…Dù khiếm khuyết về chức năng, nhưng hầu hết người khuyết tật đều sống đẹp, biết yêu thương con người, chăm chỉ học tập, lao động cần cù, tôn trọng luật pháp, biết ứng xử đúng mực. Người khuyết tật có những mặt ưu điểm là cần cù, chịu khó, tập trung cao khi làm việc, mong muốn được ổn định, gắn bó lâu dài với công việc, đặc biệt là họ có nghị lực nổi trội, ý chí phấn đấu vươn lên để được bình đẳng với mọi người…
Luật Người khuyết tật năm 2010 có Chương 5 quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn “Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật” và năm 2019 chúng ta gia nhập Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật (NKT), khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động và việc làm.
Ngày 01/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 39 tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác NKT, yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận các chính sách giáo dục nghề, việc làm, tín dụng. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có một Mục riêng với 3 Điều quy định về: Chính sách của Nhà nước đối với lao động là NKT; Sử dụng lao động là NKT và Những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là NKT.
Ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190 phê duyệt chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 có 300 nghìn NKT có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho NKT, tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho NKT. Phấn đấu hỗ trợ 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế, tạo việc làm. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động là NKT còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
Như vậy, có thể thấy trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện giúp NKT hòa nhập cùng xã hội. NKT trên khắp mọi miền đất nước đã được hỗ trợ việc làm, tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo, vay vốn quỹ quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm của Nhà nước. Nhiều người khuyết tật đã được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp họ vươn lên, thoát nghèo.
Nhận thức của xã hội về giáo dục, dạy nghề, việc làm cho NKT đã có sự thay đổi tích cực, tạo điều kiện cho NKT từng bước tham gia vào hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. Việc dạy nghề theo hướng hòa nhập được nhiều địa phương, cơ sở dạy nghề thực hiện có hiệu quả. Đến nay, hàng trăm cơ sở dạy nghề và tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có các cơ sở dạy nghề chuyên biệt và các cơ sở sản xuất – kinh doanh, mỗi năm tuyển dụng hàng ngàn lao động là NKT. Nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy còn khó khăn nhưng vẫn chủ động, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận lao động là NKT. Nhiều NKT đã đầu tư thành lập doanh nghiệp, sản xuất – kinh doanh có hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn, tồn tại cần phải khắc phục về công tác dạy nghề và tạo việc làm, tuyển dụng lao động là NKT. Công tác thông tin, truyền thông về các chế độ chính sách dạy nghề và tạo việc làm cho NKT còn hạn chế. Nhóm đối tượng NKT và gia đình họ chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin cần thiết, chính xác về nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, về chế độ chính sách liên quan. Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm đối với NKT mới chỉ được lồng ghép với các chương trình đề án khác, chưa có chương trình, kinh phí riêng để thực hiện. Chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ thấp, hiện tại không còn phù hợp, việc tiếp cận vay vốn ưu đãi đối với NKT còn rất hạn hẹp. Nơi ăn ở, phương tiện đi lại, sinh hoạt khi được tuyển dụng làm việc là một trong những trở ngại lớn nhất đến với NKT.
Quy định về quyền được có việc làm của người lao động khuyết tật ít được các doanh nghiệp quan tâm; các chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT làm việc theo quy định của Luật Người khuyết tật chưa có hiệu quả nhiều trên thực tế. Luật Người khuyết tật năm 2010 có quy định cho các tổ chức, cá nhân tùy theo điều kiện của mình, bố trí điều kiện làm việc cho NKT, nhưng thực tế đến nay chưa có những hướng dẫn hay mô hình cụ thể nào, để doanh nghiệp có thể học tập, cải thiện điều kiện nơi làm việc cho NKT.
Hiện nay ở Việt Nam trong số khoảng 7 triệu NKT, có đến 87,27% NKT sống ở nông thôn, tỷ lệ NKT ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Trình độ học vấn của NKT thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, hơn 41% số NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số NKT có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, tới hơn 93% NKT từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, số người có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%. Theo Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2022 ở Việt Nam có khoảng 31% NKT từ 15 tuổi trở lên có việc làm, so với 83,4% người không khuyết tật.
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam” do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 21/3/2023 tại Hà Nội vừa qua đã có sự nhận xét, đánh giá chung về những nội dung cần tập trung khắc phục.
Thứ nhất. Việt Nam là một trong số những quốc gia đã ban hành hệ thống pháp luật về NKT khá đầy đủ, tương đối toàn diện và tương thích, đáp ứng được các quy định, yêu cầu của các Công ước quốc tế. Cũng như những quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam rất chú trọng đến việc bảo đảm quyền làm việc cho NKT. Song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà những chính sách bảo đảm quyền lao động là NKT chưa thực sự có hiệu quả. Việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và thực hiện pháp luật cần phải được quan tâm, chú trọng nhiều hơn, đây là yêu cầu cấp thiết của toàn xã hội để thực hiện thành công Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ.
Thứ hai. Trên thực tế công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng NKT được học nghề, có việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu chương trình, giáo viên, tư vấn nghề cho NKT; nguồn lực và chính sách chưa phù hợp; trình độ học vấn của NKT thấp cùng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân và gia đình NKT đã hạn chế nhiều cơ hội tiếp cận việc làm, nghề nghiệp của họ. Nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc tạo cơ hội việc làm cho NKT còn nhiều mặt hạn chế.
Thứ ba. Khoảng cách việc làm của NKT tại Việt Nam tương tự như ở nhiều quốc gia khác, nhiều chính sách việc làm đã được ban hành, mang lại kết quả khác nhau trên thế giới, nhưng khi áp dụng những chính sách này tại Việt Nam cần hiểu rõ bối cảnh, cấu trúc của thị trường lao động và những rào cản quan trọng nhất mà NKT Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ tư. Việt Nam cần có quy định về chống phân biệt đối xử với NKT, quy định về hạn ngạch tuyển dụng NKT; nghiên cứu đánh giá, tổng kết sửa Luật NKT-2010. Việc quy định các chính sách đối với NKT phải được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chính sách hỗ trợ NKT và các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT trong các vấn đề về miễn giảm thuế, thuê mặt bằng… nên điều chỉnh tỷ lệ hay giảm bớt các điều kiện để trợ giúp NKT tìm việc làm.
Thứ năm. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc chưa thật sự hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý trong việc tuyển dụng NKT vào làm việc, do các quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Lao động khuyết tật học một số nghề ra chưa tìm được việc làm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc rất khó tiêu thụ. Thực tế này đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm dành cho NKT cũng như các giải pháp trong việc thực hiện những quy định, chính sách.
Thứ sáu. Rào cản lớn nhất mà NKT đang gặp phải, khi tham gia thị trường lao động đó là thiếu sự trợ giúp trong việc tìm kiếm việc làm, thái độ mà họ phải đối mặt tại nơi làm việc và phụ nữ khuyết tật rất ít có khả năng được tuyển dụng. Do đó, để hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm cần có các chính sách phi thị trường lao động như: Đẩy mạnh giáo dục hòa nhập; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện; Đào tạo hòa nhập cho NKT; Thực tập và học nghề, nâng cao nhận thức cho NKT.
Khuyết tật là nguyên nhân của nghèo đói, do NKT bị hạn chế về khả năng lao động, nên về cơ bản, cơ hội việc làm và thu nhập từ lao động thấp hơn những người bình thường rất nhiều. Vì vậy, việc làm ổn định là cơ hội để NKT phát triển những năng lực giá trị của bản thân, thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, trước tình hình xã hội ngày càng phát triển, NKT muốn có việc làm phải có trình độ học vấn, kỹ năng nghề, có kiến thức xã hội tùy theo công việc được giao; cùng với đó là thái độ tự tin, sẵn sàng đối mặt và vượt qua khó khăn của chính mình để được các doanh nghiệp tiếp nhận.
Ngành nghề phù hợp với NKT hiện nay là những việc làm với máy tính như lập trình, thiết kế trang Web, đồ họa, nhập dữ liệu, gõ captcha, seo, thương mại điện tử, sửa chữa điện tử; các nghề thủ công mỹ nghệ, lao động làng nghề; may mặc, nấu ăn, mát xa; giao tiếp tại nhà hàng, khách sạn, bán hàng; viết bài, biên tập và các công việc văn phòng nhân sự, hành chính, kế toán, sales-markeing…
Dù khiếm khuyết về chức năng, nhưng hầu hết người khuyết tật đều sống đẹp, biết yêu thương con người, chăm chỉ học tập, lao động cần cù, tôn trọng luật pháp, biết ứng xử đúng mực. Người khuyết tật có những mặt ưu điểm là cần cù, chịu khó, tập trung cao khi làm việc, mong muốn được ổn định, gắn bó lâu dài với công việc, đặc biệt là họ có nghị lực nổi trội, ý chí phấn đấu vươn lên để được bình đẳng với mọi người. Nhiều NKT có trình độ học vấn và kỹ năng tốt, có người còn đi vào các lĩnh vực công nghệ cao, làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân, thậm chí đã có người trở thành chủ doanh nghiệp thành đạt, đóng góp cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người đồng cảnh ngộ và cho cả người bình thường khác.
Đối với các tổ chức của NKT, do NKT thành lập và tự quản lý, giúp đỡ nhau như các hiệp hội, câu lạc bộ, trung tâm, nhóm tự lực… hoạt động có nhiều kết quả. Đặc biệt là từ khi Liên hiệp hội về NKT Việt Nam được thành lập, đến nay đã thu hút hàng ngàn hội viên tham gia, nhờ đó mà NKT có nhiều cơ hội hơn để tham gia học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm theo khả năng của mình, được tiếp cận thông tin và thụ hưởng văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí… để họ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vị trí, vai trò của các tổ chức này. Thực tế đã chứng minh ở địa phương nào có tổ chức của NKT hoạt động tích cực ở đó mới tạo dựng nguồn lực cần thiết trong việc bảo đảm quyền của NKT.
Người ta ai cũng mong muốn khỏe mạnh để có một cuộc sống hạnh phúc, hòa nhập cùng cộng đồng, song không là ai hoàn hảo trọn vẹn. Đặc biệt, có những người kém may mắn bị thiệt thòi nhiều hơn vì những khiếm khuyết do khách quan, bất khả kháng, ngoài mong đợi. Đó cũng là quy luật tự nhiên của cuộc sống, nó sẽ còn tồn tại cùng với con người bởi thực tế trong cuộc sống, bất cứ người bình thường nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn trở thành NKT.
Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước việc bảo đảm các quyền lao động của NKT không chỉ là vấn đề mang tính nhân đạo, từ thiện mà nó còn là trách nhiệm pháp lý của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân. NKT do bị hạn chế về sức khỏe, nên không có nhiều cơ hội lựa chọn trong học tập, tìm kiếm việc làm, do vậy rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống, cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh
Trần Văn Chương