Ánh sáng của… trăng khuyết
Xuất phát từ những lần thăm các em mắc hội chứng Down – hội chứng phổ tự kỉ tại Hội Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, bạn trẻ học các cấp THPT trên địa bàn Hà Nội và ngoài nước nảy ra ý tưởng thành lập dự án tình nguyện nhằm giúp đỡ, nâng cao ý thức cộng đồng về khiếm khuyết cũng như cuộc sống của các em. Trăng Khuyết ra đời từ đó, Phương Trinh kể.
Triển lãm giúp cộng đồng có cái nhìn yêu thương, đồng cảm với trẻ mắc bệnh Down
Nguyễn Lan Anh – thành viên dự án nhớ lại những ngày đầu: “Khi mới tham gia câu lạc bộ văn nghệ, em thấy các bạn rất dễ thương, những lời nói ngây ngô như trẻ thơ mặc dù nhiều bạn lớn hơn tuổi em. Các bạn cũng có những tình cảm trong sáng và ẩn sau những nụ cười ấy là những tài năng: Chơi đàn, làm xiếc… Đôi khi, các bạn lên cơn co giật hoặc kích động, ban đầu em cũng bối rối nhưng được sự chỉ dẫn của các anh chị – một cái nắm tay hoặc một cái ôm sẽ giúp các bạn bình tĩnh lại”.
Tham gia dự án, các hội viên được học tiếng Anh, múa và các kỹ năng sống đơn giản. Vì hạn chế trong giao tiếp cũng như tiếp thu nên các thành viên dự án thường lồng ghép vào trò chơi để học viên có thể lĩnh hội kiến thức một cách rất tự nhiên.
Kể câu chuyện về mình
Bên cạnh hoạt động thường niên dạy tiếng Anh, dạy múa, dự án còn tổ chức triển lãm TRĂNG KHUYẾT EXHIBITION – nơi kể những câu chuyện của những đứa trẻ mắc hội chứng Down bằng hình ảnh tại Hà Nội.
Chia sẻ về triển lãm, Nguyễn Ngọc Phương Chinh nói: “Nếu không có cơ hội tiếp xúc, để hiểu về người khuyết tật nói chung các bạn mắc hội chứng Down nói riêng, chúng ta sẽ mãi dành cho họ ánh mắt thương hại. Chúng em muốn tạo cơ hội để cộng đồng xã hội nhìn vào thế giới của các bạn khuyết tật thông qua triển lãm. 20 bức ảnh là 20 câu chuyện về những mảng khác nhau trong cuộc sống của các bạn: Học tập, năng khiếu và tình yêu”.
Theo Đức Nghị/ giaoducthoidai.vn