Vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người khuyết tật

(ĐHVO). Pháp luật Việt Nam có những quy định thuận lợi mang tính nhân đạo sâu sắc trong việc khuyến khích tạo việc làm cho người khuyết tật hoặc người khuyết tật tự tạo việc làm. Điều này thúc đẩy, tạo động lực cho người khuyết tật khởi nghiệp, tự nuôi sống bản thân và làm giàu trên “đôi vai” của mình cũng như tạo ra việc làm cho người khuyết tật khác.

Thúc đẩy tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi. Trong đó, gần 80% NKT sống ở vùng nông thôn, hơn 20% sống ở thành phố; trên 60% NKT trong độ tuổi lao động; 54% là nữ khuyết tật, 46% là nam khuyết tật.

Như vậy, người khuyết tật là một lực lượng lao động đông đảo và vẫn có khả năng tham gia sản xuất, lao động, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, mặt khác họ luôn có khao khát được học nghề và tạo việc làm. Bên cạnh đó, không ít người khuyết tật đã vươn lên lập nghiệp, tự tạo việc làm cho mình và cho những người cùng cảnh ngộ khác. Tuy nhiên, trên thực tế, người khuyết tật đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

Để giúp đỡ cho người khuyết tật hòa nhập vào xã hội, có cơ hội được là việc xây dựng và phát triển sản xuât, Nhà nước đã ban hành những chính sách trợ giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Điều 8 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật, cụ thể:

1. Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây:

a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm;

b) Hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.”

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người khuyết tật. Theo đó, các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người khuyết tật và thu hút thêm người khuyết tật vào làm việc sẽ được xem xét cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.

Chính sách vay vốn ưu đãi

Thứ nhất về mức vay, Điều 24 Nghị định 61/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm quy định:

“1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

2. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.”.

Như vậy, đối với hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tât theo hình thức hộ kinh doanh cá thể thì được vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với cá nhân người khuyết tật được vay mức tối đa là 100 triệu đồng.

Thứ hai về thời hạn vay vốn, theo quy định của Điều 25 Nghị định 61/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm thì: “Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn”.

Vậy, thời hạn vay vốn căn cứ vào thỏa thuận giữa người khuyết tật, hộ gia đình sử dụng lao động khuyết tật với Ngân hàng chính sách. Thời hạn vay vốn không quá 120 tháng.

Thứ ba về lãi suất vay vốn, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ thường thấp (từ khoảng 5% đến 8 %/ 1 năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.

Thứ tư về hồ sơ cho vay vốn đối với người khuyết tật gồm:

(1) Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp của Người khuyết tật;

(2) Bản sao có chứng thực giấy xác nhận người khuyết tật của Người khuyết tật.

Đối với hộ kinh doanh cá thể tạo việc làm cho người khuyết tật:

(1) Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án;

(2) Bản sao có chứng thực đăng ký kinh doanh;

(3) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật lao động tại cơ sở;

(4) Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu vay trên 50 triệu).

Hồ sơ vay vốn được gửi một bộ tại Ngân hàng chính sách từng địa phương, tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng sẽ ưu tiên cho người khuyết tật, hộ gia đình sử tạo việc làm cho người khuyết tât vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn đáo hạn lâu dài hơn so với các hợp đồng vay thông thường.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Các chính sách của Nhà nước là rất cần thiết, rất hợp lý, tuy nhiên phần lớn người  khuyết tật vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Thực tế, người khuyết tật không nắm được thông tin, kiến thức về các chính sách pháp luật, chính sách ưu đãi của Nhà nước về nguồn vốn vay ưu đãi nên không tiếp cận được với nguồn vốn. Một số đối tượng muốn tiếp cận nguồn vốn thì thường gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục, giấy tờ hành chính cùng với đó là vướng mắc xuất phát từ khâu xét duyệt đối tượng người vay tại các ngân hàng chính sách. Mặt khác, đa số người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, đã có không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi, phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí xoá nợ. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khi các ngân hàng chính sách cân nhắc trước mỗi cơ hội vay vốn dành cho người khuyết tật.

Để có thể giải quyết thực trạng trên, công tác truyền thông, phổ biến rộng rãi hơn các chính sách hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả lan truyền. Trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay, cần có chính sách hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ khi người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, về phía cơ quan, ban ngành xem xét có chính sách bổ sung nguồn vốn để mở rộng phạm vi, điều kiện cho vay nhằm giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách, trong đó có người khuyết tật…

Thiết nghĩ, người khuyết tật rất cần sự chung tay góp sức hơn nữa từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các cá nhân, nhà hảo tâm để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người khuyết tật, giải quyết vấn đề việc làm của người khuyết tật, phát huy nguồn lực lao động tiềm năng và giúp cộng đồng người khuyết tật hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang