(ĐHVO). Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh chủ quyền hay an ninh chính trị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chống lại các thách thức này, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
1. Việt Nam đối diện với những thách thức an ninh quốc gia trong bối cảnh mới
Các quốc gia trên thế giới đều có quan niệm về an ninh quốc gia khác nhau xuất phát từ vị thế và trình độ phát triển của quốc gia đó. Trong một quốc gia thì quan niệm về an ninh quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những nội dung mới phù hợp với thực tiễn tình hình của từng thời điểm khác nhau.
Luật an ninh quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá XI, kì họp thứ sáu thông qua ngày 3.12.2004 khẳng định an ninh quốc gia chính là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. An ninh quốc gia có hai mặt cơ bản: 1) Sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước; 2) Sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, ảnh hưởng, thậm chí quy định lẫn nhau; giải quyết mặt này sẽ tăng cường củng cố mặt kia và ngược lại. Bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại mọi hoạt động xâm hại an ninh quốc gia; là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân, trong đó công an nhân dân và quân đội nhân dân là những lực lượng nòng cốt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính – tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…), dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”… Đây là, những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển. Theo đó, an ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính – tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh môi trường, an ninh con người…
Ngày nay, vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia của Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:
Thứ nhất, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến Việt Nam trở thành tâm điểm dễ bị lôi kéo, từ đó ảnh hưởng lớn đến đảm bảo an ninh quốc gia.
Trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho mức độ cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc khác trở nên gay gắt hơn. Sau khi cải cách, mở cửa (năm 1978), Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trên 2 con số trong 3 thập niên, trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, dự trữ ngoại hối lên tới hàng ngàn tỷ USD, sức mạnh kinh tế vì thế gia tăng nhanh chóng. Cuối năm 2010, quy mô của kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số 2 thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ kinh tế của Trung Quốc khiến cho cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, nhất là quan hệ Trung – Mỹ. Hai nước vừa là bạn hàng thương mại lớn nhất, vừa cạnh tranh nhau trên các lĩnh vực như thương mại, khoa học, công nghệ. Mỹ xem Trung Quốc là nền kinh tế “phi thị trường” khi thao túng đồng nội tệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, trợ giá cho xuất khẩu, tạo rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc, khiến cho thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn bất lợi cho Mỹ.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế vươn sang các lĩnh vực phi kinh tế. Biển Đông là khu vực không chỉ thuần túy tranh chấp lãnh thổ, biển đảo giữa các nước láng giềng mà còn chồng xếp, đan xen các lợi ích của cạnh tranh địa – chiến lược giữ các cường quốc. Mỹ đề ra chính sách xây dựng khu vực “Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở và tự do”, nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực này, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lí ở Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương. Các nước lớn khác cũng can dự sâu hơn vào tình hình Biển Đông, như Nhật với hành động trợ giúp nâng cao năng lực hàng hải cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ với chính sách Hướng Đông, Australia hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc.
Điều đó thúc đẩy cục diện cạnh tranh địa – chiến lược khốc liệt tại Châu Á – Thái Bình Dương mà Biển Đông trở thành địa bàn cọ xát giữa các cường quốc với nhiều lớp quan hệ đan xen, chồng xếp: Tranh giành lãnh thổ, biển đảo giữa các nước láng giềng; An ninh khu vực (trọng tâm là an ninh, an toàn, tự do hàng hải) và Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cạnh tranh gay gắt hơn về tính chất, sâu rộng hơn về quy mô, phức tạp hơn về đối tượng tham, đa dạng hơn hình thức tiến hành.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường sử dụng các biện pháp “tấn công mềm”, tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kích động, chia rẽ, đòi “phi chính trị hóa Quân đội”; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng nhằm xóa bỏ mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt thông qua hợp tác để thâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam, tác động chuyển hóa bằng phương thức “diễn biến hòa bình”, ngoài việc tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại kinh tế, các thế lực thù địch triệt để tấn công ta trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động vào việc tác động vào cơ sở hạ tầng nhất là tác động vào việc hình thành một xã hội dân sự đồng thời với việc tác động vào kiến trúc thượng tầng đặc biệt là quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam. Tập trung tuyên truyền tư tưởng chống phá, len lỏi vào mọi tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung lợi dụng những đối tượng yếu thế trong xã hội như: người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn … Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, được sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc của xã hội nên đã lợi dụng tuyên truyền chống phá nhằm lôi kéo sự theo dõi, tham gia của mọi người.
Thứ ba, Việt Nam phải đối diện với những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc đầu năm 2020, và hiện nay đã lan ra toàn cầu với những ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt của đời sống con người đã minh chứng cho mức độ ảnh hưởng ghê gớm của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đại dịch đã ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nhóm người khuyết tật, người nghèo … Đói với họ cuộc sống hàng ngày đã khó khăn hơn bao giờ hết, nay lại phải đối mặt với những khó khăn vè kinh tế trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến chính mỗi cá nhân và cộng đồng người khuyết tật trên khắp cả nước. Cùng với việc tiếp tục phải phòng chống, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Việt Nam được dự báo là một trong số các nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh khó khăn, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng,… rất có thể sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thách thức, từ đó dẫn đến nguy cơ mất ổn định.
2. Vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh mới
Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 1998, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về Chiến lược an ninh quốc gia, lần đầu tiên Đảng ta hệ thống nhận diện những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và đề ra các chủ trương, giải pháp cơ bản chỉ đạo về bảo vệ an ninh quốc gia. Trong an ninh quốc gia, an ninh kinh tế được xác định là nền tảng, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Để tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Chỉ thị số 12 ngày 05/01/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII diễn ra tháng 1/2021 đã bổ sung thêm nhiều điểm mới về an ninh quốc gia cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Xuất phát từ những chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước, chính sách đảm bảo an ninh quốc gia của Việt Nam cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Thứ nhất, luôn đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Kiên định và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia và nguyên tắc Đảng lãnh đạo Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Do vậy, phải chú trọng xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, thật sự là hạt nhân lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát; tiếp tục hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh. Đồng thời, chú trọng kiện toàn cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác an ninh ở các bộ, ngành; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về an ninh, động viên, khuyến khích toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nói đến vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong những ngày đầu khi chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Cách mạng “trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[4]. Hồ Chí Minh giải thích: “Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ; chí khí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền”[5].
Thứ hai, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được thể hiện trong sự đoàn kết, đồng lòng giữa nhân dân, là sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia đối với một cộng đồng người yếu thế: người nghèo, người khuyết tật…. Thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, trong mọi hoàn cảnh, không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần không ngừng chăm lo, củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân” tạo ra nền tảng chính trị – tinh thần vững chắc, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ an ninh quốc gia. Chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng sự đồng thuận xã hội. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân. Chăm lo phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện “lấy dân làm gốc”, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm, sự cống hiến, sức sáng tạo của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Sinh thời Bác Hồ đã dạy lực lượng công an nhân dân cần phải biết dựa vào dân thì mới hoàn thành được nhiệm vụ, vì nhân dân là tai mắt của công an để “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[6].
Thứ ba, đẩy mạnh ngoại giao đa phương, tăng cường hợp tác với đối tác và tổ chức quốc tế. Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) lần đầu tiên đưa ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế nhằm phá thế bao vây, cấm vận, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam triển khai đối ngoại đa phương với thế và lực ngày càng vững chắc hơn. Chúng ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 25 nước, trong đó bao gồm cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… Điều đó thể hiện mối quan hệ ngày càng rộng mở và tin cậy giữa nước ta với các nước bạn bè trên thế giới, đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết phân chia biên giới trên đất liền và vùng Vịnh Bắc Bộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại giữa hai nước. Trong thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông “nóng lên” với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc và những hoạt động ngày càng mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp này dựa trên Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), không sử dụng vũ lực cũng như đe dọa sử dụng vũ lực. Tư tưởng nhất quán này của Việt Nam được nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực ủng hộ mạnh mẽ, điều này góp phần quan trọng vào làm “lạnh” những cái đầu “nóng”, tránh để tình hình khu vực phức tạp thêm. Nhìn vào lịch sử, có thể thấy sau khi tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (2/9/1945), chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực ngoại giao để mở rộng quan hệ đối ngoại của Nhà nước non trẻ. Trong hai năm 1945 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman và nhiều bức thư cho nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Liên hiệp quốc để kêu gọi họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và chấm dứt chính sách xâm lược, hiếu chiến của nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam. Trong thư gửi ông James Byrnes (Ngoại trưởng Mỹ) ngày 1/11/1945, Hồ Chí Minh đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”[7], và theo Người, giới trí thức Việt Nam “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”[8]. Mặc dù những yêu cầu của Việt Nam không được đáp ứng nhưng nó thể hiện một tư tưởng hợp tác với mọi quốc gia không phân biệt chế độ chính trị – xã hội vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.
Có thể nói, trong thời gian qua công tác đảm bảo an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đã đạt được những thành tựu quan trọng: “Phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động”[9]. Tuy nhiên, với tình hình quốc tế và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung và đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo các yêu cầu, điều kiện hòa bình phát triển đất nước. Từ đó đảm bảo, nâng cao đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm người yếu thế: người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn… giúp họ ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công an (2015), Tài liệu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh trong Công an nhân dân, (Mật), Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
[1] TS, Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
[2]. TS Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[3]. Th.s Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t2, tr. 289
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t8, tr. 274
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t12, tr. 221
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, tr.91, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, tr.91, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.69, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
Lưu Ngọc Long
Nguyễn Lê Thạch
Nguyễn Tiến Dũng
Nguyễn Hồng Thái
Phạm Thanh Hà
Trần Nhật Linh