Một số vấn đề vướng mắc trong xác nhận mức độ khuyết tật

  1. Quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, khó khăn

Theo Báo cáo kết quả công tác về người khuyết tật năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Khuyết tật được chia thành các dạng dựa và mức độ như sau: Căn cứ dạng tật có Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác. Căn cứ mức độ khuyết tật có người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày và người khuyết tật nhẹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật như do di truyền, nhiễm trùng, do bẩm sinh một số khuyết tật do gen di truyền từ bố mẹ sang con như hội chứng Down, bệnh tim bẩm sinh hoặc do hóa chất, dùng thuốc sai quy định, tai nạn lao động…

Việc xác định mức độ khuyết tật hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật người khuyết tật năm 2010, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH) của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Theo đó Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật. Trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận hoặc người khuyết tật, đại diện hợp pháp của họ không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thì việc xác định sẽ do Hội đồng giám định y khoa thực hiện; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.

Sự ra đời của Luật người khuyết tật năm 2010, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH) của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội đã tạo ra bước ngoặt trong pháp luật quy định về việc xác định khuyết tật đối với người khuyết tật. Pháp luật đã cụ thể hóa trình tự, thủ tục về hồ sơ, thủ tục xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật giúp đỡ quá trình xác định mức độ khuyết tật. Từ đó giúp xác định đúng mức độ khuyết tật từ đó tạo ra môi trường giúp đỡ, phục hồi hiệu quả nhất đối với từng người với từng mức độ khuyết tật khác nhau. Ngoài ra việc xác định mức độ khuyết tật còn bảo đảm quyền và lợi ích đúng với từng người khuyết tật tránh việc xác định sai làm thất thoát kinh phí nhà nước.

Mặc dù pháp luật đã quy định khá chi tiết và cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hướng dẫn trong việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế vẫn gặp một số khó khăn nhất định  xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

Đó là thủ tục hành chính vẫn còn khá phức tạp, khó khăn, cản trở.  Để chứng minh mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật phải chuẩn bị hồ sơ với các tài liệu liên quan như bệnh án, giấy khám bệnh, phiếu điều trị…mà việc có được những tài liệu này nhiều lúc cũng không đơn giản đối với người bình thường, chưa nói là người nguyết tật khi họ có những hạn chế về đi lại, giao tiếp mà họ phải tự mình thực hiện thủ tục khi không có sự hỗ trợ của người thân hoặc người đại diện hợp pháp. Tuy những giấy tờ trên không phải là bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế vẫn phải có để nộp kèm theo nên đây là vấn đề cũng gây không ít khó khăn cho người khuyết tật khi tự mình đi thực hiện thủ tục. Do đó gây tâm lý e ngại cho người khuyết tật khi đi làm thủ tục xác nhận mức độ khuyết tật.

Về cơ sở vật chất và thành phần Hội đồng xác định người khuyết tật. Nhiều nơi do điều kiện cơ sở vật chất còn lại chế, thiếu người có chuyên môn để tiếp nhận và xử lý, hướng dẫn người khuyết tật tự mình đến nộp, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, không có người giao tiếp được bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thị, khiếm thính dẫn đến lúng túng trong xử lý. Việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện bở Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại UBND cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài cán bộ chuyên môn tại các cơ sở Y tế cấp xã, phường, thị trấn còn các thành viên khác của Hội đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về quy trình xác nhận khuyết tật, một số đối tượng khuyết tật như trẻ em dưới 6 tuổi thì cần phải có những người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực y tế, tâm lý, nhưng với thành phần được quy định hiện hành thì chưa đáp ứng hết các vấn đề thực tiễn đặt ra, dễ dẫn đến việc thẩm định sai sót.

Về phía bản thân người khuyết tật đi xin xác nhận mức độ khuyết tật, nhiều người chưa nắm rõ quy định liên quan đến thủ tục xác nhận mức độ khuyết tật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các bước tiến hành. Thậm chí có người không lưu giữ các chứng từ làm căn cứ xác định mức độ khuyết tật nên khi làm thủ tục rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Như nói ở trên do việc thủ tục còn nhiều bất cập, phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan khác nhau để có tài liệu, hoàn thiện thủ tục như Bệnh viện, Trường học, Ủy ban Nhân dân, Trạm Y tế… người khuyết tật gặp không ít khó khắn nếu họ phải tự đi thực hiện. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí đi lại, và nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống, làm việc nếu người khuyết tật đang làm việc ở các cơ sở lao động.

  1. Đề xuất một số giải pháp

Từ thực trạng trên, để thuận lợi hơn cho người khuyết tật trong thực hiện thủ tục xác nhận mức độ khuyết tật có thể xem xét đến một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông đến người khuyết tật về Luật người khuyết tật nói chung và các quy định của pháp luật về xác nhận mức độ khuyết tật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Xây dựng các chỉ dẫn, hướng dẫn thủ tục cho người khuyết tật để họ nắm rõ để thực hiện. Qua công tác thông tin, truyền thông sẽ làm cho người khuyết tật đến quyền lợi của bản thân mình. Khi bản thân hoặc người thân có nghi ngờ về khuyết tật cần thiết, kịp thời đến các cơ sở ý tế kiểm tra, thăm khám, điều trị đồng thời chuẩn bị các tài liệu cần thiết để thực hiện xác định mức độ khuyết tật theo quy định. Qua công tác thông tin, truyền thông kịp thời kích lệ, biểu dương các tập thể, cá nhân có những đổi mới, sang tạo phù hợp mang lại hiệu quả cao cũng như đảm bảo quyền và lợi ích cho người khuyết tật nói chung trong đó có việc xác nhận mức độ khuyết tật; phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ để phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Xác định công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khi giải quyết thủ tục hành chính nói chung và giải quyết thủ tục xác nhận mức độ khuyết tật nói riêng sẽ được hỗ trợ bởi trợ giúp viên pháp lý nếu họ khó khăn về tài chính và khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Bởi người khuyết tật là diện được hưởng các chính sách trợ giúp pháp lý phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam tham gia; phù hợp với Luật người khuyết tật và Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2020 – 2030 trong đó xác định: Mục tiêu của giai đoạn 2020-2025 là 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Giai đoạn 2026 – 2030 là 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm và chuyên môn của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Theo Điều 16 Luật người khuyết tật năm 2010 thành phần Hội đồng xác định mức độ khuyết tật có sự tham gia của người đứng đầu tổ chức Người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật. Tuy nhiên hiện nay, vẫn có một số xã, phường vẫn chưa bố trí được người đứng đầu của tổ chức người khuyết tật tham gia vào Hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Ngoài ra Hội đồng chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, thiếu một số vị trí chuyên môn sâu về y tế và tâm lý học, tâm lý học… nên cũng có những hạn chế, và không tránh khỏi những sai sót trong quá trình thực hiện. Do vậy cần xây dựng cơ chế, chế độ đảm bảo việc hoạt động của Hội đồng được hiệu quả, nâng cao chuyên môn và chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thủ tục xác nhận mức độ khuyết tật phù hợp với người khuyết tật và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Ứng dụng phần mềm tích hợp hệ thống ngôn ngữ kỹ hiệu của người khuyết tật khiếm thính, khiếm thị, người khuyết tật nhẹ để họ có thể tự thực hiện thủ tục hành chính qua mạng Internet. Thay vì đến trực tiếp, người khuyết tật có thể thực hiện thủ tục trên cổng thông thông tin dịch vụ. Đối với một số dạng khuyết tật nhẹ, có thể phỏng vấn video call qua ứng dụng Zalo, Viber… các nền tảng công nghệ nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan mà không nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp.

Đây là những đề xuất về các giải pháp nhằm khắc phục những điểm khó khăn trong quá trình xác định người khuyết tật gặp phải. Để khắc phục được những khó khăn gặp phải cần có sự đồng lòng tích cực của Nhà nước, các cơ quan, người thực hiện.

Như phân tích ở trên do thời gian giải quyết thủ tục còn dài nên việc xem xét rút ngắn cần được tính toán, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ thì việc rút ngắn thời gian giải quyết là khả thi. Như vậy vừa tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật, thành viên hội đồng, vừa có thể rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục. Trong quá trình áp dụng còn một số vướng mắc do cách hiểu và thực tế ở mỗi địa phương có nhìn nhận quy định khác nhau nên việc áp dụng cần có sự tuyên truyền và phổ biến để mọi người được hiểu rõ hơn.

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết, rất mong nhận được sự phản hồi của các độc giả về các khía cạnh của quy định trên.

Hưng Nguyên

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang