Việt Nam – Đất nước tình người: tình người trong chống đại dịch Covid – 19

Việt Nam, một quốc gia đang trên đà hội nhập và phát triển.

Việt Nam, đất nước không chỉ được bạn bè quốc tế biết đến với hình ảnh một đất nước tuy nhỏ bé nhưng quật cường, nơi có những anh hùng áo vải kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm; hiền lành, sáng tạo, bền bỉ trong bảo vệ và xây dụng đất nước. Là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng gọi chung hai tiếng đồng bào.

Việt Nam cũng không chỉ được biết đến với thành tựu đột phá, một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản bậc nhất thế giới với gạo, cà phê,… hay là một quốc gia có nền công nghiệp non trẻ, kế thừa và phát huy những thành tựu của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đang từng bước xây dựng một đất nước công nông nghiệp hiện đại, phát triển.

Hay, Việt Nam không chỉ được du khách quốc tế, bạn bè năm châu biết đến là một đất nước hòa bình, có nhiều món ăn ngon được xếp hạng, một quốc gia có nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận với những danh lam thắng cảnh, những vùng đất hoang sơ, kỳ bí, là điểm đến lý thú và ly kỳ…

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Và trong vô vàn những điều thế giới biết và viết về Việt Nam, có lẽ một điều làm nên đặc trưng của của con người Việt Nam, làm nên thương hiệu Việt Nam đó chính là một đất nước tình người với nhưng con người chân chất, hiền lành, mến khách, trọng tình trọng nghĩa…

Ấy vậy mà, trong suốt một thời gian không ngắn, tình người trong chính người Việt Nam nhất là ở những thành phố lớn, những vùng quê “mới lớn sau những dự án được đền bù”, tình người lại như một thứ gì đó xa xỉ, rất cao sang và khó có thể kiếm tìm. Suốt ròng rã từng ấy thời gian, vận động cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đất nước, có những lúc, người ta phải thốt lên rằng “tình người ở đâu, sao mà khó kiếm tìm đến vậy”…

Tuy nhiên, cái thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy, cái truyền thống tốt đẹp được trau dồi qua hàng nghìn năm ấy chưa bao giờ bị mất đi, nó như ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ, âm ỉ trong mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, chỉ là nó được biểu hiện một cách rõ nét hay mờ nhạt… Và, có thể vì một vài lý do gì đó khiến ngọn lửa đó không thể bùng cháy, vì một điều kiện hoàn cảnh nào đó làm nó bị ẩn giấu vào một góc khuất mà con người muốn chôn chặt nó lại nhưng khi có khó khăn, hoạn nạn hay một biến cố ập đến hay thiên tai địch họa, ngọn lửa đó lại bùng cháy lên một cách mạnh mẽ, mãnh liệt, những giá trị tốt đẹp đó lại càng được tô đậm nét hơn.

Trong bối cảnh, cả nước cùng chung tay, đồng sức chống đại dịch toàn cầu do chủng vi-rút mới, vi rút Sars-CoV-2 gây ra, giá trị tình người lại một lần nữa được đẩy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là sự chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước “chống dịch như chống giặc” như lời “hiệu triệu” của Thủ tướng Chính phủ. Lúc này, mỗi người dân lại trở thành một “chiến sỹ” trên mặt trận y tế, bảo vệ sức khỏe.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Và những hình ảnh đẹp trong cuộc chiến đó, tình người trong lúc thiên tai địch họa đó không chỉ là những gì “đao to búa lớn” như những chuyến bay vượt qua mọi hiểm nguy của dịch bệnh tại những vùng tâm dịch để đón đồng bào ta là những kiều bảo, du học sinh, doanh nhân… ở nước ngoài trở về với quê hương, đất mẹ và gia đình – nơi vẫn được coi là bình yên, an toàn nhất của mỗi con người, dẫu biết rằng có thể những đồng bào đó mang trong mình mầm mống của dịch bệnh nguy hiểm toàn cầu này; hay là những khoản đóng góp hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp cùng chung tay chống dịch với Nhà nước sau lời kêu gọi của Chính phủ… mà nó có thể chỉ đơn thuần là những hành động rất nhỏ, rất bình dị nhưng ấm lòng xuất phát từ tâm của mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt giới tính, độ tuổi. Đó là sự chung tay, góp sức để đẩy lùi dịch bệnh, như: Cậu bé đập lợn lấy tiền tiết kiệm hay các cơ quan, tổ chức, người dân phát/tặng những khẩu trang miễn phí, những dung dịch rửa tay nhanh tiện lợi đến với những người dân; những tin nhắn ủng hộ các cơ quan chức năng trong cuộc chiến đại dịch; chia sẻ những hình ảnh đẹp trong cộng đồng; kêu gọi sự tham gia cùng nỗ lực vì mục tiêu Chính phủ đã đề ra….  hay đơn giản là câu chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng dù đã ngoài 90 tuổi nhưng cũng tham gia may khẩu trang dành tặng mọi người góp phần công tác chống dịch; những hợp tác xã của người khuyết tật cũng tham gia sản xuất khẩu trang với mức giá bình ổn để chia sẻ với sự khó khăn của cộng đồng; tổ chức, cá nhân người khuyết tật kêu gọi ủng hộ dung dịch rửa tay tặng người khuyết tật tại các địa phương….

Mẹ VNAH may khẩu trang tặng mọi người (trái) và các đồng chí công an tặng khẩu trang người đi đường (phải) – Nguồn Intermet

Và hơn cả, chỉ cần mọi người nhất trí, đồng lòng thực hiện đúng theo những khuyến cáo của Chính phủ, của các ban ngành chức năng cũng là đã và đang đóng góp không nhỏ vào công cuộc chống dịch, phát huy tinh thần tương thân tương ái với cả đồng bào. Điều đó còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là cùng chia sẻ, chung tay, góp sức với sự hy sinh, ngày đêm quên ăn, quên ngủ của những chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ là những cán bộ, nhân viên các ban ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương trong bất kỳ thời điểm nào cũng sẵn sàng họp bàn lên phương án đối phó với dịch bệnh ngày càng có những chuyển biến phức tạp. Là những y bác sỹ đang ngày đêm cứu chữa những người bị phơi nhiễm chủng vi-rút mới với nguy cơ có thể chính bản thân họ bị phơi nhiễm loại vi-rut này bấy cứ lúc nào. Là những chiến sỹ bộ đội làm công tác phục vụ, hậu cần những nơi cách ly tập trung; không chỉ giúp những người phải đi cách ly có được những suất ăn đảm bảo sức khỏe, tạo điều kiện, môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt tốt nhất cho những người phải cách ly mà còn nhường lại nơi ăn chỗ ở, chấp nhận hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích cộng đồng; tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn những mỗi nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra hoặc làm gia tăng, lây lan dịch bệnh. Đó còn là lực lượng công an, anh ninh, dân quân… cũng đang vất vả ngày, đêm với công tác phòng chống dịch… Họ làm vậy không chỉ bởi hai chữ “trách nhiệm” mà đó còn là tình cảm yêu thương của những người đồng đội, đồng chí, đồng bào và cao hơn cả đó chính là tình thương yêu đối với đồng loại, một thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người để cùng nhau chia sẻ những nỗi buồn, sự khó khăn… để cùng chung vui những phút giây hạnh phúc.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch – Nguồn Internet

Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh đẹp, đầy tính nhân văn của một đất nước tuy còn “nghèo, thiếu thốn, khó khăn” nhưng giàu lòng nhân ái, đầy vị tha với biết bao truyền thống tốt đẹp, vẫn còn đó một số những hình ảnh “xấu xí” như găm hàng, tăng giá, chen lấn tích trữ đồ ăn, trốn khỏi nơi cách ly, đòi hỏi những yêu cầu quá mức tại khu cách ly đã được bố trí chăm sóc đầy đủ từ bữa cơm, giấc ngủ đến sức khỏe cá nhân với sự cố gắng hết sức của Nhà nước để làm sao đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sức khỏe của những người đang phải cách ly sau khi được hồi hương hay phát hiện có nguy cơ nhiễm bệnh… Đặc biệt là những hình ảnh của không ít người được gắn mác Việt kiều khi khỏe mạnh tha phương cầu thực, đến khi cần về với quê hương thì lại ra vẻ ta đây, thay vì góp phần cùng quê hương chống dịch lại hoạnh họe đủ điều, lên án, chê bôi thậm chửi chửi rủa, xúc phạm, miệt thị quê hương như những kẻ “ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa” thay vì họ phải biết ơn vì trong lúc khó khăn nhất, quê hương vẫn dang tay chào đón họ, chuẩn bị tốt nhất có thể để đảm bảo cho chính sức khỏe thậm chí sinh mạng của bản thân họ, gia đình họ chứ chưa nói đến họ đã, đang và sẽ giúp gì được cho quê hương, Tổ quốc này….

Một số hình ảnh còn “xấu xí” trong cuộc chiến chống Đại dịch – Nguồn Internet

Và nghịch lý với những hình ảnh có phần “xấu xí” của một số con dân Việt Nam đó là hình ảnh nhiều du khách nước ngoài đến với Việt Nam trong khi đại dịch xảy ra trên toàn cầu lại không hết lời khen ngợi về tinh thần chống dịch của Đảng, Nhà nước Việt Nam, về sự sẻ chia đầy tình người của một đất nước không phải quê hương của họ, dân tộc họ, đồng bào họ. Không ít trong số đó đã có những bức thư đến từ Ba Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ… viết gửi những y bác sỹ, những người nơi tuyến đầu phòng dịch hay với những người dân Việt Nam với sự biết ơn sâu sắc mà trong đó là sự trân quý về những tình cảm họ được đón nhận trong những ngày phải cách ly, được chữa trị một cách tận tình, chu đáo hay tham quan, du lịch tại một quốc gia là nơi đất khách quê người. Thậm chí, có những người nước ngoài đang học tập và làm việc tại Việt Nam lại tin tưởng tuyệt đối về sự an toàn trong cơn đại dịch cùng với những tình cảm họ đã được đón nhận cũng như đối với một đất nước như là quê hương thứ hai của họ.

Một số bức thư của bạn bè quốc tế gừi lời cảm ơn bác sỹ Việt Nam – Nguồn Internet

Bên cạnh đó, không chỉ riêng ở Việt Nam mà những con người Việt Nam trên khắp thế giới cũng đang hành động để sẻ chia, chung tay cùng nơi mình sinh sống chống lại đại dịch của toàn cầu. Có thể nói, dù bất kỳ ở đâu, người dân Việt Nam có thể còn “thiếu” về kinh tế, vật chất nhưng có một thứ mà đa số người dân Việt Nam luôn “giàu có và sẵn sàng sẻ chia” đó là tình cảm, là sự đùm bọc, cảm thông…

Tin tưởng rằng, với sự nhất quán, quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cùng các bộ ban ngành, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống đại dịch toàn cầu cùng những giá trị nhân bản, nhân đạo, nhân văn trong mỗi người dân Việt Nam, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng đại dịch; những hình ảnh đẹp đầy nhân đạo và nhân văn sẽ tiếp tục được chia sẻ, những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc Việt sẽ càng được phát huy, phát triển mạnh mẽ. Và với việc trải qua những quãng thời gian “sống chậm lại” trong đại dịch, mỗi con người trong chúng ta sẽ có thêm những nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của cuộc sống cùng với những gì đất nước đã làm cho chúng ta, những gì chúng ta đang làm vì đất nước trong đó không thể không kể đến sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng luôn cố gắng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường mà vẫn luôn giữ được những nét đẹp vốn có của một đất nước tuy nhỏ bé nhưng lại lớn về giá trị nhân sinh.

Tâm Vũ – Tuệ Lâm

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang