Chị Y Khổ cùng con gái và 3 người em trai trong căn nhà nhỏ do cha mẹ để lại. |
Hội phụ nữ các cấp tại Kon Tum đã nhận đỡ đầu, giúp các em mồ côi có thêm điều kiện học tập, sinh sống. Thế nhưng, vẫn còn hàng nghìn đứa trẻ vắng sự chăm sóc của cha, mẹ cần được sẻ chia.
Chị 25 tuổi nuôi 3 em
Trong căn nhà tình nghĩa đầu làng Đăk Rơ Wang (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) Y Khổ (sinh năm 1998) và các em đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vào ngày mưa lớn, mấy chị em Khổ chẳng thể đi làm nên bữa ăn chỉ có cơm trắng và canh mướp. Từ ngày cha mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo, chị em Khổ quen dần với những bữa cơm không thịt, cá.
Năm Y Khổ lên lớp 10, cha mẹ đau ốm triền miên, thế nhưng nhà chẳng có điều kiện đi thăm khám nên chỉ ở nhà rồi mua thuốc uống. Kể từ đó, Y Khổ cũng xin nghỉ học để đi làm thuê phụ cha mẹ nuôi 3 em trai đang tuổi ăn, tuổi học. 3 năm sau, Y Khổ gặp và lập gia đình với anh A Truyền (sinh năm 1995) với mong muốn cùng chồng làm lụng hỗ trợ cha mẹ.
Những tưởng cuộc sống gia đình êm đềm trôi qua, thế nhưng tháng 2/2020 vì căn bệnh tim mà mẹ Y Khổ qua đời. Nỗi đau mất mẹ trong lòng những đứa trẻ chưa nguôi thì 6 tháng sau người cha cũng mất vì ung thư gan. Bỗng chốc mấy chị em trở thành trẻ mồ côi.
Từ ngày cha mẹ qua đời, Y Khổ cùng chồng có trách nhiệm che chở cho các em. Từ một đứa trẻ rụt rè, trọng trách khiến Khổ dần trưởng thành hơn. Hai vợ chồng Khổ làm 5 sào mì của gia đình, mỗi năm thu hơn 10 triệu đồng nhưng chẳng đủ lo cho 3 người em và 2 đứa con nhỏ. Do đó, ai thuê gì vợ chồng Y Khổ đều nhận làm. Thế nhưng, đó là ngày nắng, còn hôm mưa chẳng ai thuê, không có tiền nên nhà có gì 7 người ăn nấy.
“Cha mẹ mất sớm, may mắn 3 đứa em mình rất hiểu chuyện nên vợ chồng cũng đỡ vất vả. Mình chẳng biết hai vợ chồng có thể làm lo cho các em được bao lâu, nhưng sẽ cố hết sức để 3 đứa được tiếp tục đến trường. May mắn chính quyền địa phương, cùng hội phụ nữ đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho mấy chị em nên cũng vơi bớt phần nào khó khăn”, Y Khổ bộc bạch.
Biết chị vất vả nên 3 anh em A Khuẩn (sinh năm 2009), A Khỏa (2011) và A Khả (2013) luôn tìm cách phụ giúp công việc nhà. Vào những ngày hè, A Khuẩn cùng A Khỏa theo chị lên rẫy làm cỏ mì. Tuổi còn nhỏ quá, chẳng ai thuê đi làm nên những ngày nông nhàn, 3 anh em lại rủ nhau đi hái măng rừng bán kiếm tiền đưa về phụ chị. Cũng vì quá khó khăn nên A Khuẩn dự định không tiếp tục đến trường mà đi học nghề điện để sớm có việc làm đỡ đần chị gái.
“Em chỉ mong mình học nghề và có thể đi làm sớm để kiếm tiền phụ chị chăm các em. Em thương chị lắm”, A Khuẩn chực trào nước mắt nói.
Còn A Khả dù là em út nhưng đã biết tiết kiệm tiền hỗ trợ của bà con, láng giềng cho để nuôi 15 con vịt. Số vịt này, Khả để dành đầu năm học bán lấy tiền mua quần áo mới cho anh trai A Khỏa và 2 người cháu đến trường.
Chị Nguyễn Thị Dung (ngoài cùng bên trái) đến thăm cô con gái nuôi Y Huyền. |
Cha mẹ về với đất
Trong cơn mưa chiều nặng hạt, chị Nguyễn Thị Dung – cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô chẳng thể giấu nổi sự sốt ruột trong lòng. Chị quàng vội chiếc áo mưa rồi lên xe đến thẳng nhà con nuôi Y Huyền (sinh năm 2014). Mồ côi cả cha lẫn mẹ nên những trận mưa lớn thế này cô bé rất sợ.
Nằm trong hốc núi Đăk Kang Pênh (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), căn nhà của Y Huyền được dựng bằng mấy tấm phên, xiêu vẹo trong cơn mưa chiều. Cô bé đang trông em cho dì làm việc. Thấy mẹ nuôi, cô bé nhảy cẫng lên vì vui sướng. Chị Dung dịu dàng xoa đầu cô bé rồi hỏi han tình hình mưa gió.
Ngày cô bé Y Huyền còn đỏ hỏn, cha bỏ lại mấy mẹ con vì căn bệnh hiểm nghèo. Đến khi Huyền lên 3 tuổi, mẹ cũng bị bệnh nặng rồi qua đời, chỉ còn lại Huyền cùng người anh trai nương tựa vào nhau.
Cuộc sống khó khăn, sức khỏe yếu nên bà Y Ngum (sinh năm 1963, thôn Đăk Kang Pênh – bà ngoại Huyền) chẳng thể gồng gánh nuôi cả hai anh em. Thế rồi người anh được gửi về cho ông bà nội chăm sóc, Huyền ở cùng bà ngoại và hai người dì.
Nhà có 1,5 ha rẫy trồng cà phê, chẳng đủ lo cho mấy miệng ăn nên bà Y Ngum giao cho hai người con gái chăm sóc. Còn bà đi làm thuê đủ nghề để có tiền thuốc thang cho các con và nuôi Huyền ăn học.
“Mình già rồi, chẳng có sức làm việc nặng nên chủ yếu hái chanh dây, cà phê thuê cho người ta. Những ngày mưa không có việc làm mấy mẹ con, bà cháu kiếm mớ rau dại rồi vay mượn gạo hàng xóm ăn qua ngày”, bà Y Ngum chia sẻ.
Thấu hiểu sự vất vả của bà, ngoài giờ lên lớp Y Huyền phụ ngoại làm công việc nhà, khi thì đi bẻ măng. Huyền bảo rằng, cũng có vài lần em gặp cha mẹ trong mơ. Trong giấc mơ ấy cha mẹ nhắn nhủ em cố gắng học tập, ngoan ngoãn với bà… Nghe lời cha mẹ dặn, nhiều năm liền Y Huyền luôn là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
“Cha mẹ không còn, từ nhỏ em sống với bà và hai dì nên gọi các dì là mẹ. Em cũng muốn được như các bạn có đầy đủ cha mẹ, nhưng không được. Em ước mơ sau này được trở thành cô giáo để dạy chữ cho các bạn nhỏ và lo cho bà cùng hai dì”, em Y Huyền tâm sự.
Bất hạnh chẳng kém Y Huyền, khi Phan Anh Thiện (sinh năm 2013) vừa được 7 tháng tuổi thì mẹ mất vì tai nạn giao thông trong một lần đi cạo mủ cao su thuê. Còn bố Thiện do bị bệnh nặng nên về quê Lạng Sơn chữa trị, hàng chục năm trôi qua cũng chỉ gọi hỏi thăm con đôi ba lần.
Kể từ đó, cậu bé Thiện sống với ông bà ngoại trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô). Ba năm trước, bà cũng mất vì bệnh tật để lại ông ngoại là A Kan (sinh năm 1955) cùng Thiện. Thế nhưng tuổi cao lại thường xuyên đau ốm nên hai ông cháu sống nhờ vào tiền trợ cấp mất sức lao động của ông A Kan và chế độ dành cho người khuyết tật của Thiện.
“Khi lọt lòng mẹ Thiện cũng như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng lớn dần, cả nhà phát hiện nửa người bên trái của cháu hoạt động khá khó khăn. Dù gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Giờ đây, nửa cơ thể của Thiện gần như không thể hoạt động được”, ông A Kan nói.
Mấy tháng qua, ông cháu Thiện đã quen với việc Hội Liên hiệp Phụ nữ thôn và thị trấn Đăk Tô đến nhà thăm hỏi, tặng nhu yếu phẩm, kinh phí. Thiện là một trong những đứa trẻ mồ côi được Hội Liên hiệp Phụ nữ nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi.
Với gương mặt ngây thơ, non nớt tuổi lên 10, Thiện bảo rằng em chỉ biết mặt mẹ qua di ảnh, còn bố thì em chẳng nhớ rõ. Thiện ước rằng lớn lên trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại và bản thân.
Bà Lê Thị Thảo – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đăk Tô đến thăm hỏi, động viên gia đình người con nuôi Phan Anh Thiện. |
Mái ấm gia đình
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô được triển khai từ cuối năm 2022. Chương trình nhằm nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó là những trường hợp mồ côi do thiên tai, hỏa hoạn, không nơi nương tựa… nhằm tạo điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô đã đỡ đầu cho 13 trẻ.
Với trên 578 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hay mồ côi cha, hoặc mẹ, bà Y Quyền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô – bảo rằng đơn vị cùng các cơ quan, đoàn hội khác chỉ mới nhận đỡ đầu được một số trường hợp rất khó khăn, do đó còn nhiều em mồ côi chưa được hỗ trợ.
Những ngày hè, Y Huyền phụ dì trông em. |
A Khả cất vội quần áo, tránh cơn mưa chiều. |
“Đăk Tô có rất nhiều trường hợp mồ côi, vô cùng khó khăn cần sự quan tâm, hỗ trợ. Do đó, đơn vị mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ để các em có điều kiện học tập, sinh sống”, bà Y Quyền nói.
Còn trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum có hơn 2.293 trẻ mồ côi, trong đó có 243 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhằm xoa dịu nỗi đau và trở thành điểm tựa vững chắc để trẻ mồ côi có thêm động lực và điều kiện bước tiếp trên con đường tương lai, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum phát động, triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hơn 2 năm nay. Qua đó, Hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã nhận đỡ đầu cho 53 trường hợp có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Bà Na Thị Nhàn – Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum – cho hay, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được triển khai đến các huyện, thành phố và Hội phụ nữ các cấp. Với chương trình này, trẻ mồ côi không chỉ có thêm một người mẹ mà là cả một mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho các em về vật chất và tinh thần.
Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế nên các cơ quan, đoàn thể đang ưu tiên đỡ đầu cho những cháu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sự quan tâm và yêu thương của “Mẹ đỡ đầu” sẽ là động lực, nguồn cổ vũ, động viên giúp các cháu vượt qua khó khăn, có điều kiện học tập, hướng đến tương lai tươi đẹp hơn.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại