Vang danh Đội bóng đá Trường huấn luyện

(ĐHVO). Vào thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, đội bóng đá Trường huấn luyện (tên đầy đủ là Trường huấn luyện kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương-thành lập ngày 16 tháng 3 năm 1960) là đội tuyển Quốc gia thường trực.

Đội bóng đá của Trường huấn luyện được thành lập cùng ngày. Nòng cốt ban đầu là hai lãnh đạo cùng một số cầu thủ Thể công được Bộ Quốc phòng điều động sang. Ban lãnh đạo có ông Mai Xuân Phán và Trương Tấn Bửu cùng các cầu thủ Hoàng Ngọc Minh, Trần Tương Lai, Bùi Đức, Nguyễn Thành Đô, Trần Công Thành, Hoàng Thạch Tâm.

Đội tuyển quốc gia trên sân Hàng Đẫy năm 1959

Ông Trương Tấn Bửu, đã từng tham gia đội tuyển Nam Kỳ và liên tục thi đấu cho đội tuyển từ năm 1936 đến năm 1945. Ông đã cùng đội tuyển thi đấu tại Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Campuchia…Năm 1945 ông Trương Tấn Bửu tham gia bộ đội chống Pháp, là thương binh trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Tập kết ra Bắc, ông Trương Tấn Bửu và con trai Trương Tấn Nghĩa gia nhập đội Thể công, vừa là cầu thủ vừa là huấn luyện viên. Về Trường huấn luyện, ông được cử làm Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách đội bóng.

Ủy ban TDTT TƯ triệu tập hơn 50 cầu thủ giỏi nhất miền Bắc về ăn ở tập trung tại Hà Nội. Hàng ngày họ tập trên sân Hàng Đẫy và ở ngay trong những căn phòng nhỏ hẹp dưới khán đài A. Những ngày nghỉ tập, họ về Nhổn tham gia lao động xây dựng trường. Đến tận năm 1962, khi chuyển hẳn về cơ ngơi mới của trường, những hàng cây do họ trồng năm trước đã kịp đâm chồi nảy lộc.

Đội Trường huấn luyện trên sân Thượng Hải năm 1964

Với bộ khung từ các cầu thủ Thể công, đội Trường huấn luyện tiếp nhận đội tuyển Thanh niên Việt Nam gồm các cầu thủ đã thành danh như Lưu Đình Tòng, Phan Đức Âu (CAHN), Trọng Lộ, Ngô Truy (CAHP), Đoàn Đức (Đường sắt) và hàng loạt cầu thủ trẻ như Trần Duy Long, Trần Chính (Quảng Ninh),Đoàn Sơn, Huy Tường, Thanh Toàn (Thanh niên HN), Văn Thìn, Đình Chính (trẻ CAHN), Mạnh Ngọc ( Hải Dương).

Đội cũng gọi thêm từ các đội bóng khác: Cầu thủ Vũ Trọng Bích tức Bảy (Đường sắt), Đặng Văn Thịnh (Bưu điện), Lê Thế Thọ (Hải Dương), Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Văn Minh (Nam Định), Duy Bỉnh Koóng (Cảng HP), Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Phùng Mạnh Ngọc, Trương Tấn Nghĩa… Tiếp tục đội gọi thêm lứa cầu thủ Hai “voi” (TNHN), Tô Hiền, Trần Đình Du, Từ Như Hiển (CAHN), Giai, Kiểm (CAHP), Thủ môn Tuấn (Dệt Nam Định), Trần Hùng, Văn Chung (Xi măng HP), Vinh, Hiển, Ngọc, Chi, Thiêm, Bền, Hán (Thể công).

Đội Trường huấn luyện cũng đôn từ tuyến 2 lên đội 1 các cầu thủ Trần Trung Hiếu, Lê Mai Tú, Nguyễn Văn Vinh, Lê Thụy Hải, Lê Văn Phúc, Nguyễn Văn Thành…

Ông Anatoly Mikhailovich Akimov sinh năm 1915, là thủ môn hay nhất Liên Xô thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ 2, là kiện tướng Công huân và là HLV Công huân, được Chính phủ Liên Xô cử sang làm chuyên gia kỹ thuật (chức danh HLV bây giờ). Đây cũng là huấn luyện viên ngoại đầu tiên về bóng đá của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đội Trường huấn luyện trên sân Bắc Kinh năm 1964

Trong 2 năm 1959 và 1960, HLV A.M. Akimop đã giúp nền bóng đá Việt Nam tiếp cận nền bóng đá tiên tiến của thế giới. Đội tuyển VNDCCH (Trường huấn luyện) đã thi đấu nghiêng ngửa trong các trận đấu quốc tế, chủ yếu trong khối Xã hội chủ nghĩa và Hiệp hội thể thao các nước mới trỗi dậy. Thi đấu cùng các đội bóng trong nước, đội Trường huấn luyện với lối đá hiện đại, hơn hẳn về trình độ so với mặt bằng chung.

Trong cuốn hồi ký “Ghi chép của một thủ môn” (Записки вратаря) xuất bản năm 1968, Akimov đã kể về thời gian công tác tại Việt Nam và tình yêu bóng đá ở xứ nhiệt đới Đông Nam Á :

“Ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bóng đá là môn thể thao số 1. Huấn luyện các cầu thủ Việt Nam thật là dễ chịu. Đó là các cầu thủ luôn luôn cố gắng nỗ lực tập luyện. Họ có kỷ luật cao, yêu lao động và rất chăm chỉ. Các buổi tập luyện diễn ra trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau, nhưng trong suốt 2 năm làm việc, tôi chưa thấy một trường hợp nào bỏ tập hay không hoàn thành giáo án tập luyện”.

Anatoly Mikhailovich Akimov đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Ông mất năm 1984 tại Moskva.

Suốt 10 năm tồn tại, đội bóng đá Trường huấn luyện là lá cờ đầu, là điểm chuẩn để các đội bóng, các cầu thủ trong nước dõi theo và học tập.

Thi đấu trong giải GANEFO, đội tuyển Việt Nam đã thắng cường quốc bóng đá Nam Mỹ Achentina 6-1 và hòa Urugoay 2-2.

Giao hữu với các nước bạn, đội tuyển Việt Nam (THL) đã thắng Presop (đứng thứ 3 giải vô địch Tiệp Khắc ) 3-0; thắng Tubukhin ( đứng thứ 5 Bugari) 5-1; thắng Thanh niên Liên Xô 1-0; Thắng đội Trung Quốc 1-0 và hòa 1-1 ngay tại Bắc Kinh…

Đội Trường huấn luyện trên sân Bình Nhưỡng năm 1965

Những năm đất nước có chiến tranh, tập thể đội bóng đá Trường huấn luyện đã xác định “Sân cỏ là chiến trường”. Như danh thủ – Phó giám đốc Trương Tấn Bửu đã khẳng định : “Họ đã tập luyện, thi đấu xứng đáng với niềm tin của các chiến sỹ ngoài mặt trận, với đồng bào miền Nam rằng, hậu phương sẽ làm tất cả những việc cần làm cho ngày chiến thắng”.

Các HLV (chuyên gia kỹ thuật) của đội Trường huấn luyện là các ông Akimop, Zacop, Krưlop, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Đinh, Nguyễn Thành Đô.

Thành viên đội Trường huấn luyện – ông Trương Tấn Bửu, đã được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA)  trao tặng Huân chương Công trạng Thế kỷ (FIFA Centennial Order of Merit) và ông Lê Thế Thọ đã được trao tặng danh hiệu “Cầu thủ Vàng 50 năm” do Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) trao tặng.

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang