(DHVO). Anh Nguyễn Văn N (ở Sóc Sơn, Hà Nội) có gửi câu hỏi đến Ban biên tập Tạp chí điện tử Đồng hành Việt, trong thư anh trình bày “Tôi là người bị liệt hai chân, được sự giúp đỡ của gia đình, sắp tới tôi có mở một xưởng gia công bao bì giấy tại nhà, hiện tôi đang cần vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tạp chí cho tôi hỏi hiện tôi có được ưu đãi gì không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? Tôi chân thành cảm ơn”.
Liên quan đến câu hỏi của ông N, phóng viên Tạp chí Điện tử Đồng hành Việt (DHVO) đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp để làm rõ vấn đề của ông.
PV: Chào luật sư! Ông cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, người khuyết tật được ưu đãi gì khi vay vốn không?
Ls. Nguyễn Hồng Thái:
Với tinh thần nhân đạo, tạo cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tự tạo việc làm nuôi sống bản thân cống hiến cho xã hội, pháp luật nước ta quy định những ưu đãi để người khuyết tật làm ăn kinh tế. Khoản 6 Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010 quy định:
“Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh”.
Người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Như vậy, tất cả những người khuyết tật nói chung đều được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để kinh doanh, quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật khởi nghiệp.
PV: Thưa Luật sư, mức vay, lãi suất, thời hạn vay đối với trường hợp này như thế nào?
Ls. Nguyễn Hồng Thái:
Thứ nhất về mức vay, Điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm quy định:
“Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm.
Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng”.
Như vậy, đối với hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tât theo hình thức hộ kinh doanh cá thể thì được vay tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đòng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Với cá nhân người khuyết tật được vay mức tối đa là 50 triệu đồng.
Thứ hai, về thời hạn vay, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm thì:
“Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn”.
Vậy, thời hạn vay vốn căn cứ vào thỏa thuận giữa người khuyết tật, hộ gia đình sử dụng lao động khuyết tật với Ngân hàng chính sách. Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng.
Thứ ba, về lãi suất vay, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ thường thấp (từ khoảng 5% đến 8 %/ 1 năm).
Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.
PV: Vậy người lao động là người khuyết tật có nhu cầu vay vốn thì cần chuẩn bị những gì?
Ls. Nguyễn Hồng Thái:
Hồ sơ vay vốn đối với người khuyết tật gồm:
(1). Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp của Người khuyết tật;
(2). Bản sao có chứng thực giấy xác nhận người khuyết tật của Người khuyết tật.
Đối với hộ kinh doanh cá thể tạo việc làm cho người khuyết tật:
(1). Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án;
(2). Bản sao có chứng thực đăng ký kinh doanh;
(3). Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật lao động tại cơ sở;
(4). Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu vay trên 50 triệu).
Hồ sơ vay vốn được gửi một bộ tại Ngân hàng chính sách từng địa phương, tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng sẽ ưu tiên cho người khuyết tật, hộ gia đình sử tạo việc làm cho người khuyết tât vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn đáo hạn lâu dài hơn so với các hợp đồng vay thông thường.
Trang Quỳnh (Thực hiện)