“Vết chân tròn” vẽ hoa trên thửa ruộng hoang

Mới hơn ba năm thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), nữ Giám đốc Trần Thị Thuần (là người khuyết tật) sinh năm 1983, đã có một gia tài khá giả khi nghiên cứu, trồng và sản xuất thành công sáu sản phẩm trà thảo dược, trong đó có ba sản phẩm được TP Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, HTX Tâm Ngọc còn là tổ ấm của 41 xã viên, trong đó có 36 người khuyết tật.

Chị Thuần trong gian hàng trà thảo dược tại Hội chợ OCOP Hà Nội.
Chị Thuần trong gian hàng trà thảo dược tại Hội chợ OCOP Hà Nội.

Chỉ mong cơm ăn hai bữa

Sinh ra không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa, chị Thuần bị teo một chân bên trái. Hồi nhỏ, chị phải mất 10 năm để tập đứng, tập đi với chiếc gậy gỗ. “Bạn bè thường trêu tôi là người ba chân, nên tôi ít khi ra đường và tự ti lắm mỗi khi giao tiếp”, chị Thuần tâm sự.

Tưởng chừng như cuộc sống chỉ bạc bẽo với chị một lần nhưng điều đó vẫn lặp lại khi chị trưởng thành. Chị kết hôn và có hai con trai kháu khỉnh. Hạnh phúc gia đình đang viên mãn thì chẳng may chị gặp tai nạn và bị gãy một chân, phải nẹp đinh vít cố định, đi lại càng thêm khó khăn. Người chồng đầu ấp tay kề đã lặng lẽ bỏ đi sau vài ngày chăm sóc vợ tại bệnh viện. Một mình chị vừa chiến đấu với bệnh tật vừa gồng mình nuôi hai con thơ.

Chị đi xin việc ở hàng chục công ty nhưng không nơi nào nhận người khuyết tật. Chị xoay đi bán hàng rong trên phố. Những bước chân lê qua hết con phố này đến con phố khác và đôi mắt rưng rức của chị khiến ai cũng phải cảm động. Nhưng họ chỉ giúp chị được năm ba nghìn đồng lẻ, chứ không thể giúp chị một sinh kế lâu dài. “Lúc đó tôi chỉ ước có một công việc để có cơm ăn hai bữa mỗi ngày cho các con”, chị Thuần tâm sự.

May thay, chị gặp được chị Đàm Thị Hiếu là giám đốc một công ty điện tử. Chị Hiếu đồng cảm với hoàn cảnh của chị Thuần và đã nhận chị vào làm việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của ba mẹ con tạm qua những ngày giông bão.

Bắt đất hoang “nở hoa”

Tuy vất vả mưu sinh nhưng chị Thuần vẫn dành thời gian tham gia các tổ chức của người khuyết tật để tìm kiếm những cơ hội thay đổi cuộc đời. Trong một lần tham dự “Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ khuyết tật”, chị đã mang đến ý tưởng “Chuyên trồng và chế biến cây dược liệu”.

Ý tưởng được chuyên gia đánh giá tính khả thi rất cao, điều đó như tiếp động lực cho chị quyết tâm hiện thực hóa dự án. Tuy nhiên, lúc đó chị Thuần không có vốn nên không thể triển khai ngay được. Ngày đi làm, tối về chị nhận thêu để kiếm thêm thu nhập, tích cóp vốn liếng, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp.

Năm 2019, chị vận động những người khuyết tật trong xã, tận dụng các thửa đất bỏ hoang để trồng một số cây dược liệu như: rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu…

Sáu thành viên ban đầu đặt niềm tin và cùng chị thành lập HTX Tâm Ngọc. Số vốn khởi nghiệp của HTX chỉ gần 100 triệu đồng và hầu hết là tiền tiết kiệm của các xã viên khuyết tật. Nhưng mọi người đều tin tưởng rằng, “sức mạnh không đến từ thể chất mà đến từ ý chí vươn lên” và Tâm Ngọc sẽ biến những thửa đất hoang “đơm hoa, kết trái”.

Ngay từ cây giống đầu tiên, chị Thuần đã xác định phải trồng thảo dược theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, tạo nguồn nguyên liệu sạch. Chị mạnh dạn áp dụng công nghệ sấy lạnh để giữ được giá trị dinh dưỡng, mầu sắc, hương vị mà vẫn bảo đảm được giá trị dược tính.

Những gói trà thảo dược ra đời trong nước mắt hạnh phúc của mấy chục con người đã lao động cần cù cả năm trời. Sản phẩm bắt đầu lên bàn thử nghiệm. Nhưng rồi cứ lần này đến lần khác, sản phẩm chưa đạt yêu cầu lại phải đổ bỏ.

Kiên trì là con đường dẫn tới thành công. Quả ngọt đã đến với Tâm Ngọc sau gần một năm kiên trì. Ra được những sản phẩm trà thảo dược đầu tiên, HTX chăm chút làm thương hiệu và quảng bá ra thị trường. Tuy nhiên, lời ăn tiếng nói của người khuyết tật không tạo được trọng lượng với khách hàng cũng như người ta chủ yếu vẫn có tâm lý “giúp đỡ” người khuyết tật nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Không nản chí, chị và các xã viên chủ động, kiên trì tìm đến các phòng khám đông y, công ty trà, đại lý đồ uống… để giới thiệu sản phẩm, thuyết phục và chứng minh cho họ về chất lượng sản phẩm do người khuyết tật làm ra không kém so người bình thường.

Và thành quả đã đến khi nhiều đối tác “gật đầu”, đơn hàng dồn dập gửi về. Đặc biệt, đến nay HTX đã gây dựng được một số lượng đáng kể khách quen, tạo đầu ra ổn định quanh năm. Gần đây, HTX Tâm Ngọc còn mở thêm trung tâm chăm sóc sắc đẹp bằng phương pháp đông y, tạo thêm công văn việc làm cho mọi người. Bận rộn là vậy, nhưng hằng ngày, nữ giám đốc “vết chân tròn” vẫn luôn chân luôn tay ra đồng, vào xưởng, đầu tắt mặt tối với công việc. Đến nay, trà thảo dược của Tâm Ngọc xuất hiện trên thị trường đã gần ba năm và đã có được chỗ đứng vững chắc. Năm 2020, ba sản phẩm của HTX Tâm Ngọc được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Cà gai leo trà, Liên hoa trà và Như hoa trà.

Các thành quả HTX và chị Thuần đạt được:

+ Sản phẩm Trà thảo dược của HTX Tâm Ngọc được nhận Biểu dương sản phẩm sáng tạo 2020 của Hội LHPN Hà Nội.

+ HTX Tâm Ngọc được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2021.

+ Chị Trần Thị Thuần được tôn vinh là một trong 50 thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” 2022 do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức.

“Thương người như thể thương thân”

Tiếng thơm vấn vít bay xa, rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn huyện Sóc Sơn tìm đến Tâm Ngọc, chị Thuần chẳng từ chối một ai. HTX Tâm Ngọc đến nay đã có 41 xã viên, 36 xã viên khuyết tật với nhiều dạng khuyết tật khác nhau như khiếm thị, bại não, vận động, thiếu chân, tay… Để linh hoạt công việc, chị Thuần đã sắp xếp xã viên thành hai nhóm để phân công công việc hợp lý. Các bạn khuyết tật trí não sẽ làm các việc tay chân còn các bạn khuyết tật vận động sẽ làm công việc cần tư duy.

Hiện tại, HTX Tâm Ngọc có hai nông trường, ở Sóc Sơn 12ha và ở Tuyên Quang 10ha. Doanh thu bình quân khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập của xã viên khuyết tật dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng.

Không những là nữ giám đốc năng động, dám nghĩ dám làm, chị Thuần còn là thủ lĩnh Hội năng nổ, nhiệt tình và sáng tạo. Với vai trò là Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Đông Xuân, chị luôn tích cực tạo, kết nối, tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật và triển khai các hoạt động thiện nguyện, quan tâm đến đời sống của hội viên. Với Tâm Ngọc, chị vừa là người thuyền trưởng và là người chị tình cảm, gần gũi và thấu hiểu các xã viên.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn, ông Lê Văn Bát nhận xét: Chị Thuần là tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận tiêu biểu ở huyện Sóc Sơn, không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho người cùng cảnh ngộ. Thuần còn sẵn sàng nhận các bạn khuyết tật vào làm việc tại HTX ngay cả khi HTX chưa có nhu cầu để giúp các bạn nhanh chóng được hòa nhập, làm việc và sống có ý nghĩa hơn.

Theo nhandan.vn

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang