều canh cánh nỗi lo ” Chỉ vài tuổi nữa, bé Nam cũng sẽ như anh Thắng, đôi tai lại có vấn đề …”.
Những khoản nợ vay mượn chữa trị cho con mỗi lúc một lớn dần, bạn bè người thân ai cũng thương đôi vợ chồng và 2 đứa trẻ. Không muốn con bị lạc lõng giữa đời, chị Tuyến và anh Đạt đã cần mẫn gửi con theo học ngôi trường gần nhà. Vì thị lực và thính lực của Thắng đều kém nên đến trường, cháu phải đeo máy trợ thính. Vì lẽ đó, Thắng luôn mang tâm lý e ngại, xấu hổ với bạn bè, ít giao tiếp và thu mình hơn.
Chị Tuyến tâm tư: “Cũng muốn sắm cho con máy trợ thính gắn sâu trong ốc tai cho thẩm mỹ nhưng nhiều tiền quá. Rồi chi phí phẫu thuật phục hồi chức năng nghe đạt 50% cho Thắng cũng tầm 300 triệu, quả là quá xa vời với chúng tôi”.
Hai con của chị Tuyến, anh Đạt bên ngồi nhà cấp 4 cũ kỹ, dột nát
Chị Tuyến nghẹn giọng, chia sẻ: “Tuy bác sĩ không nói thẳng, nhưng chúng tôi hiểu, thị lực 1/10 của Thắng sẽ chẳng còn giữ được bao lâu nữa. Bác sĩ cũng tư vấn gửi Thắng vào trường khuyết tật, học chữ nổi để bảo vệ mắt phải, kéo dài thời gian nhìn của cháu. Nhưng từ nhà tới trường cách mấy chục cây số, gửi con đi học hàng ngày đối với công nhân như tôi là điều vô cùng khó khăn. Thực sự rối bời không biết phải giải quyết ra sao”.
“Rất có thể, đây là Trung thu cuối cùng con được ngắm trăng tròn. Là mẹ, tôi chỉ tha thiết mong mỏi có tiền để khám chữa, kéo dài tuổi thọ mắt, phẫu thuật phục hồi thính lực cho con”, chị Tuyến rơm rớm nước mắt nói.
Theo Đinh Huyền/ giadinhnet