(DHVO). Việc xác định mức độ khuyết tật được “thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác”. Đây là quy định tại Điều 17, Luật Người khuyết tật năm 2010 về phương pháp xác định mức độ khuyết tật.
Liên quan đến người khuyết tật, một trong những vấn đề có tính quan trọng, quyết định đối với quyền lợi mà họ được hưởng chính là mức độ khuyết tật. Bởi, dựa vào mức độ khuyết tật, chính bản thân người khuyết tật cùng người thân của họ nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung có thể xác định được những quyền lợi và ưu đãi mà người đó được hưởng. Việc xác định mức độ khuyết tật được quy định rõ ràng, cụ thể tại Luật Người khuyết tật năm 2010 và Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật chính là Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập và bao gồm các thành viên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, trạm trưởng trạm y tế cấp xã, công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội, người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã, người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể và đưa ra các quyết định độc lập cũng như chịu trách nhiêm trực tiếp đối với độ trung thực của các quyết định đó.
Về phương pháp xác định mức độ khuyết tật, theo quy định tại Điều 17 Luật Người khuyết tật và Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư này và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.
Mức độ khuyết tật có thể được xác định thông qua quan sát trực tiếp (Ảnh: Internet)
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật như quy định và phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em. Sau đó, Hội đồng sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi” theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên, Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật như quy định. Người được xác định mức độ khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật sẽ được phỏng vấn. Kết thúc quá trình, dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của người khuyết tật sẽ được ghi nhận vào “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên” theo Mẫu số 03 được ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.
Phiếu xác định mức độ khuyết tật – Mẫu số 03 ban hành kèm thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH
Đồng thời, trong Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH cũng quy định rõ cách ghi các mẫu và biểu hiện cụ thể đối với từng dạng, mức độ khuyết tật.
Minh Hằng.