(ĐHVO). Tôi không phải người phi thường nhưng tôi sẽ dùng hết khả năng của mình giống như “Cây đã mọc trên đồi núi thật cằn khô” và rồi cái cây đó sẽ mãi xanh tươi, mang lại sức sống cho nhiều cây khác. Đó chính là châm ngôn của cuộc đời chàng trai khiếm thị Hồ Sỹ Phong (Hà Tĩnh).
Từ khi sinh ra anh Hồ Sỹ Phong (1988, quê Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã không có cơ may nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Gia đình nghề nghiệp chính làm nông, bố mẹ vốn rất vất vả nay còn vất vả hơn bởi anh biết anh đã vô tình trở thành gánh nặng của mọi người. Anh Phong chia sẻ: “Cuộc sống lúc bấy giờ của tôi luôn bao trùm một màu đen theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, tôi ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng và không có lối ra. Tuy nhiên, đúng là chúng ta luôn có những sự kiện đúng người, đúng thời điểm. Tôi được cán bộ Hội Người mù huyện Can Lộc tìm đến, động viên đi học chữ Braille.”
Biết được đây là cơ hội lớn nên anh Phong đã quyết tâm, dùng hết sức lực và trí lực của mình để học hành, sau đó được về đi học hòa nhập với các bạn sáng mắt ở trường địa phương và đã được ghi nhận thông qua kết quả học tập đạt loại khá giỏi cũng như các giải nhì, ba của huyện ở môn thi Tiếng Anh trong suốt 4 năm học THCS. Sau khi học xong THPT, anh được Hội Người mù huyện Can Lộc cử đi đào tạo ở Hà Nội.
Sau thời gian sinh hoạt và kết nạp Đảng ở địa phương, anh Phong được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù huyện Lộc Hà. Đến tháng 9/2015, lại một lần nữa anh Phong được mọi người tin tưởng giao trọng trách làm Chủ tịch Hội. Anh Phong coi Hội như ngôi nhà thứ hai của mình: “Từ những ngày đầu tôi đã nhận ra đây là một môi trường ấm áp, thân thiện, mọi người hỗ trợ cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Hội đã giúp tôi vượt qua bóng tối, tìm ra được ánh sáng của cuộc đời mình và trở thành người có ích như ngày hôm nay.”
Chia sẻ 300 suất quà tết cho Hội người mù huyện Lộc Hà
Trải qua thời gian hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của Hội, với cương vị là chủ tịch Hội người mù Lộc Hà, anh nhận thấy rằng tổ chức Hội mang ý nghĩa thiết thực đối với người mù huyện nhà. Chính vì vậy cùng với BCH huyện Hội, anh đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trên mọi lĩnh vực để hội hoạt động có hiệu quả. Mang lại lợi ích thiết thực, giúp người mù vượt qua mặc cảm, vươn lên số phận hoà nhập cộng đồng, xã hội, kiếm sống bằng nghị lực, khối óc và đôi bàn tay của mình. Anh thường xuyên tìm tòi, nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực làm việc để đạt hiệu quả cao nhất trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Hội không ngừng làm tốt phong trào tuyên văn giáo, nhằm đưa chữ viết (chữ Braille) đến với hội viên, thường xuyên vận động người mù tham gia các khoá học tại trung tâm của tỉnh Hội và huyện Hội. Đến nay số người mù đã biết đọc, biết viết chữ Braille là 20 người. Anh xông xáo trong các hoạt động Hội, giúp hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, giải pháp thực hiện các cuộc vận động của Trung ương Hội, hiểu biết về chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ Hội, Nghị quyết của các cấp Hội, đồng thời tổ chức cho cán bộ, hội viên học tập và làm theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chương trình “Trung thu yêu thương” cho trẻ em mù và con hội viên Hội người mù Lộc Hà
Được sự giúp đỡ của tỉnh Hội, anh Hồ Sỹ Phong cùng BTT huyện Hội đã phối hợp với đài PTTH huyện làm nhiều phóng sự phát sóng trên đài truyền hình tỉnh, địa phương, phản ánh, nêu bật các hoạt động của Hội, đã gây được sự cảm phục, ủng hộ của toàn xã hội, của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng như đông đảo nhân dân trong toàn huyện.
Anh xác định để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà các cấp Hội cũng như Đảng, Nhà nước giao, cần thiết phải tạo việc làm ổn định cho hội viên, tạo cơ hội để người mù tự vươn lên bằng chính khả năng và sức lao động của mình. Từ đó, anh cùng BCH đã vận động, khuyến khích, hỗ trợ và gửi những hội viên có khả năng, có nhu cầu đi học các nghề như: xoa bóp bấm huyệt, bện chổi, đan lát, làm tăm.… Đến nay, đã có 20 Hội viên có việc làm như tẩm quất, làm tăm, bện chổi.
Đối với các hội viên trong độ tuổi lao động, không có điều kiện làm nghề tập trung. Anh Hồ Sỹ Phong cùng BCH đã về tận nhà khảo sát, nắm tình hình và tạo điều kiện cho vay vốn thông qua ngân hàng chính sách xã hội, các nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương và kênh địa phương, để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất kinh doanh theo các ngành nghề nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Cùng BCH phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ vốn vay cho 02 dự án với trên 60 lượt hội viên, với số vốn quay vòng lên đến 1.025.000.000 đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục hội viên, đưa đời sống gia đình hội viên ngày một đi lên từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Anh Phong luôn nghiêm khắc với bản thân, không cho phép mình được quyền vô cảm trước những người đồng cảnh ngộ. Cùng với Hội, cùng với các đồng chí anh chị em giống nhau về tư tưởng, anh Phong đã và đang nỗ lực với mong muốn góp sức mình nhiều hơn nữa để giúp đỡ mọi người, gánh vác những phần không bằng phẳng của xã hội. Để giúp người mù xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hoà nhập cộng đồng, anh luôn quan tâm và chỉ đạo BCH chăm sóc những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời giúp đỡ cũng như vận động các nguồn từ thiện tặng quà cho hội viên nhân các dịp lễ tết, khi ốm đau hoạn nạn, xây nhà tình thương. Đề nghị với các cấp Ủy Đảng và Chính quyền, Ban giám hiệu các nhà trường cho người mù miễn giảm học phí, con người mù giảm các khoản đóng đậu, nhất là người mù thuộc hộ nghèo. Anh chủ động tìm hiểu, liên hệ với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ, tặng quà và xây nhà tình thương cho hội viên, nhằm đưa đời sống hội viên ngày càng đi lên, xoá đói giảm nghèo, khuyến khích hội viên chủ động vươn lên, bình đẳng hoà nhập cộng đồng.
Anh Phong chia sẻ: “Tổ chức Hội đã tiếp thêm cho tôi nghị lực sống, khát khao cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội. Hội đã bao dung cuộc đời tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi, là nơi tôi nghĩ đến để không cho phép bản thân mình thất bại, là chốn tôi tìm về khi cần những đồng cảm, yêu thương. Hơn ai hết, chính tôi là người cảm nhận được rõ nhất sự thay đổi của con người khi được tiếp thêm sức mạnh.”
Bên cạnh tham gia vào công tác Hội, anh Hồ Sỹ Phong cũng tham gia các chương trình tình nguyện như trước năm 2015 đã dạy tiếng Anh miễn phí tại nhà cho hàng chục em học sinh. Kết nối kêu gọi với các cá nhân hảo tâm hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Với những đóng góp to lớn và nghị lực phi thường của mình, anh Hồ Sỹ Phong là một trong 50 đại biểu được tôn vinh trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 – Là tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua ngịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên Việt Nam. Đồng thời tạo sự lan tỏa và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả.
Và có lẽ, anh Hỗ Sỹ Phong đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình, thứ ánh sáng khác với ánh sáng ở định nghĩa thông thường: “Tôi có rất nhiều ước mơ và tôi thường xem nó như những hạt mầm, và rồi Hội đã hiện diện với vai trò như ánh sáng và nguồn nước để cho ước mơ của tôi thành hiện thực. Hội không phải là ánh đèn nhưng đã đưa tôi ra khỏi bóng tối. Hội không phải là cha mẹ nhưng tôi luôn cảm thấy được chở che. Hội không có sức mạnh phi thường nhưng đã làm cho cuộc đời tôi thay đổi.”
Hồng Liên