Trong những năm gần đây, 1 số công nghệ hiện đại đã được đưa vào môn thể thao vua – bóng đá, một trong những công nghệ nổi bật nhất có thể kể đến công nghệ VAR. Tuy nhiên, thay vì những kỳ vọng về việc áp dụng công nghệ VAR trong 1 trận cầu sẽ ít gây ra những tranh cãi xung quanh các tình huống phạm lỗi hay một tình huống việt vị thì nhiều lúc, VAR đang gây ra những tranh cái quyết liệt và dai dẳng hơn cả khi được chưa được áp dụng. Việc một trọng tài áp dụng công nghệ VAR trong tình huống như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn khi mà rất nhiều tình huống rõ ràng vẫn bị trọng tài khước từ hay việc trọng tài xem đi xem lại nhiều lần băng hình trên công nghệ VAR nhưng vẫn đưa ra một quyết định chưa chính xác.
Vậy VAR là gì?
Video Assistant Refree (VAR) là hệ thống mà trong đó một hoặc một nhóm các trọng tài sử dụng các băng hình quay chậm để thảo luận và thẩm định các quyết định của trọng tài chính trên sân nhằm đảm bảo sự chính xác của các quyết định đó. Trước khi chính thức được áp dụng ở Premier League mùa giải năm nay, hệ thống này đã được thử nghiệm ở các giải đấu cup như FA hay Carabao Cup trong hai mùa giải gần đây.
VAR chỉ được phép can thiệp trong quá trình một trận đấu đang diễn ra khi các trọng tài mắc phải một “sai lầm rõ ràng” khi đưa ra quyết định ở 4 trường hợp sau:
– Có hay không có bàn thắng.
– Có hay không có penalty.
– Các tình huống dẫn tới thẻ đỏ trực tiếp.
– Thổi phạt sai đối tượng.
VAR: Có nên là bí mật?
Quy ước này được đưa ra với mục đích giảm thiếu tối đa những sự can thiệp không cần thiết của VAR nhằm tránh làm ảnh hưởng tới các diễn biến của trận đấu.
Tất cả các công đoạn khi áp dụng VAR trong 1 trận cầu đá bóng được thực hiện bởi đội ngũ kỹ thuật và nhóm trọng tài tham gia điều hành VAR, những người theo dõi trận đấu ở VAR HQ đặt tại Stockley Park, London. Tại đây, họ được đưa vào một căn phòng, nơi sẽ được khóa kín 45 phút trước khi bóng lăn. Đội ngũ kỹ thuật viên của Hawk-Eye và các trọng tài đều phải giao nộp điện thoại di động của họ. Có thiết bị ghi hình trên trần nhà để ghi lại các đoạn hội thoại, và luôn phải có người đi kèm mỗi khi ai đó có nhu cầu vào nhà vệ sinh.
Các nhân viên của Hawk-Eye không được phép nói bất cứ lời nào trong các cuộc điện đàm giữa các trọng tài. Họ thậm chí còn được yêu cầu cung cấp thông tin về mối quan hệ cá nhân với các câu lạc bộ, và họ sẽ không được phép làm việc ở những trận đấu có sự tham gia của câu lạc bộ đó hoặc đối thủ cạnh tranh của câu lạc bộ đó.
Khi phát hiện một tình huống “có vấn đề”, nhóm điều hành VAR liên lạc trực tiếp với trọng tài trên sân thông qua một thiết bị đeo tai. Trọng tài khi đó sẽ giơ tay lên báo hiệu tạm dừng trận đấu và thông báo với các cầu thủ về quyết định đang được thẩm định lại.
VAR sẽ xem lại các đoạn băng ghi hình tình huống đó và đưa ra các khuyến nghị. Nếu phát hiện ra lỗi sai, trọng tài sẽ ra dấu hình chữ nhật (tượng trưng cho màn hình TV) để thay đổi quyết định ban đầu của mình.
Trong trường hợp có nhiều chi tiết phức tạp cùng xảy ra, VAR sẽ đề nghị trọng tài xem lại đoạn băng quay chậm bằng màn hình đặt trên sân.
Riêng tại Premier League, việc xem lại các tình huống ngay trên sân được hạn chế một cách tối đa. Những người chịu trách nhiệm áp dụng VAR tại Anh cho rằng hoạt động khiến cho trận đấu bị trì hoãn quá lâu và do đó, sẽ làm ảnh hưởng tới cảm xúc và tâm lý của cả người xem lẫn các cầu thủ. Thay vì được tự mình kiểm tra lại những gì đã xảy ra, trọng tài trên sân buộc phải tin tưởng vào nhận định của những người đồng nghiệp ngồi phía sau màn hình. Dù những tình huống đó có thể đã được nghiên cứu kỹ càng tới 20 lần từ 6 góc máy khác nhau, thì những trong tài cầm còi lại, những người đưa ra quyết định lại không được xem lại tình huống dù chỉ 1 lần.
Tuy nhiên, sự thay đổi này đã vấp phải những sự phản đối từ chính những người trong cuộc. “Chúng ta đang biến VAR trở thành một thứ vô nghĩa.” Keith Hackett, cựu trưởng bộ phận trọng tài Anh phê phán gay gắt cách mà VAR được áp dụng tại Premier League. “Tôi biết là các quốc gia khác đang cười nhạo chúng ta ngay lúc này. Họ nhìn vào mớ hỗn độn mà chúng ta tạo ra với VAR và đặt câu hỏi tại sao chúng ta không học hỏi từ họ.”
Premier League là giải đấu duy nhất trên thế giới áp dụng VAR nhưng lại không tạo điều kiện cho các trọng tài trên sân được kiểm chứng lại những gì đã diễn ra. Trong trường hợp các quyết định ban đầu bị thay đổi, điều đó không chỉ gây nên tác động đối với các trọng tài mà còn khiến các khán giả, đặc biệt là những người trực tiếp đến sân cảm thấy hoang mang khi không hiểu điều gi đang diễn ra. Thứ duy nhất mà họ biết là sau vài phút trận đấu bị tạm dừng, pha va chạm tưởng như bình thường bỗng hóa thành quả penalty, bàn thắng được ghi trong tư thế tưởng chừng việt vị lại được công nhận. Đó chính là nguồn cơn dẫn đến những tranh cãi bất tận đằng sau mỗi quyết định.
Nhìn sang bóng bầu dục, một bộ môn thể thao khác cũng sử dụng công nghệ ghi hình để hỗ trợ các trọng tài trong việc đưa ra các quyết định. Các tình huống được cho là “có vấn đề” được các trọng tài xem xét lại một cách cẩn thận ngay trên sân. Khi một sự thay đổi so với quyết định ban đầu được đưa ra, vị trọng tài sẽ dành thời gian (thường là vài chục giây) để giải thích một cách ngắn gọn về quyết định đó với khán giả thông qua micro được trang bị sẵn. Đồng tình hay phản đối, người xem vẫn có thể thấy được quá trình đưa ra phán quyết, hiểu được logic của các trọng tài và từ đó dễ dàng chấp nhận các quyết định của họ hơn.
Đó là chưa kể đến bản thân việc công bố các đoạn quay chậm, quá trình thảo luận giữa các trọng tài khiến cho khán giả cảm thấy chính họ đang tham gia trực tiếp vào những quá trình này, khiến cho tính giải trí của trận đấu càng được tăng cao.
Xét cho cùng, tất cả chúng ta, những người yêu thích bóng đá đều muốn được chứng kiến một trận đấu công bằng với các phán quyết chính xác đến từ phía các vị trọng tài. Đó cũng chính là mục đích của những nhà quản lý khi áp dụng VAR vào thực tiễn. VAR là công cụ để các trận đấu trở nên “sạch sẽ” hơn, rõ ràng hơn, và vì thế VAR không phải và cũng không nên là một bí mật, một điều gì đó cần được che giấu.
KENBI (tổng hợp)