Việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện cho họ tham gia lao động, hòa nhập cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với NKT mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cuộc sống NKT được nâng lên, xã hội ngày càng tôn trọng NKT.
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình là một trong những tỉnh có số lượng NKT đông so với cả nước với trên 10 vạn người. Nếu như trước đây việc kỳ thị NKT còn khá phổ biến thì những năm trở lại đây xã hội đang dần có cái nhìn tích cực hơn đối với NKT. Đời sống của NKT vì thế mà cũng tăng lên rất nhiều. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 52.124 NKT được hưởng trợ cấp xã hội. Có thể khẳng định, công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền lợi cho NKT của tỉnh ở thời điểm này đạt tốt nhất từ trước đến nay.
Pháp lệnh về người khuyết tật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1998 quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Kế hoạch trợ giúp NKT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013 – 2020 cũng chỉ rõ: Việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ NKT; tạo môi trường thân thiện để NKT có khả năng tiếp cận hệ thống chính sách và các dịch vụ là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội.
Hiểu rõ được điều đó cho nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở đã “rộng cửa” hơn với NKT. Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu tạo việc làm cho NKT. Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Công ty đã tạo điều kiện cho NKT đi bán vé số. Bên cạnh đó, Công ty còn tạo việc làm cho một số lao động thuộc cơ sở in của NKT tại thị trấn Vũ Thư.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Xác định việc giúp đỡ NKT xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm nên Công ty đã và đang tạo điều kiện cho NKT có việc làm. Đây cũng là một giải pháp lâu dài giúp NKT vượt qua mặc cảm, tự ti, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không chỉ nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tạo điều kiện cho NKT có việc làm mà rất nhiều NKT bằng nghị lực sống mạnh mẽ đã tự lực vươn lên, trở thành ông chủ, bà chủ, sở hữu số vốn hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều NKT và người bình thường khác.
Cùng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ, hỗ trợ NKT còn phải kể đến sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự đồng cảm, giúp đỡ của chính gia đình, dòng họ những NKT. Nhờ đó, sự kỳ thị đối với NKT giảm nhiều, quyền làm chủ của NKT được phát huy mạnh mẽ trong xã hội.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình là đơn vị luôn đồng hành cùng NKT trong suốt 25 năm qua. Hội đã tăng cường vận động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế, các dòng họ và nhân dân trong tỉnh đóng góp tiền của, công sức cho công tác bảo trợ NKT với số tiền và hiện vật trị giá hàng chục tỷ đồng. Cùng với sự giúp đỡ của Trung ương Hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, Hội đã hỗ trợ 10.000 xe lăn, xe lắc, xe đẩy, xây dựng sửa chữa hàng chục ngôi nhà tình thương và trao hàng chục sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo có NKT. Nhờ có các phương tiện, trang thiết bị dạy nghề như máy tính, máy khâu… của Hội hỗ trợ, đã có trên 10.000 lượt người được học nghề may, thêu ren, mây tre đan, kim hoàn, chạm khắc đồng, gỗ, đá và nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác, tạo điều kiện cho họ có việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội…
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình cho biết thêm: Thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực vận động hội viên, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tạo nguồn lực hỗ trợ cho NKT, trong đó chú trọng việc tạo sinh kế cho NKT với phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, giúp NKT xóa bỏ mặc cảm, có đủ tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.
Theo Thu Hoài/ Báo điện tử Thái Bình.