(ĐHVO). Người khiếm thính (N.K.TH) (đặc biệt đối với người điếc hoàn toàn) là thành phần khó khăn nhất trong việc tiếp cận thông tin, đối với người bình thường thì từng tích tắc tức thì tiếp nhận bản tấu hòa âm vô vàn thông tin ùa đến bằng các giác quan thì N.K.TH chỉ tiếp nhận thông tin hạn chế qua hoạt động “đọc” đó là đối với người đã học chữ kể cả ngoại ngữ. Song, việc thu nhận được thông tin nhiều hay ít còn phụ thuộc vào trình độ và nhận thức của từng người đó.
Để N.K.TH cập nhật được thông tin người ta đã nghĩ ra cách nhận biết qua ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Đó là việc ra dấu cử động bằng tay hoặc miệng, mắt, đầu, cũng có thể bằng chân; tuy rằng chủ yếu bằng đôi tay. Trở về quá khứ từ cổ xưa ngành hàng hải thế giới khi các đối tác các quốc gia gặp nhau muốn giao dịch đã biết sử dụng thông tin tín hiệu (Morse-Truyền tin bằng tay) bằng cách hai tay cầm hai lá cờ chéo đuôi nheo đánh các tín hiệu chữ cái theo quốc tế ngữ, đối tác tiếp nhận rồi chắp thành chữ thành câu. Tất nhiên đó là các trường hợp các bên cần giao tiếp khi cách xa nhau hoặc các trường hợp không tiếp cận gần được hoặc các trường hợp khẩn cấp khi không có phương tiện thông tin khác.
Đến thời kỳ hiện đại , khi khoa học viễn thông phát triển nhưng chắc hẳn ai đã từng là học sinh cấp ba thời kỳ những năm 60 thế kỷ trước vẫn nhớ những giờ học thể dục có chương trình học đánh “Morse” và mơ có ngày nào được là thủy thủ đứng trên boong tàu đánh “Morse”. Và ai đã từng có tuổi thơ sống ở nông thôn nhớ những khi tiếp xúc với người câm điếc thấy họ miệng phát ra những âm thanh không hiểu được và tay múa may những động tác mang tính chất bẩm sinh có thể họ tự nghĩ ra nhưng ít nhiều người khác hiểu được ý nghĩa. Hiện tượng như vậy chắc đã có từ lâu đời rồi.
Nhiều chục năm trở lại đây, đặc biệt từ khi có truyền hình, nhiều nước trên thế giới với công nghệ và điều kiện phương tiện khác nhau đã có người dẫn chương trình, phát thanh viên ngôn ngữ ký hiệu trong các hội nghị tầm cỡ quốc tế có liên quan đến NKT (hội nghị APDF, paralympic) và trong các chương trình phát sóng truyền hình với thời lượng khác nhau. Nhiều năm qua, đặc biệt từ khi Nhà nước ta ký công ước Quốc tế về NKT và Luật NKT VN ra đời, theo đó các chủ trương chính sách nhằm bảo vệ mọi quyền lợi và nghĩa vụ đối với NKT được đảm bảo, trong đó quyền NKT được tiếp cận thông tin, LHHNKT cũng có chương trình truyền thông cụ thể để bảo đảm cho NKT không bị ở lại phía sau vì “đói” thông tin. Việc trợ giúp N.K.TH tiếp cận thông tin luôn là khó khăn mang tính đặc thù đặc biệt, N.K.TH chỉ mới được hỗ trợ bằng trang bị máy trợ thính, không thể có phương tiện cho người điếc hoàn toàn.
Ảnh nguồn internet
Ngôn ngữ ký hiệu đối với một số nước trên thế giới đã được phổ biến nhưng cũng ở mức độ khác nhau tùy theo điều kiện và tập quán kinh nghiệm của mỗi nước, không có chương trình sư phạm bài bản nào có thể làm giáo khoa chung. Đối với Việt Nam từ năm 2000 đã có nhiều chuyên gia sư phạm về ngôn ngữ và một số CLB đã bắt đầu nghiên cứu nhằm hoàn thiện và hệ thống hóa ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Đặc biệt đã có một số sinh viên trẻ thuộc thế hệ 8X với nhiệt huyết vì N.K.TH đi vào lĩnh vực khó khăn không vì mục đích kinh tế, đó là SV Vũ Hoàng Lan, Thanh Thủy, Lê Thanh Hoa. Những SV này say mê, miệt mài nghiên cứu tài liệu của thế giới, vận dụng thực tế, tập hợp và nâng cao NNKH mang tính bản năng dân gian thành các tài liệu lý thuyết và các bạn đã thực hành là người dẫn chương trình truyền hình và các hội nghị có liên quan đến NKT. Các bạn cũng là những điều phối viên cho các tổ chức quốc tế và Hội người điếc TP. Hà Nội hiện đang có gần 400 hội viên thường xuyên sinh hoạt. Theo các bạn thì người dẫn chương trình NNKH ngoài việc đảm bảo tính chính xác động tác, dễ hiểu mà còn thể hiện được tình cảm tâm trạng và khả năng tiếp thu của đối tác, cần có biểu hiện cảm xúc của Mc qua nét mặt để giúp người xem dễ hiểu hơn. Hiện tại CLB NNKH Hà Nội đã hình thànhTrung tâm, đã triển khai 5 lớp học về NNKH nhằm đào tạo những người có trình độ và khả năng giao tiếp NNKH.
LêThanh Hoa với vai trò là Phó chủ nhiệm CLB NNKH Hà Nội đồng thời là trợ giảng các lớp học, tuy vậy Trung tâm cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính cũng như cơ sở mặt bằng, các lớp học phải đi nhờ. Hiện nay Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam có các chuyên gia và có trung tâm mở lớp dạy NNKH cho N.K.TH, trong khi cả nước hiện nay có 2,5 triệu N.K.TH. Nhằm thúc đẩy việc hòa nhập cho N.K.TH tiếp cận thông tin, từ cuối tháng 8/2009 VTV lần đầu tiên đã phát chương trình “Nhật ký 02” phát trên kênh 02TV có người dẫn chương trình bằng NNKT dành cho N.K.TH.Từ ngày 1.1.2019 kênh V2 – VTV phát lại chương trình thời sự phát lúc 19 giờ có người dẫn chương trình NNKH. Hiện nay chương trình “VN hôm nay” phát lúc 17h30 hàng ngày với thông tin cập nhật nóng hổi phong phú từ tin thời sự chính trị, kinh tế, an ninh trật tự, khoa học kỹ thuật, thời tiết (cả trong nước và thế giới), kể cả những việc thiết thực liên quan đến sức khỏe, đời sống cho nhân dân. Đặc biệt từ cuối năm 2019 đến nay, tình hình đại dịch covid trên toàn thế giới với nguy cơ chết người kinh hoàng và tình hình phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam, những thông tin kịp thời đã góp phần cập nhật cho N.K.TH hòa nhập với cộng đồng xã hội. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần thực hiện thành công chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật
Phạm Tạo