Xây dựng huyện Thủy Nguyên thành phố trực thuộc thành phố: Tạo đà phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng

(ĐHVO). Ban Thường vụ Thành ủy vừa có ý kiến đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo việc xây dựng Đề án đúng theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Huyện Thuỷ Nguyên – Thành phố Hải Phòng

Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên đã nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố Hải Phòng, là Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.

Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Huyện Thủy Nguyên có điều kiện tự nhiên, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế biển, du lịch, ngành nghề truyền thống; cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hệ thống giao thông từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Trên địa bàn huyện có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh như: di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức), di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê), bãi cọc Đầm Thượng (xã Lại Xuân)… Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 đô thị thành phố phát triển về phía Bắc (huyện Thủy Nguyên) để hình thành đô thị mới Bắc sông Cấm, đô thị mới Bến Rừng, hai đô thị vệ tinh là thị trấn Minh Đức và thị trấn Núi Đèo, 2 xã được nâng cấp đô thị loại 5 là Lưu Kiếm và Quảng Thanh…

Tại Kết luận số 101-KL/TU ngày 24/6/2020 Hội nghị Thành ủy lần thứ 26, khóa XV về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND thành phố khóa XV, kỳ họp thứ 14 về việc thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Phía Bắc (huyện Thủy Nguyên): là trung tâm hành chính, chính trị thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch giải trí, y tế, giáo dục vùng duyên hải ven biển Bắc Bộ; xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố”.

Tuy nhiên, huyện Thủy Nguyên hiện là đơn vị hành chính nông thôn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn hiện không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên để thiết lập chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện Thủy Nguyên, đúng với tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019 của Chính phủ và Chương trình hành động số 76- CTr/TU ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủỵ Nguyên phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của huyện Thủy Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, mặt khác sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

Sau khi thành lập thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện; số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm. Khắc phục việc một số xã không đáp ứng tiêu chuẩn nâng cấp thành phường; thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có cả xã và phường.

Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên sẽ tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên địa bàn; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Ngọc Thanh

 

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang