Vấn đề nhận con nuôi của người khuyết tật

(ĐHVO). Hiện nay, nhận nuôi con nuôi ngày càng phổ biến, không những đáp ứng nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc là tạo những mái ấm gia đình cho trẻ em. Vậy, người khuyết tật cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể nhận con nuôi. Xin mời bạn đọc cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt tìm hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề trên!

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

I. Căn cứ pháp lý

– Luật Nuôi con nuôi 2010;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi.

II. Nội dung tư vấn

* Về những điều kiện cần có của người nhận nuôi và người được nhận nuôi

Theo quy định tại Điều 12 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người nhận nuôi con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt.

Trong số những điều kiện này, người khuyết tật cần làm rõ các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi và có tư cách đạo đức tốt.

Thứ nhất, về điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ:

Theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”

Như vậy, dựa vào những quy định trên thì người từ đủ 18 tuổi trở lên, có thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự trừ trường hợp người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Thứ hai, về sức khỏe: Pháp luật không quy định cụ thể thế nào là “có điều kiện về sức khỏe để đảm bảo việc chăm sóc,nuôi dưỡng, giáo dục con”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu: người có sức khỏe là người có tinh thần thoải mái, không thường xuyên ốm đau, bệnh tật; các yếu tố như thể chất, tinh thần và đời sống xã hội hoàn toàn ở trong trạng thái lành mạnh (dựa theo định nghĩa về khỏe mạnh của WHO). Bởi pháp luật không có quy định việc “có sức khỏe” một cách cụ thể, rõ ràng do đó, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cơ quan có thẩm quyền cần xem xét một cách tổng quát trên nhiều khía cạnh như hồ sơ khám bệnh, thực tế sức khỏe của người khuyết tật khi xác định điều kiện “có sức khỏe” của họ.

Thứ ba, về đạo đức: Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, mỗi đứa trẻ cần được nuôi dạy bởi những người cha, người mẹ có đức tính tốt đẹp. Do vậy, đây cũng là điều kiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét một cách kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận nuôi con nuôi. Ông cha ta thường dạy: “phải thật thà, không được nói dối”, tuy nhiên không phải lời nói dối nào cũng xấu xa, và không phải lời nói thật nào cũng tốt đẹp, bởi vậy không có thước đo cụ thể giá trị đạo đức của một con người. Tuy pháp luật không quy định cụ thể, nhưng đứng dưới cương vị là người cha, người mẹ, họ cần phải có những phẩm chất đạo đức cơ bản như: hiếu thảo với cha mẹ; sống chan hòa, lịch sự với những người xung quanh; biết tôn trọng, cư xử phải phép với mọi người; có trách nhiệm trong cuộc sống;…

Bên cạnh đó, pháp luật quy định những người sau đây không được nhận con nuôi:

– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

– Đang chấp hành hình phạt tù;

– Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm:

– Trẻ em dưới 16 tuổi;

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Như vậy, nếu người khuyết tật thỏa mãn đủ những điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi 20 tuổi trở lên; có đạo đức, sức khỏe; có kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; và không thuộc một trong bốn trường không được nhận nuôi con nuôi thì hoàn toàn có thể nhận trẻ dưới 16 tuổi ở trong trại mồ côi làm con nuôi như những người bình thường khác. Đối với những điều kiện không có quy định rõ ràng như: “có sức khỏe”; “có đạo đức” thì trong quá trình xác định liệu người khuyết tật có đủ điều kiện sức khỏe để nhận nuôi con nuôi hay không, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét hồ sơ sức khỏe và tình hình sức khỏe thực tế của người đó.

* Về thủ tục

Theo Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010, hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước gồm có:

– Đơn xin nhận con nuôi;

– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp

Lưu ý :

– Trường hợp nhận nuôi trẻ khuyết tật thì được miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.

– Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại UBND xã. (căn cứ Điều 5 Nghị định 19/2011/NĐ-CP)

– Căn cứ Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP, việc xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong trường hợp này được thực hiện như sau :

+ Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do UBND cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.

+ Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp – hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.

Trên đây là những điều kiện và thủ tục cần biết khi bạn đọc có nhu cầu nhận con nuôi. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải. Trân trọng!

Hồng Thái

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang